Romania: Phong tỏa hơn 32 triệu USD của Chủ tịch Hạ viện

(PLO) - Quyết định phong tỏa hơn 32 triệu USD của Chủ tịch đảng Xã hội Dân chủ (PSD) cầm quyền Liviu Dragnea đang khiến dư luận và chính giới quan tâm bởi đây không phải lần đầu tiên danh tính của ông Liviu Dragnea, Chủ tịch Hạ viện bị giới truyền thông nhắc tới và Chủ tịch đảng PSD đang bị điều tra với cáo buộc lạm quyền và biển thủ các khoản tài trợ của Liên minh châu Âu (EU). 
 
Người biểu tình phản đối dự luật cải cách tư pháp của chính phủ
Người biểu tình phản đối dự luật cải cách tư pháp của chính phủ

Theo quyết định hôm 21-11 của Văn phòng công tố chống tham nhũng quốc gia Romania (DNA), hơn 127,5 triệu leu (32,2 triệu USD) tài sản của ông Liviu Dragnea đã bị tịch thu tạm thời. Chủ tịch đảng PSD bị cáo buộc sử dụng sai mục đích các khoản tài chính của EU dành cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khi ông Liviu Dragnea giữ chức Chủ tịch Hội đồng vùng Teleorman, miền Nam Romania trong giai đoạn 2000-2012. 

Ngay sau khi bị DNA cáo buộc, ông Liviu Dragnea đã phủ nhận mọi cáo buộc. Trước đó (13-11), DNA đã cáo buộc ông Liviu Dragene lạm quyền khi sử dụng hàng hóa và dịch vụ công cho mục đích cá nhân hoặc cho riêng đảng cầm quyền. Hơn 1 năm trước (tháng 9-2016), Cơ quan chống gian lận châu Âu đã bắt đầu "để mắt" tới những hoạt động mờ ám của ông Liviu Dragnea. 

Ông Liviu Dragnea từng bị kết tội gian lận trong bầu cử và bị tòa tuyên mức án 2 năm tù treo. Và bản án kể trên đã khiến ông Liviu Dragnea không đủ tư cách để ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng sau khi đảng PSD giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử mới đây. Tuy không trở thành Thủ tướng, nhưng ông Liviu Dragnea vẫn có quyền lực rất lớn trong đảng PSD. Theo giới truyền thông, ông Liviu Dragnea từng bị tòa kết tội chủ mưu mua chuộc và giả mạo phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý để luận tội cựu Tổng thống Traian Basescu cách đây 5 năm (2012-2017), đồng thời tuyên phạt 1 năm tù án treo. Gần nửa tháng trước (12-11), hàng nghìn người đã biểu tình tại nhiều thành phố để phản đối dự luật cải cách tư pháp của chính phủ - những sửa đổi sẽ làm suy yếu nỗ lực chống tham nhũng. Trước đó (5-11), hơn 12.000 người đã biểu tình tại Bucharest để phản đối dự luật cải cách tư pháp bởi việc này sẽ làm suy yếu quyền lực của DNA cũng như ngăn cản cơ quan này điều tra các quan chức. Bởi theo dự luật cải cách, Tổng thống sẽ không còn quyền chỉ định các công tố viên cao cấp và việc sửa đổi dự luật nhằm bảo vệ các nhà lãnh đạo tham nhũng. Đại diện của Ủy ban châu Âu tại Romania, bà Angela Cristea từng cảnh báo, nỗ lực của Bucharest trong việc cải cách toàn diện hệ thống tư pháp có thể hủy hoại nỗ lực của Romania trong bài trừ nạn tham nhũng. 

Chủ tịch đảng Xã hội Dân chủ (PSD) cầm quyền Liviu Dragnea
 Chủ tịch đảng Xã hội Dân chủ (PSD) cầm quyền Liviu Dragnea

Dư luận từng coi việc Tổng thống Klaus Iohannis từ chối đề xuất của đảng PSD về việc bổ nhiệm bà Sevil Shhaideh, nữ Hồi giáo làm Thủ tướng gần 1 năm trước (27-12-2016) là quyết định sáng suốt. Bởi theo thông báo hơn 2 tháng trước (22-9) của DNA, nữ Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Phát triển Khu vực Sevil Shhaideh bị tình nghi lạm quyền trong một vụ chuyển nhượng đất. Công tố viên nghi ngờ nữ Phó Thủ tướng trong thời gian làm Thứ trưởng Bộ Phát triển Khu vực đã giúp chuyển giao bất hợp pháp 324 ha đất gần sông Danube của nhà nước cho hội đồng huyện Teleorman vào năm 2013. Và khu đất này sau đó được tư nhân thuê lại. Điều đáng nói là Chủ tịch đảng PSD Liviu Dragnea từng là người đứng đầu hội đồng huyện Teleorman trong hơn 1 thập kỷ (đến năm 2012 mới kết thúc) và có quan hệ làm ăn với khu vực này. Theo giới truyền thông, bà Sevil Shhaideh là đồng minh thân cận của Chủ tịch đảng PSD Liviu Dragnea, người đang nhận án treo vì gian lận phiếu bầu và đang bị xét xử trong một vụ lạm quyền khác. Bà Sevil Shhaideh cho biết, đã nhận được thông báo là nghi phạm của vụ án kể trên, nhưng không tiết lộ thêm chi tiết vì cuộc điều tra đang diễn ra. Đồng thời khẳng định, sẽ sử dụng mọi quyền lợi (muốn điều tra nghị sĩ phải nhận được sự thông qua của Quốc hội) để phân tích tài liệu với các luật sư.

 Được biết, ngoài bà Sevil Shhaideh, các công tố viên còn đang điều tra 4 quan chức có liên quan tới vụ án kể trên, trong đó có nghị sĩ Rovana Plumb, Bộ trưởng Phụ trách ngân sách châu Âu. Các công tố viên nghi ngờ bà Rovana Plumb, người từng làm Bộ trưởng Môi trường năm 2013, đồng lõa lạm quyền trong vụ án với bà Sevil Shhaideh./. 

Đọc thêm