Dự kiến Luật sẽ được thông qua vào tháng 5/2025
Theo TS. Trương Hồng Quang - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, dưới góc độ khoa học cũng như pháp luật quốc tế đã ghi nhận vấn đề đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính (LGBTI) là vấn đề khách quan, bình thường của xã hội. Đây là những xu hướng tính dục, bản dạng giới và đặc điểm cơ thể tự nhiên của loài người (chiếm số ít) bên cạnh xu hướng dị tính (phổ biến). Một trong những quyền quan trọng nhất là quyền được công nhận và tôn trọng. Việc pháp luật ghi nhận quyền của người LGBTI là yêu cầu tất yếu đặt ra trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển.
Bởi thực tế, dù đã có nhiều cởi mở hơn, nhưng sự kì thị, phân biệt đối xử nên người LGBTI có thể được xem như đối tượng yếu thế trong xã hội. Khi tham gia vào các quan hệ kinh tế như tìm kiếm việc làm, cơ hội thăng tiến trong công việc, vấn đề nhà ở… họ sẽ gặp nhiều trở ngại và có thể bị đối xử bất công.
Việt Nam đã có sự đổi mới trong tư duy lập pháp về quyền của người LGBTI (rộng hơn là vấn đề xu hướng tính dục, bản dạng giới). Đây thực sự là nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người. Qua nghiên cứu cho thấy, về cơ bản, pháp luật Việt Nam đã ghi nhận hầu hết các quyền của người LGBTI. Theo đó, người LGBTI có các quyền như các đối tượng khác trong xã hội. Tuy nhiên, pháp luật chưa ghi nhận một số quyền liên quan đến người LGBTI như quyền kết hôn của cặp đôi cùng giới, quyền nhận con nuôi chung của cặp đôi cùng giới, quyền về mang thai hộ của cặp đôi LGBTI...
Các thuật ngữ như xu hướng tính dục, bản dạng giới, đồng tính, song tính, chuyển giới, liên giới tính rất hiếm khi xuất hiện trong các quy định pháp luật cụ thể. Tuy vậy, các vấn đề về quyền của người LGBTI được thể hiện thông qua nhiều kĩ thuật lập pháp khác nhau (ví dụ: Kết hôn giữa những người cùng giới tính, quy định về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ, thi hành án hình sự…) cũng gián tiếp ghi nhận hoặc chưa ghi nhận quyền của các đối tượng này.
Có thể thấy, người LGBTI tại Việt Nam không phải chịu những quy định hà khắc, phân biệt đối xử như một số quốc gia trên thế giới, ví dụ như pháp luật Việt Nam không có những quy định cấm hiện tượng đồng tính/song tính/chuyển giới, bỏ tù/tử hình người đồng tính/quan hệ đồng tính...
Trước đó, theo Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã ghi rõ: Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và Luật khác có liên quan.
Căn cứ quy định này, sau khi chuyển đổi giới tính, cá nhân phải đăng ký thay đổi hộ tịch. Sau đó, người này sẽ có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi. Một trong số các quyền nhân thân là quyền đăng ký kết hôn.
Như vậy, sau khi chuyển giới, đăng ký thay đổi hộ tịch thì người chuyển giới được quyền đăng ký kết hôn với người khác giới tính đã chuyển và quan hệ hôn nhân này sẽ được pháp luật công nhận.
Do đó, cơ sở xây dựng Luật Bản dạng giới nay được sửa lại là dự án Luật chuyển đổi giới tính dựa trên quyền chuyển đổi giới tính của công dân, quyền được công nhận giới tính mới khác giới tính khi sinh theo yêu cầu của công dân.
Sau đó, Chính phủ đã có Văn bản số 113/CP-PL tham gia ý kiến về nội dung đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới mà đại biểu Quốc hội đã nêu. Chính phủ nhìn nhận việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng văn bản luật về chuyển đổi giới tính là cần thiết để thể chế hóa một số nội dung liên quan đến quyền con người mà Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự năm 2015 đã nói rõ.
Theo tờ trình này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, đưa Luật Bản dạng giới vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 dự kiến vào tháng 10/2024. Sau đó sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 dự kiến vào tháng 5/2025.
Như vậy, khi có Luật Chuyển đổi giới tính, cộng đồng LGBTIQ+ sẽ tự tin về tư cách bình đẳng. Họ không buộc phải phản bội cảm xúc chính mình, gây tội lỗi, thậm chí tội ác đối với đời sống tinh thần của chính bản thân…
Không thể chậm trễ
Các cặp đôi LGBT mong sớm được công nhận hôn nhân thực tế. (Ảnh: PV) |
GS. ĐBQH Nguyễn Anh Trí - Trưởng Ban soạn thảo nêu rõ, sau khi dự án Luật được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Ban soạn thảo đã tập trung triển khai nhiều công việc, làm việc với các cơ quan liên quan và tiến hành Phiên họp đầu tiên. Bên cạnh đó, tổ chức các tọa đàm về những vấn đề liên quan đến dự án Luật và đã nhận được nhiều ý kiến góp ý sâu sắc, có tính chuyên môn cao của các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này.
