Cô gái trẻ stress vì rụng tóc quá nhiều hậu COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khỏi COVID-19 được khoảng gần 1 tháng thì Thảo Thanh (27 tuổi, Ninh Bình) gặp phải tình trạng rụng tóc nhiều ngày không đỡ.
Tình trạng rụng tóc hiện tại của Thảo Thanh (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Tình trạng rụng tóc hiện tại của Thảo Thanh (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Stress vì tóc rụng quá nhiều

Vừa mới khỏi COVID-19 được gần một tháng, sức khỏe chưa kịp phục hồi thì Thanh Thảo lại rơi vào stress vì tình trạng tóc rụng ngày một nhiều.

"COVID ở nhà nhiều stress khiến mình bị rụng tóc kinh khủng khiếp. Do cơ địa thiếu máu, tóc mỏng và thưa nên lúc rụng cái là trắng phớ đỉnh đầu luôn. Nhất là mỗi khi gội đầu thấy tóc rụng cả nắm mình sốt ruột lắm, cảm giác như sắp hói đầu", cô gái trẻ ngậm ngùi chia sẻ.

Lo lắng tình trạng rụng tóc ngày một nhiều, Thanh lên mạng tìm kiếm phương pháp khắc phục. Tuy nhiên, dù đã thử nhiều cách như dùng dùng dầu gội giảm rụng tóc, tinh dầu bưởi kích thích mọc tóc,... nhưng tình trạng tóc rụng vẫn không hề thuyên giảm.

Thanh quyết định đi khám và bác sĩ cho biết đây là triệu chứng của hậu COVID-19 và tiêm vaccine mũi 3. Ngoài ra do tóc của Thanh có nhuộm màu nên tóc vốn đã yếu, bị COVID-19 xong lại càng rụng nhiều hơn bình thường.

Để khắc phục vấn đề của mình, bác sĩ khuyên Thảo Thanh nên giữ tinh thần ổn định, ngủ nghỉ điều độ, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục nhẹ nhàng.

Nguyên nhân rụng tóc do COVID-19

Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường - Bệnh viện Quân y 103 cho biết, rụng tóc là một trong những triệu chứng phổ biến của hậu COVID-19.

Khi mắc COVID-19 sẽ có nhiều nguyên nhân gây rụng tóc sớm và nhiều như: Sốt cao, mệt mỏi, liên quan đến phản ứng suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể, tăng viêm nhiễm, ngứa da đầu gây gãi nhiều. Do đó dù mắc COVID-19 người bệnh hông nên kiêng tắm gội hoàn toàn.

Stress cũng là một nguyên nhân gây rụng tóc do cách ly lâu, quá lo lắng gây áp lực lớn, không có ai chia sẻ động viên. Từ đó cơ thể sẽ sinh ra các hóc môn chống stress gây hại cho hệ lông tóc móng (co thắt mạch, khít lỗ chân lông làm giảm nuôi dưỡng tóc).

Khi mắc COVID-19, người bệnh thường mệt mỏi, chán ăn, mất vị giác khứu giác, rối loạn tiêu hóa. Đây là nguyên nhân làm giảm chất dinh dưỡng nuôi dưỡng tóc.

Vệ sinh da đầu kém do quan niệm sai về vấn đề kiêng kỵ tắm, gội gây ngứa và viêm nhiễm, nấm da đầu gây đứt gãy chân tóc.

Nhiễm COVID-19 nặng gây tổn thương đa cơ quan suy gan, thận... hoặc bệnh lý đi kèm.

Ngoài ra, có một số thuốc điều trị COVID-19 cũng có thể gây rụng tóc như thuốc chống đông enoxaparin. Vì vậy người bệnh cần lưu ý không tự ý mua thuốc chống đông khi chưa có hướng dẫn bác sĩ.

Hướng dẫn cách xử trí khi rụng tóc

Để khắc phục tình trạng trên, bác sĩ Cường đưa ra một số lời khuyên sau đây:

Thay đổi lại lối sống cho phù hợp

Tập luyện thể dục nhẹ nhàng sẽ giúp máu lưu thông, tăng giãn lỗ chân lông và toát mồ hôi giúp tăng nuôi dưỡng hệ lông tóc móng.

Cần tắm và gội đầu một cách khoa học: Khi tắm cần tắm bằng nước ấm 30 – 35 độ C ( không quá lạnh và quá nóng vơi suy nghĩ tiêu diệt vi khuẩn).

Đối với trẻ em, không được tắm khi đang sốt, hoặc cơ thể quá yếu và mệt. Trẻ nên dùng nước ấm để lau người khi đang sốt, nới lỏng quần áo.

Tắm và gội đầu cách ngày để giúp tinh thần thoải mái lạc quan. Tắm và gội nhanh trong khoảng 5 -10 phút (không tắm gội quá lâu gây nhiễm lạnh). Sau tắm lau khô người và mặc quần áo thoáng. Sấy khô tóc bằng tốc độ gió vừa và sấy nóng ở khoảng cách đủ ấm.

