Hai nhân vật không tên, dường như đã chết ngay cả khi đang sống, họ đồng hành cùng nhau trên một con đường vô hình dẫn tới cái chết và khi nỗi cô đơn gặp nhau, chúng có thể cộng hưởng thành hạnh phúc, nhưng cũng có thể đã nhân đôi nỗi tuyệt vọng để vĩnh viễn trở thành hai đường thẳng song song.
Nguyên nhân hai người tìm tới cái chết nằm ở thẳm sâu những đớn đau, đứt gẫy, mất mát lòng tin. Và cách để họ trao đổi với nhau là bằng những dòng chữ ở một cuốn sổ với những chia sẻ vô cùng ngắn ngủi, nhưng nhìn một chữ có thể thấu hiểu cả ngàn điều sau những điều chẳng muốn nhắc lại nữa: “Mẹ đã chết. Bố đi biệt tăm hơn hai mươi năm. Tôi đã li hôn. Tôi vẫn là một thằng khiếm khuyết, không ai muốn ở gần tôi cả”. “Năm tuổi: Bố chết. Chín tuổi: Mẹ lấy chồng. Mười ba tuổi: Bị bố dượng xâm hại. Lần đầu yêu và bị phản bội: hai chín tuổi. Cần một nơi không bị quấy rầy để chết, hoặc cùng chết”.
Họ gặp nhau trên tàu, cùng tìm đến Sa Pa, cùng dự kiến cho cái chết của mình bằng công thức đếm lùi thời gian. Để rồi họ chạm nhau như một “định mệnh”. Bởi câu chuyện của hai kẻ hoàn toàn xa lạ, đã trải qua quá nhiều nỗi đau cùng lúc, cảm thấy không thể tiếp tục cuộc sống. Và trên bước đường tìm đến cái chết họ gặp nhau. Hành trình tìm đến cái chết hóa ra lại chính là hành trình tìm ra vẻ đẹp của cuộc sống và tự chữa lành vết thương lòng. Tựa cuốn sách “Rơi trong chơi vơi” như cách tìm đến những người đang mang trong mình những nỗi đau khó nói nên lời, chia sẻ một vòng ôm để có thể giữ nhau lại”.
Thật ra, ẩn sâu dưới cái mặt bằng dửng dưng tìm vào cõi chết của nhân vật Rơi trong chơi vơi là cả một trời âm u của những ẩn ức, những khát vọng, những mặc cảm, như một khu rừng chằng chịt của tâm thức mà tác giả An Hạ qua tác phẩm của mình, như một nhà phân tâm học, một khoa học gia, một thiền sư, đã cố gắng để truy tìm một lời giải đáp qua sinh hoạt của hai con người nỗ lực tìm vào cõi chết.
Đời “Nàng” cũng như đờì “Hắn” chỉ còn lại một khối cô đơn va vào nhau như những con sóng ngược, dữ dội nhưng âm thầm tác hại. Câu chuyện Hắn và Nàng, xẩy ra ở một vùng núi cao, lạnh, xa lánh cuộc đời. Hai kẻ đang tìm chết rơi vào đời nhau hoang mang như trong tuyện liêu trai. Một lúc nào đó chợt phát hiện ra là cả hai đang có mặt trong cùng một căn phòng, ngủ trên cùng một chiếc giường… Hình như họ có hôn nhau và có thể… mọi chuyện như đang diễn ra trong một không gian ảo. Thật ra có lúc hắn đã thoáng nhận ra điều này và thú nhận như có một lần im lặng quan sát nỗi cô đơn của anh bạn Mũ Nồi khi anh ta kín đáo hé mở cánh cửa tâm hồn mình ra để thả niềm đam mê đè nén, say mê ngồi vẽ và biết hắn cũng đang thầm lặng quan sát.
“Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy được gắn kết, cảm thấy sự tồn tại của mình”.
Phút đó họ hiện hữu.
Có quá nhiều vấn nạn nhưng qua những gợi ý tư duy này có lẽ độc giả của An Hạ sẽ khởi động từ đó như một niệm để dò đường vào cội nguồn của kiếp người, sinh, lão, bệnh, tử, hỉ, nộ, ái, ố, dục, lạc, sầu, bi, đang rơi chơi vơi giữa cõi vô cùng .
Hóa ra không phải chỉ nỗi đau thể xác, tật bệnh mới xui khiến người ta tìm đến cái chết. Có độc giả cũng là nhà văn đã hỏi An Hạ rằng tại sao hai nhân vật ở tận cùng cô đơn, rách nát trong thẳm sâu tâm hồn, rạn vỡ niềm tin lại không cho họ đến với nhau, bù đắp và tìm lại niềm tin ở cuộc đời. “Cuộc sống này thật đẹp. Chân lí giản dị ấy không phải lúc nào cũng được thừa nhận, khi vẻ đẹp cuộc sống thường chỉ được đánh giá qua những chìm nổi của mỗi cuộc đời riêng. Những gì xảy ra với chúng ta, trong cuộc đời chúng ta luôn quan trọng hơn chính bản thân cuộc sống....”. Và những dòng kết thúc tiểu thuyết như hóa giải mọi điều: “Khi thoát khỏi tham lam, khỏi những tranh đua như những đợt tranh sóng ồ ạt trong xã hội loài người, hạnh phúc đơn giản là được sống và tồn tại trong một thế giới đầy chặt những điều diệu kì”…