GS Nguyễn Anh Trí cho biết, dự án Luật này sẽ quy định về quyền và nghĩa vụ của người có nguyện vọng chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam hoặc từ nam sang nữ. Cơ quan có thẩm quyền công nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính; điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với người có nguyện vọng chuyển đổi giới tính.
Đánh giá cao các ý kiến đóng góp của đại biểu, Trưởng Ban soạn thảo Nguyễn Anh Trí cho biết, sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý tại tọa đàm, đánh giá tác động kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm của các chuyên gia, tổ chức quốc tế, các luật về chuyển đổi giới tính ở các quốc gia trên thế giới để hoàn thiện các quy định, các chính sách trong quá trình xây dựng dự án Luật.
Những tác động này làm biến đổi một con người với những hệ lụy mà đằng sau mỗi số phận người chuyển giới là rất nhiều câu chuyện bi kịch. Bình đẳng cho người chuyển giới là giúp họ được tiếp cận với các thăm khám sức khỏe cũng như tư vấn tâm lý.
Bên cạnh đó, nhiều người chưa có cơ hội sống thử trước khi quyết định phẫu thuật chuyển giới nên gặp khó khăn, bao gồm các vấn đề thể chất, tâm lý. Theo cơ quan soạn thảo Luật, chi phí một quy trình hoàn chỉnh cho việc chuyển giới tại một bệnh viện uy tín tại Thái Lan (bao gồm phẫu thuật chuyển đổi giới tính và hỗ trợ tư vấn) cho chuyển đổi từ nữ sang nam dao động trong khoảng từ 30.000 USD (khoảng 700 triệu đồng), trong đó phẫu thuật cắt ngực từ 3.000 - 5.000USD. Với việc chuyển đổi giới tính từ nam, sang nữ, chi phí đắt hơn lên đến 35.000 USD (tương đương 800 triệu đồng), trong đó bơm ngực mất khoảng 5.000 USD.
Bên cạnh đó, việc không được tư vấn, hỗ trợ tâm lý và sử dụng hóc môn trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, phẫu thuật chuyển giới tại các cơ sở y tế không hợp pháp dẫn đến những hậu quả, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần, thậm chí là tính mạng của người chuyển giới.
Hiện, Việt Nam có khoảng nửa triệu người chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, các rào cản về mặt xã hội, văn hóa và pháp lý đang đặt họ trở thành nhóm dễ bị tổn thương.
Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, người chuyển giới bị kỳ thị và phân biệt đối xử trong gia đình, nhà trường, cơ sở y tế và cộng đồng. Họ gặp khó khăn trong tình yêu và hôn nhân, khó khăn trong cơ hội việc làm. Người chuyển giới Việt Nam gặp rắc rối trong các vấn đề pháp lý: không được đổi tên và xác định lại giới tính, không được sống như một người bình thường (tham gia phương tiện giao thông, dịch vụ công cộng…).
Kể từ khi Bộ luật Dân sự được Quốc hội thông qua, một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bình Dân… đã có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho việc thực hiện các can thiệp y học để chuẩn bị cho dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính được thông qua.
Khi đã có Luật, người chuyển giới sẽ được tư vấn, hỗ trợ về tâm lý, y tế trước, trong và sau khi thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính. Họ được tôn trọng, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật cá nhân và các quyền riêng tư khác. Được bảo đảm quyền học tập, lao động và hòa nhập gia đình, xã hội sau khi thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính. Không bị bắt buộc phải triệt sản khi phẫu thuật bộ phận sinh dục, trừ trường hợp tự nguyện. Được bảo đảm các quyền khác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật…
Những tín hiệu đáng mừng của dự án Luật Chuyển đổi giới tính đã nhen nhóm trong nhiều người chuyển giới việc sẵn sàng công khai để được sống với đúng giới tính mình mong muốn. Họ cũng sẵn sàng trở thành những thành viên tích cực lên tiếng, đóng góp ý kiến làm cơ sở để tạo nên một hành lang pháp lý về quyền của chính mình.
Việt Nam hiện chưa có nghiên cứu về tỷ lệ người chuyển giới mong muốn quay lại giới tính ban đầu, song các chuyên gia nhận định nhóm người này không hiếm. BS Ngô Hải Sơn - Bệnh viện Việt Đức cho biết, bên cạnh những người có khát vọng mạnh mẽ được sống đúng bản dạng giới của mình như có người tự cắt bộ phận sinh dục nam, nhưng khi ngất đi, người nhà đã mang nối lại… Song cũng nhiều người muốn tự tử sau khi phẫu thuật, bởi họ thất vọng và chưa sẵn sàng về tâm lý. Khi thay đổi ngoại hình, nhiều người thấy lạ lẫm, phiền phức. Thực tế, các phẫu thuật liên quan đến chuyển giới, nhất là tạo hình bộ phận sinh dục khá phức tạp, nguy cơ rủi ro sức khỏe và kinh phí lớn nên nhiều người không đi đến tận cùng. Ngoại hình không được như mong muốn khiến họ buồn chán, thất vọng. Họ không tự tin khi tiếp xúc xã hội, khó khăn trong công việc hoặc tình cảm. Trong khi gia đình ruồng bỏ, cộng đồng kỳ thị càng là yếu tố thúc đẩy, khiến người chuyển giới hối hận.