Án mạng bất ngờ
Cơ quan CSĐT Công an quận 12, TP.HCM đang tạm giữ đối tượng Lộc để điều tra về hành vi “Giết người”.
Theo thông tin ban đầu, trước đó, Lộc có cho Phạm Vương Ngọc Thu (SN 1975) và Võ Văn Nam (SN 1980) mượn 21 triệu đồng. Hai người này mượn tiền đã lâu nhưng Lộc đòi hoài vẫn chưa chịu trả.
Chiều tối ngày 4/9, Lộc đi cùng với vợ là Nguyễn Thị Thu Em (SN 1989) và mẹ vợ là Nguyễn Thị Đâu (SN 1963, cùng quê Đồng Tháp) đến khu nhà trọ nơi Nam và Thu đang ở tại địa chỉ số 350/101/27/4 KP3, phường An Phú Đông, quận 12 để đòi tiền.
Tại đây, Nam và Thu chưa có tiền để trả nợ nên giữa hai bên xảy ra mâu thuẫn cãi vã dẫn đến xô xát đánh nhau. Em bị Nam dùng tay tát vào mặt làm té ngã xuống đất. Thấy vợ bị đánh, Lộc nhìn thấy một con dao bằng kim loại màu đen dài khoảng 20 cm nên vội nhặt lên để phòng thân.
Vừa lúc đó, Nam tiếp tục xông đến chỗ Lộc gây gổ thì bị nam thanh niên này rút dao đâm một nhát trúng ngực và bụng khiến nạn nhân ngã gục.
Sau khi gây án, Lộc cầm hung khí điều khiển xe máy chở vợ nhanh chóng tẩu thoát khỏi hiện trường. Ngay sau đó, nạn nhân được người dân địa phương đưa đến Bệnh viện 175 cấp cứu nhưng do bị đâm thủng mạc nối lớn dạ dày, thủng ruột non, thủng và đứt động mạch mạc treo đại tràng ngang nên đã tử vong.
Vụ việc được người dân nhanh chóng báo tin lên cơ quan công an. Nắm bắt tình hình vụ việc, Công an quận 12 đã xuống hiện trường phối hợp cùng các phòng nghiệp vụ Công an TP.HCM tiến hành các thủ tục khám nghiệm và điều tra làm rõ nguyên nhân.
Anh Nguyễn Văn H (nhân chứng) kể lại: "Thấy anh Nam bị đâm trọng thương ở bụng, tôi và mọi người vội chạy đến đỡ anh ấy dậy và đưa vào viện cấp cứu. Đáng tiếc là do vết thương quá nặng nên các bác sĩ không cứu được anh ấy.
Thấy bảo hai bên có quen biết nhau từ trước nhưng chẳng hiểu sao lại cãi lộn rồi giết người như thế. Mấy ngày hôm nay gia đình anh ấy về quê lo hậu sự cả nên không có ai ở đây".
Chứng kiến vụ việc một nhân chứng khác xót xa nói: "Lúc đó tôi vừa đi làm về thì nghe thấy tiếng cãi nhau bên phòng trọ của anh Nam. Hai bên lời qua tiếng lại được một lúc thì xảy ra xô xát khiến anh Nam bị thương.
Do sự việc xảy ra quá nhanh nên mọi người trong xóm trọ không kịp can ngăn. Tôi nghe mọi người nói anh Nam có vay tiền và bị người ta đến đòi nợ. Khổ thân cũng chỉ vì đồng tiền thôi mà phải đánh đổi cả tính mạng".
Về phần Lộc, sau một ngày lẩn trốn, anh ta đã đến cơ quan công an đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội của mình. Theo đó, Lộc khai vì quá bức xúc trước việc bị nợ tiền nhưng con nợ không trả lại còn gây hấn nên không làm chủ được hành vi của mình.
Sau khi đâm gục Nam, thủ phạm đã lên xe chạy về hướng huyện Bình Chánh. Trên đường đi đến cầu Cả Bốn nằm trên QL1A, Lộc dừng xe ném dao xuống phía dưới cầu phi tang. Hiện vụ án đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân.
