Sa Pa khác lạ trong mùa du lịch 2017

(PLO) - “Đường sắt đang gánh sứ mệnh hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai. Vì vậy, chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với đường sắt để cùng nhau triển khai thực hiện tốt Năm du lịch quốc gia 2017 Lào Cai - Tây Bắc; đồng thời bàn biện pháp để đường sắt gắn với du lịch và ngược lại...”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Hữu Thể nhấn mạnh.
Đường sắt phải nâng cao chất lượng toa xe, hậu cần điểm đầu - cuối để “hút” khách du lịch tuyến Hà Nội - Lào Cai
Đường sắt phải nâng cao chất lượng toa xe, hậu cần điểm đầu - cuối để “hút” khách du lịch tuyến Hà Nội - Lào Cai

Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh này cùng Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) vừa phối hợp tổ chức Hội thảo kết nối đường sắt với khai thác sản phẩm Năm du lịch quốc gia 2017 Lào Cai - