Rơi nước mắt với "Hồi ký bất tử của một liệt sĩ công an"

Năm 2001, trung úy Nguyễn Thành Dũng bị tội phạm nhiễm HIV tấn công bằng kim tiêm. Do không phát hiện kịp thời, anh vô tình lây bệnh cho vợ mình. Khi cả hai vợ chồng anh Dũng ra đi, con trai của họ là bé Nguyễn Duy Minh mới 10 tuổi. Anh để lại cho con trai bé bỏng một cuốn hồi ký với những trang viết đầy xúc cảm. Pháp Luật Việt Nam trân trọng giới thiệu tới độc giả những trang hồi ký này...

Sinh thời, Trung úy Cảnh sát hình sự Nguyễn Thành Dũng (SN 1970) công tác tại Công an quận 11, TP.Hồ Chí Minh. Ngày 13/6/2006, anh hy sinh sau 5 năm gắng gượng chiến đấu với căn bệnh HIV/AIDS vô tình bị lây nhiễm trong khi làm nhiệm vụ.

Phong tặng danh hiệu liệt sỹ cho anh Nguyễn Thành Dũng

Thương xót hơn, vợ anh cũng bị nhiễm từ chồng và đã ra đi từ trước đó (tháng 12/2005). Hai vợ chồng để lại một con trai là cháu Nguyễn Duy Minh (SN 1996), hiện đang sống trong vòng tay yêu thương, đùm bọc của gia đình và họ hàng. Đầu năm 2006, trong bệnh viện, khi sức khỏe của anh ngày một yếu dần, cảm nhận về một điều hệ trọng sắp đến với bản thân, anh dành thời gian viết hồi ký để lại cho con trai mình. Tâm sự với mọi người, anh bảo: “Những dòng viết cho con sau này nó đọc sẽ hiểu hơn về ba  mẹ nó”.

Đầu tháng 9 vừa qua, cuốn “Hồi ký cho con” mà Liệt sỹ Nguyễn Thành Dũng viết cho con trai trong những ngày hai vợ chồng anh chống lại căn bệnh thế kỷ đã được các chiến sĩ Bảo tàng Công an nhân dân đưa về trưng bày.

Năm 2001, trong một đợt truy bắt, anh Dũng bị tội phạm nhiễm HIV tấn công bằng kim tiêm. Do không phát hiện kịp thời, anh Dũng vô tình lây bệnh cho vợ mình. Khi cả hai vợ chồng anh Dũng ra đi, con trai của họ là bé Nguyễn Duy Minh mới 10 tuổi đầu. Cháu bé sống với ông bà ngoại đã già yếu, còn bà nội của bé Minh khi đó mắc bệnh tâm thần.

Đánh giá về tác phẩm này, Thượng tá Nguyễn Thị Minh Loan (Phó Giám đốc Bảo tàng) chia sẻ: “Đây có thể coi là một kỉ vật rất đáng trân trọng của một người chiến sĩ công an nhân dân đã hết mình cống hiến cho Tổ quốc và kiên trì chống chọi với bệnh tật, làm sáng ngời phẩm chất của người chiến sĩ công an. Ở đó, mọi người có thể bắt gặp một hình ảnh một người cha yêu thương con, chăm lo cho gia đình và lúc nào cũng tận tụy vì công việc. Ngôn ngữ thân thiện, giản dị của cuốn hồi ký thực sự làm ấm lòng những ai khi đọc  nó”.

Cuốn Hồi ký có tổng cộng 18 trang viết, với ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, chân tình và ấm áp của một người cha viết cho con trai. Hồi ký gồm các phần: Phần I có tên “Thủa hàn vi của ba”; Phần II có tên “Thủa mẹ gặp ba và có con”; Phần III là “Ba mẹ gặp tai nạn”. Ngoài những dòng viết cho con trai, phần cuối cuốn sổ nhỏ có ghi chép lại một bài hát có tên “Cung đàn mới” (Lưu thủy hành vân) thể hiện sự lạc quan và niềm tin tưởng vào cuộc đời, vào con người trước lúc Trung úy Dũng mãi mãi ra đi...

Pháp luật Việt Nam trân trọng giới thiệu và chuyển tới độc giả toàn bộ những trang viết của cuốn Hồi ký của Liệt sỹ Nguyễn Thành Dũng.

Đón xem Phần I: Thủa hàn vi của ba

Đọc thêm