Trách nhiệm của truyền thông về bình đẳng giới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 4-5/12 tại Hà Nội đã diễn ra Chương trình Tập huấn truyền thông về bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và AusAid tổ chức.

Tham dự chương trình tập huấn có bà Ngô Diệu Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; các diễn giả thuộc Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các chuyên gia tâm lý, cán bộ truyền thông và vận động chính sách của UN Women và các nhà báo, phóng viên,…

Bà Ngô Diệu Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ tại chương trình tập huấn.

Bà Ngô Diệu Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ tại chương trình tập huấn.

Chia sẻ tại chương trình, bà Ngô Diệu Linh nhấn mạnh: Với việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030, lần đầu tiên Việt Nam có một chương trình truyền thông riêng về bình đẳng giới. Bên cạnh việc xây dựng khung khổ pháp luật quốc gia về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, bao gồm các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới thì công tác truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới có ý nghĩa quan trọng, cần thiết và cấp thiết.

Các thành viên tham gia chương trình tập huấn (Ảnh: UN Women).

Các thành viên tham gia chương trình tập huấn (Ảnh: UN Women).

Trong khuôn khổ buổi tập huấn, các chuyên gia tâm lý đã chia sẻ kiến thức, nguyên tắc, kỹ năng nhằm hỗ trợ truyền thông về bình đẳng giới thông qua các nội dung: Hiểu đúng về giới, bình đẳng giới, và bạo lực giới - Thực trạng bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam; Những lưu ý khi truyền thông về ứng phó với bạo lực giới và bình đẳng giới; Phương pháp giảm thiểu căng thẳng khi truyền thông về bạo lực trên cơ sở giới.

Ths. Mia Nguyễn, Nhà tâm lý, giảng viên tại Văn phòng tâm lý Ladies of Viet Nam.

Ths. Mia Nguyễn, Nhà tâm lý, giảng viên tại Văn phòng tâm lý Ladies of Viet Nam.

Ths. Mia Nguyễn, Nhà tâm lý, giảng viên tại Văn phòng tâm lý Ladies of Viet Nam nêu bật một số điểm nhấn cho thấy bước tiến trong hoạt động bình đẳng giới tại Việt Nam các năm qua. Những thành tựu mà Việt Nam đạt được có thể kể đến như: Có khung pháp lý vững chắc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; Tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động cao (70%); Tỷ lệ nữ trong Quốc hội (30,26%) so với 25,5% toàn cầu. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2023, Việt Nam được xếp vị trí thứ 72/146 quốc gia được khảo sát trên thế giới về thu hẹp khoảng cách giới, tăng 11 bậc so với 2022, tiến độ bình đẳng giới đạt 71,1%.

Ths. Lưu Nguyệt Minh, Chuyên gia tư vấn độc lập về giới và phát triển (Ảnh: UN Women).

Ths. Lưu Nguyệt Minh, Chuyên gia tư vấn độc lập về giới và phát triển (Ảnh: UN Women).

Chia sẻ với học viên, Ths. Lưu Nguyệt Minh, Chuyên gia tư vấn độc lập về giới và phát triển cho biết nguyên tắc truyền thông về bình đẳng giới và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới dựa trên: Nguyên tắc truyền thông có đáp ứng giới (UNDP); Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo (10 điều); Nguyên tắc truyền thông và đưa tin về bạo lực trên cơ sở giới (UNICEF). Đồng thời chuyên gia nêu một số lưu ý khi tiến hành phỏng vấn, làm việc với phụ nữ, trẻ em và người bị bạo lực trên cơ sở giới.

Thảo luận nhóm về thách thức và cơ hội của người làm truyền thông, báo chí.

Thảo luận nhóm về thách thức và cơ hội của người làm truyền thông, báo chí.

Các học viên cũng được tham gia thảo luận nhóm về thách thức và cơ hội của người làm truyền thông, báo chí khi đặt vấn đề, đưa tin và giải quyết các vấn đề bất bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới. Một số đề xuất được các học viên trao đổi với Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UN Women gồm cần cập nhật các con số thống kê cụ thể từ cơ quan chức năng; cung cấp nhiều chuyến đi thực tế, tập huấn chuyên sâu; tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, cuộc thi, giải thưởng Báo chí,…

Đọc thêm