Trên các trang báo, mạng xã hội, cá nhân ngập tràn hình ảnh cờ Tổ quốc kéo lên, quốc ca hùng tráng, ghi dấu ấn khoảnh khắc lịch sử Việt Nam ghi danh vào bản đồ thể thao thế giới. Sự nỗ lực và tài năng của một con người lập chiến công trong bất cứ lĩnh vực nào cũng là niềm vui, niềm tự hào của hàng triệu người, gắn bó và sẻ chia vinh dự trong một quốc gia.
Cũng là vàng của quốc gia, cũng đang diễn ra ở một sự kiện mang tầm quốc tế là bảo vệ rừng vàng tại Hội nghị Thượng đỉnh rừng mưa nhiệt đới châu Á – Thái Bình Dương, diễn đàn bộ trưởng các nước trong khu vực này, đất nước chúng ta đang bị đánh giá về nạn tàn phá rừng vàng nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này lại là “văn hóa đại gia” của người Việt, một chuyên gia trong lĩnh vực rừng chỉ ra thói quen thích dùng gỗ quý đã thúc đẩy việc khai thác gỗ bằng mọi giá.
Rất chính xác khi ta nhìn vào “niềm tự hào của đại gia Việt” với nhà cửa, đồ dùng, tiện nghi, vật trưng bày,... đều là gỗ quý, chỉ bộ bàn ghế thôi cũng có giá hàng chục tỷ đồng. Trong cuộc ganh đua chơi sang đó, rừng vàng liên tục bị “chảy máu”, đến rễ cây cũng bị đào lên, thủy tùng ngàn tuổi nằm sâu dưới nước cũng bị khai quật và những cây gỗ quý, biểu tượng của đại ngàn cũng không thoát khỏi lưỡi cưa lâm tặc.
Thể thao cũng là thú chơi mà mang lại vàng và thắp lên niềm tự hào dân tộc. Còn thú chơi của đại gia lại đang góp phần tàn phá những cánh rừng vàng, đẩy đời sống nhân dân đến chỗ khó khăn, hủy hoại tài nguyên đất nước và môi trường. Cái thú chơi này chỉ mang lại sự phẫn nộ cho nhân dân cho dù có người vẫn tung hô nó.
Diễn biến có liên quan gần đây nhất, một tờ báo đăng loạt phóng sự về rừng bảo hộ bị tàn phá ở đầu nguồn sông Bến Hải (Quảng Trị). Thủ tướng lập tức chỉ đạo kiểm tra việc này, cơ quan chức năng đã lập đoàn kiểm tra với hơn 50 người chia làm hai hướng vào rừng, kết quả đúng như báo chí phản ánh và tất nhiên, sự tàn phá rừng này đã bị chặn đứng.
Chỉ riêng câu chuyện này thôi cũng đủ thấy rằng đối với việc bảo vệ rừng, chính quyền và cơ quan chức năng địa phương đã lơ là như thế nào, một việc thuộc tầm kiểm soát cấp huyện mà Thủ tướng phải đích thân chỉ đạo.
Mặt tích cực của việc này là Thủ tướng đã ra tay kịp thời, phần còn lại là cần xử lý nghiêm những người đã để xảy ra việc này. Đã đến lúc phải giữ gìn rừng vàng cấp bách và cũng khổ công như giành giật những tấm Huy chương Vàng, đem lại niềm vui cho tất cả mọi người!.