Rụng sạch tóc trên đầu
Tháng 6/2023, khi đi du lịch cùng gia đình tại Đà Lạt, bỗng nhiên T.T.N.K (học sinh lớp 7) phát hiện mảng da đầu bị mất tóc hoàn toàn. Ngay sau đó em K. được gia đình đưa đi thăm khám tại Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa, tuy nhiên, tình trạng rụng tóc thành mảng vẫn diễn ra với tần suất nhiều hơn. Sau hơn 10 tháng kể từ khi phát hiện mảng da đầu mất tóc, em K. đã bị rụng tóc hoàn toàn trên đầu.
“Em đi khám ở nhiều bệnh viện, nơi thì nói em bị rụng tóc mạn tính không có nguyên nhân, nơi thì nói em bị rụng tóc do di truyền. Khi phát hiện rụng tóc em cũng hoang mang lắm, rồi tóc cứ ngày một rụng hết, em càng tủi thân hơn. Em bắt đầu ngại đi ra ngoài, ngại giao tiếp với mọi người. Bây giờ em chỉ mong tóc mình sớm mọc lại bình thường”, T.T.N.K chia sẻ.
Đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, tại đây các bác sĩ chẩn đoán trường hợp của T.T.N.K là bị rụng tóc thể mảng dạng mãn tính. Bệnh nhân đang được theo dõi và điều trị theo phác đồ.
Chia sẻ về trường hợp của bệnh nhân T.T.N.K, BSCK II Trương Thị Huyền Trang, Khoa Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ Tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: “Bệnh nhân T.T.N.K là một trong những trường hợp điển hình của rụng tóc thể mảng, đây là một trong số ba nguyên nhân thường gặp nhất của rụng tóc. Và tình trạng của K. là một trường hợp rụng tóc thể mảng xảy ra ở toàn bộ da đầu”.
Tương tự như bệnh nhân T.T.N.K, trường hợp của bệnh nhân nam V.M.P (11 tuổi, Bắc Ninh) cũng bị rụng tóc thể mảng nhưng may mắn hơn, bệnh nhân P. chỉ dừng lại ở những mảng nhỏ trên đầu.
“Bệnh nhân P. cách đây khoảng 2 năm, cũng xuất hiện tình trạng rụng tóc. Theo gia đình chia sẻ, thời điểm đó, trên đầu cháu xuất hiện 2-3 mảng tóc rụng to bằng lòng bàn tay. Ngay sau đó cháu bé được gia đình đưa đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương. Sau quá trình điều trị, tóc của bệnh nhân P. đã mọc trở lại. Tuy nhiên, gần đây trên đầu cháu lại tiếp tục xuất hiện những chấm nhỏ li ti tóc rụng, nên cháu lại được đưa đến thăm khám và điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương”, bác sĩ Trang cho hay.
Cũng theo bác sĩ Trang, tại Bệnh viện Da liễu Trung ương thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh rụng tóc. Có những trường hợp rụng tóc thể mảng nhưng chỉ dừng lại ở những chấm nhỏ li ti trên da đầu, nhưng cũng có trường hợp mảng rụng lớn hơn bằng lòng bàn tay hoặc cả đầu. Thậm chí có cả những trường hợp mất hoàn toàn tóc trên da đầu, cũng như vùng lông mi, lông mày...
Về nguyên nhân gây ra tình trạng rụng tóc, bác sĩ Trang cho biết có rất nhiều nguyên nhân. Tùy vào từng nguyên nhân gây rụng tóc, các bác sĩ sẽ có những cách điều trị rất khác nhau. Có những trường hợp chỉ bị rụng tóc đơn thuần chưa phải là bệnh lý, có những trường hợp rụng tóc bệnh lý và cũng có những trường hợp bị rụng tóc là do mắc một bệnh lý khác.
|
Bệnh nhân điều trị chứng rụng tóc tại Bệnh viện Da liễu Trung ương. Ảnh: Ngọc Nga |
Khi nào cần đi gặp bác sĩ?
Theo bác sĩ Trang, tỷ lệ bệnh nhân khám rụng tóc do bất kể nguyên nhân nào trên thế giới vẫn ghi nhận khoảng 15% số lượng bệnh nhân khám về da liễu. Rụng tóc sẽ rải rác các tháng trong năm, nhưng có 2 thời điểm ghi nhận bệnh nhân bị rụng tóc nhiều hơn, đó là tháng 3-4 và tháng 9-10 hàng năm. Đây có thể được gọi là “mùa” rụng tóc.
“Năm nay, theo đánh giá bắt đầu từ tháng 3, số lượng bệnh nhân đến khám vì rụng tóc có thể lên tới 30 bệnh nhân/ngày. Tuy nhiên, trước đó khoảng tháng 11-12/2023 có rất nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết, sau khoảng 2-3 tháng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết sẽ xuất hiện tình trạng rụng tóc. Vì vậy, thời điểm này rất khó phân định lượng bệnh nhân này đến khám là do rụng tóc theo “mùa” hay do nguyên nhân khác”, bác sĩ Trang cho biết.
Chia sẻ thêm về việc khi nào rụng tóc thì cần đi thăm khám, bác sĩ Trang cho hay: “Nếu một người chỉ bị rụng 50-100 sợi tóc mỗi ngày thì chưa bị bệnh lý. Nhưng khi rụng trên 100 sợi mỗi ngày thì cần được bác sĩ thăm khám. Ngoài ra, nếu nhận thấy tình trạng rụng tóc mà không thấy dấu hiệu của tóc mọc lại, hoặc tóc mọc lại rất yếu, dễ rụng, dễ gãy thì cũng cần đi thăm khám”.