Như PLVN đã thông tin, ngày 8/11/2012, phái đoàn Việt Nam gồm đại diện của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND TP.Hà Nội và Ủy ban Olympic Việt Nam... đồng thời cùng với đại diện của OCA ký hợp đồng nước chủ nhà đăng cai ASIAD năm 2019. Về nguyên tắc thì bản hợp đồng này sẽ có điều khoản cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, đồng thời ghi rõ chế tài nếu một trong hai bên không thực thi cam kết.
Hợp đồng đăng cai: Nhạy cảm, chưa thể tiết lộ
Tìm câu trả lời cho câu hỏi “nếu rút lui khỏi ASIAD 18, Việt Nam sẽ chịu hậu quả gi?” mà dư luận gần đây đang quan tâm, ngày 8/4, phóng viên Báo PLVN đã liên lạc với các quan chức cấp cao trong đoàn Việt Nam từng có mặt ở Macau để tìm hiểu thêm về việc này, nhưng hầu hết đều nói vấn đề đang khá nhạy cảm, bây giờ chưa phải là thời điểm thích hợp để tiết lộ nội dung của bản hợp đồng nêu trên.
“Việc Chính phủ cử một ông Bộ trưởng (ông Hoàng Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cùng đại diện thành phố chủ nhà là UBND TP.Hà Nội đi làm việc và ký kết hợp đồng với OCA đâu phải là chuyện đùa. Nếu Việt Nam “nuốt” lời thì sẽ vĩnh viễn bị loại khỏi thế giới thể thao. Còn về bản hợp đồng đã ký, tôi chưa thể tiết lộ được vì theo nguyên tắc, chỉ có hai bên A - B biết. Lúc nào có quyết định cuối cùng, chúng tôi sẽ thông báo sau.” - Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang nói.
Vẫn câu hỏi vừa nêu, chúng tôi đã nói chuyện với ông Trần Văn Mạnh - Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, người cũng có mặt trong lễ ký hợp đồng với OCA, nhưng ông này nói: “Tất cả các thông tin liên quan đến việc tổ chức ASIAD 18, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam yêu cầu quy về một đầu mối phát ngôn ở Bộ. Rất tiếc, chúng tôi không thể nói được gì nhiều xung quanh hợp đồng này.”.
Trước đó, trả lời PLVN, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, người đại diện cho thành phố đăng cai, đã ký hợp đồng với đại diện OCA cách đây hơn một năm, chỉ hé lộ: “Ngày đó chỉ sang ký thôi, chứ phía thành phố chủ nhà Hà Nội chúng tôi chưa phải nộp tiền gì cho OCA vì người ta chưa yêu cầu chúng ta phải nộp bất kỳ một khoản gì cả. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại việc này và có hồi âm sớm nhất.”.
Lý do “bất ngờ” trong lịch sử OCA?
Tuy chưa biết thông tin trong cam kết giữa Việt Nam với OCA cụ thể như thế nào, nhưng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội khẳng định: “Thủ tục ký cam kết giống như thủ tục đấu thầu, tức là bên tham gia đấu thầu phải đặt một khoản tiền đặt cọc và phải chuyển tiền đó cho Ban tổ chức trước khi “thi đấu”. Ký cam kết cũng theo đúng hợp đồng mẫu, chỉ ký mà không được đàm phán. Những điều quy định trong cam kết này là Điều ước quốc tế, bắt buộc phải thực hiện, nếu không sẽ bị kiện, bị phạt là điều chắc chắn”.
Theo ông Tú, nếu rút thì Việt Nam sẽ bị phạt tiền chứ không thể không phạt. “Nhưng theo tôi, ta đừng nhìn vào thiệt hại trực tiếp này, hãy nhìn xa hơn để đáng lo lắng vì rất có thể họ sẽ cho mình vào “danh sách đen”, không bao giờ mơ tới cơ hội quay lại để ứng cử chương trình thể thao nào nữa. Thực tế ở ta cũng vậy, có “ông” nào đấu thầu rồi bỏ chạy mà ta lại trải thảm mời họ nữa không?” - Luật sư Tú dự báo mức độ thiệt hại nếu Việt Nam tuyên bố dừng cuộc chơi.
Cũng theo vị này, trong trường hợp nếu Việt Nam rút lui không tổ chức ASIAD 18, thì với OCA, đây là lần thứ ba một nước đăng cai Á vận hội từ bỏ sau khi đã ký cam kết. Trước đó, các nước Hàn Quốc, Pakistan cũng từng hủy đăng cai, nhưng do vấn đề an ninh, hiểm họa bất khả kháng. Đến nay, mới chỉ có Việt Nam đặt vấn đề vì lý do “kinh tế - xã hội”.
“Việc Chính phủ cử một ông Bộ trưởng cùng đại diện thành phố chủ nhà là UBND TP.Hà Nội đi làm việc và ký kết hợp đồng với OCA đâu phải là chuyện đùa. Nếu Việt Nam “nuốt” lời thì sẽ vĩnh viễn bị loại khỏi thế giới thể thao. Còn về bản hợp đồng đã ký, tôi chưa thể tiết lộ được vì theo nguyên tắc, chỉ có hai bên A - B biết. Lúc nào có quyết định cuối cùng, chúng tôi sẽ thông báo.” - Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang.