Giữ rừng ở Nghệ An, Hà Tĩnh: Lo lắng cả thiên tai lẫn “nhân tai”

(PLO) - Trong khi Nghệ An lo lắng việc kiểm lâm bị tấn công, thì Hà Tĩnh lại đau đầu trước nạn cháy rừng.
Chiếc xe máy của cán bộ lâm trường bị đập phá nát phần đầu
Chiếc xe máy của cán bộ lâm trường bị đập phá nát phần đầu

Công an huyện Quỳ Châu (Nghệ An) cho biết, vừa tiếp nhận và tiến hành điều tra việc cán bộ Lâm trường Cô Ba bị côn đồ tấn công trong đêm. 

Theo đó, khoảng 1h ngày 28/7, trong lúc anh Trần Tư Thành (cán bộ bảo vệ rừng Lâm trường Cô Ba) đang trực tại Trạm bảo vệ rừng Khe Bàn thì bị 2 đối tượng cầm dao, gậy đến đập và giật mạnh cánh cửa chính của trạm. Do cửa được chốt bên trong nên các đối tượng đến khu vực cửa bếp đạp tung cửa. Thấy vậy, anh Thành mở cửa chính thoát ra ngoài, thì bị một đối tượng cầm hung khí đuổi theo.

Chạy được khoảng 100m, không thấy đối tượng đuổi theo nữa, anh Thành dừng lại gọi điện báo ban giám đốc lâm trường và cơ quan chức năng. Khi một số cán bộ các trạm khác nhận được tin đến hiện trường, hai đối tượng mới lên xe bỏ chạy. Tại hiện trường, nhiều đồ dùng, xe máy…bị các đối tượng đập nát.

Trước đó, cũng theo Công an huyện Quỳ Châu, đơn vị này đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Quang Tuấn (ngụ xã Châu Phong) về hành vi chống người thi hành công vụ. 

Cụ thể, sáng  25/7, nhận được tin báo có một số đối tượng dùng xe tải chở gỗ từ rừng ra, Trạm quản lý bảo vệ rừng Diên Lãm (Hạt Kiểm lâm khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống) tổ chức dừng xe kiểm tra. Tuy nhiên, hai đối tượng trên xe không chấp hành mà rú ga bỏ chạy. Khi đuổi kịp, tổ công tác thuyết phục, vận động các đối tượng hợp tác để kiểm tra hành chính. Bất ngờ một đối tượng lấy hung khí trên xe lao vào tấn công khiến hai cán bộ kiểm lâm là Nguyễn Chí Việt và Trần Đức Long bị thương, trong đó anh Việt  bị thương nặng, phải chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa Nghệ An cấp cứu.

Lực lượng chức năng đã có mặt điều tra truy bắt các đối tượng. Đến chiều cùng ngày, Tuấn đã ra đầu thú. Cơ quan công an đang triệu tập hai đối tượng liên quan, tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc. 

Còn tại Hà Tĩnh, trước tình trạng thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố,thị xã; giám đốc các sở, thủ trưởng các ban,ngành cấp tỉnh; các thành viên Ban chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 và các chủ rừng thực hiện ngay các nhiệm vụ cấp bách để chủ động phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cháy rừng, bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường thiên nhiên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 30/3/2016 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng. (PCCCR).

Nắng nóng gay gắt kéo dài trong thời gian qua đã gây ra 11 vụ cháy rừng, làm thiệt hại khoảng 22ha rừng trồng trên địa bàn Hà Tĩnh. Dự báo thời tiết nắng nóng khô hạn vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ cháy rừng cao. Vì vậy, Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ Đảng, chính quyền cơ sở trong công tác PCCCR ở địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCCR; thanh tra, kiểm tra, rà soát bổ sung phương án PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo sát với thực tế; duy trì chế độ thường trực 24/24h trong suốt thời gian nắng nóng.

Nghiêm cấm các chủ rừng, người dân tự ý xử lý thực bì bằng hình thức đốt lửa trong thời gian cao điểm nắng nóng. Nếu tổ chức, cá nhân nào vi phạm, Chủ tịch UBND cấp huyện phải kịp thời xử lý nghiêm minh, kể cả việc điều tra, khởi tố hình sự theo quy định.

Đọc thêm