Cao lanh (Kaolin) là loại đất sét màu trắng, nằm sâu dưới đất, cát do thủy triều hoặc phong hóa tạo nên. Khi gặp nước, cao lanh dính dẻo, dễ định hình. Tiếp xúc với nhiệt độ cao, loại đất sét này lại thành thể rắn.
Trong công nghiệp, cao lanh được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như sản xuất đồ gốm sứ, vật liệu chịu lửa, vật liệu mài, sản xuất nhôm, phèn nhôm, đúc, chất độn sơn, cao su, giấy, xi măng trắng.
Tại tỉnh Lâm Đồng, cao lanh tập trung nhiều ở TP Đà Lạt (Prenn và Trại Mát). Tuy nhiên, khu vực 2 huyện Bảo Lâm và Bảo Lộc cũng được xem là "thủ phủ" của nạn khai thác cao lanh.
Khu vực Bảo Lâm, Bảo Lộc có hàng trăm bãi khai thác cao lanh đang hoạt động bất chấp những tác hại môi trường.
Núi rừng tan hoang do những bãi khai thác cao lanh để lại trong một thời gian dài.
Những chiếc xe siêu trường, siêu trọng xếp hàng chờ lấy cao lanh chở về khu vực Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu tiêu thụ.
Do giá trị kinh tế cao, khu vực Bảo Lâm, Bảo Lộc trở thành điểm nóng của nạn khai thác cao lanh. Ở đây, việc tranh giành khai thác diễn ra thường xuyên khiến tình hình an ninh trật tự phức tạp.
Những diện tích được giao để trồng và bảo vệ rừng lại biến thành những mỏ khai thác cao lanh vô tội vạ.
Nhiều người dân sinh sống lâu năm tại khu vực này bức xúc trước cảnh tàn phá núi rừng, đất đai.
Nếu không có biện pháp ngăn chặn, không chỉ núi rừng mà đường sá và hạ tầng giao thông cũng sẽ bị những đối tượng khai thác cao lanh cày nát.
Rất nhiều xe cuốc, xe ủi, xe cẩu và xe ben hoạt động rầm rộ cả này lẫn đêm trong “đại công trường” khai thác cao lanh.
Những ai được phép khai thác loại khoáng sản giá trị này là câu hỏi mà dư luận rất quan tâm.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp phản ánh vấn đề này.