Nghi can Lê Văn Lộc tại cơ quan điều tra |
Tiền mất tật mang
Theo tìm hiểu, người dân sống gần nạn nhân cho hay, anh Nam là người hiền lành, giữ quan hệ tốt với hàng xóm trong dãy trọ. Do cuộc sống khó khăn nên anh Nam có vay gia đình Lộc số tiền 21 triệu đồng. Đáng tiếc chỉ vì số tiền đó mà Nam đã phải đánh đổi bằng chính tính mạng của mình.
"Bây giờ tiền mất tật mang, số tiền 21 triệu đồng đánh đổi bằng tương lai của hai người đàn ông quả là cái giá quá đắt. Anh Lộc vừa mất tiền lại mang tội giết người. Bây giờ khổ nhất là người thân hai bên gia đình. Tiền mất đi thì có thể kiếm lại được chứ người mất rồi thì làm sao có thể sống lại đây. Quả là đáng tiếc... ", hàng xóm nạn nhân chia sẻ.
Nhiều ý kiến cho rằng, Lộc giết người chỉ vì nạn nhân đã cố tình trốn tránh trách nhiệm về khoản nợ 21 triệu đồng. Vụ việc xảy ra khiến nhiều người không khỏi xót xa, chỉ vì đồng tiền mà một mạng người đã phải ra đi.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng để xảy ra vụ việc đáng tiếc một phần cũng là do lỗi của nạn nhân, nếu như Nam bình tĩnh không tát vợ Lộc và xông đến chỗ đối thủ để gây gổ thì có lẽ Lộc sẽ không đâm chết nạn nhân.
"Không hiểu sao hôm đó cả gia đình anh Lộc lại kéo nhau sang khu trọ của anh Nam để đòi nợ. Chuyện gì cũng có thể giải quyết, nếu họ bình tĩnh xử lý thì đâu đến nông nỗi đó. Nhiều người nói là do anh Nam phản ứng hơi thái quá, bởi vậy nên khi bị dồn ép dẫn đến việc anh Lộc mới hành động như vậy.
Cũng mong là pháp luật xem xét sao cho hợp tình hợp lý. Chuyện xảy ra như vậy chẳng ai mong muốn cả. Cùng là cảnh đi làm thuê, ở trọ vất vả như nhau nên khổ lắm", người dân sống gần dãy trọ cho biết.
Thời gian qua, trên địa bàn TP HCM liên tiếp xảy ra những vụ án mà nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ nhặt, có tính bột phát, nhất thời, những hành vi phạm tội dã man, tàn bạo, gây bức xúc dư luận. Theo quan điểm thông thường về tâm lý học tội phạm, thì sau khi gây án (đặc biệt là vụ án giết người), kẻ gây án thường mất bình tĩnh, run sợ và hối hận.
Chính điều đó chỉ ra những bất cập trong một số kỹ năng sống của người phạm tội như thiếu tự tin, tự chủ kém, thiếu khả năng kiềm chế, trong khi xúc cảm thường có cường độ mạnh.
Bởi vậy, để giảm đến mức thấp nhất tội phạm “Giết người”, bản thân mỗi người cần xây dựng lối sống với tư duy tích cực, đặc biệt kỹ năng tự kiểm soát và giải tỏa những bức xúc.
Bên cạnh đó, cần đưa lối sống với tư duy tích cực và những kỹ năng này trở thành nét văn hóa sống. Vậy nhưng, để làm được điều này, cần có sự chung tay của toàn xã hội.
* Tên một số nhân vật đã thay đổi
Tội "Giết người" được quy định tại Điều 93, Bộ luật hình sự năm 2009:
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;b) Giết phụ nữ mà biết là có thai; c)Giết trẻ em; d)Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ)Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e)Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h)Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k)Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l)Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m)Thuê giết người hoặc giết người thuê; n)Có tính chất côn đồ; o)Có tổ chức; p)Tái phạm nguy hiểm; q)Vì động cơ đê hèn.
2.Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 3.Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.