Nơi kín gió, nếu có đèn sưởi là 1 điều tốt (không sưởi bằng lò than tổ ong, đèn điện thì đảm bảo độ cao ko quá xa hoặc quá gần gây nguy hiểm).

"Người bệnh nên dùng các loại dầu gội đầu phù hợp, ít có tính chất tẩy rửa, tránh dùng loại không phù hợp. Bên cạnh đó trong giai đoạn hồi phục cũng hạn chế các thủ thuật như: nhuộm tóc, uốn, sấy, hấp (nhiệt quá nóng), không buộc tóc quá chặt, bắt búi,..." - Bác sĩ Cường nói.

Hạn chế những căng thẳng, lo âu không cần thiết vì khi giảm các hóc môn gây stress là yếu tố quan trọng giúp giảm rụng tóc và bạc tóc.

Nếu rụng tóc kéo dài hơn 6 tháng hoặc nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào khác như rụng tóc từng mảng, ngứa hoặc kích ứng khác thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Có chế độ ăn uống hợp lý

Bổ sung protein vì đây là cơ sở của hệ lông, tóc và móng. Bổ sung các Vitamin C, Vitamin E và Vitamin D, sắt, vitamin D, C, B12, kẽm, acid folic, vitamin B1,..

Cụ thể, vitamin A có công dụng duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc đường hô hấp và tiêu hóa, tạo kháng thể trên bề mặt niêm mạc. Nhu cầu/ngày đối với nam (650 mcg) và nữ (500mcg).

Các thực phẩm nhiều vitamin C là gan (6500mcg), lòng đỏ trứng (140mcg).

Vitamin A dưới dạng Beta-caroten như: cà rốt (835mcg), khoai lang (709mcg), bí ngô (369mcg), đu đủ (55mcg), xoài (38mcg), bông cải xanh (800mcg), rau cải bó xôi (681mcg),…

Lưu ý thực phẩm thông thường trong khẩu phần ăn hàng ngày có thể cung cấp đủ lượng vitamin A.

Vitamin C có công dụng tăng cường miễn dịch, hạn chế sự tiến triển của viêm phổi do virus, cải thiện chức năng hô hấp. Nhu cầu/ngày là 85 mg.

Thực phẩm nhiều vitamin C có thể kể đến là hoa quả, trái cây và rau tươi như: Bưởi (95mg), chanh (77mg), kiwi (93mg), ổi (62mg), dâu tây (60mg), đu đủ (54mg), cam (40mg), ớt chuông (103-250mg),…

Vitamin D công dụng là tăng cường hệ thống miễn dịch, hệ tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh. Nhu cầu/ngày là 15mcg.

Bệnh nhân nên tiếp xúc với ánh nắng 15-30 phút mỗi ngày (phòng thoáng, có cửa sổ có ánh nắng mặt trời).

Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin D như cá chép, trắm cỏ (24,7mcg); lươn, trạch (23,3mcg); sữa (7,8 - 8,3mcg); lòng đỏ trứng (2,68mcg); và các thực phẩm được bổ sung vitamin D (các loại sữa, ngũ cốc)…

Vitamin E với công dụng thúc đẩy sự phát triển của các cơ quan miễn dịch. Nhu cầu/ngày với nam (6,5 mg) và nữ (6 mg). Thực phẩm là các sản phẩm từ đậu nành, giá đỗ, rau mầm…

Selen có công dụng như một chất chống oxy hóa mạnh, tăng cường khả năng chống nhiễm trùng. Nhu cầu/ngày với nam (34 mcg) và nữ (26mcg). Thực phẩm là gạo lức, gạo lật nảy mầm, gạo mầm, cá, tôm, rong biển…

Kẽm có công dụng điều hoà miễn dịch, điều hoà các phản ứng viêm. Nhu cầu/ngày với nam (10 mg) và nữ (8 mg). Thực phẩm: Các loại thịt gia cầm, các loại động vật có vỏ và hải sản như: hàu (31mg); sò (13,4mg); thịt bò (4,05mg); lòng đỏ trứng (3,7mg); sữa bột (3,34-4,08mg); cua ghẹ 3,54mg;… Các loại hạt: hạt đậu (3,8 -4,0mg); hạt vừng (7,75mg);…

Omega 3 giúp cải thiện hệ miễn dịch, chống viêm. Nhu cầu/ngày là 2g. Thực phẩm: Cá mòi, cá hồi, cá basa, cá bơn, cá trích, cá ngừ, hàu, dầu gan cá, hạt macca, hạt óc chó, hạt chia.

Flavonoid giúp chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch của cơ thể. Thực phẩm gồm các loại rau gia vị như húng, tía tô, súp lơ xanh, cải xanh, táo, trà xanh, gừng, tỏi, nghệ, các loại rau lá màu xanh.

Bổ sung lợi khuẩn (Probiotic) để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Thực phẩm có thể tham khảo là phô mai, sữa chua,...

Đọc thêm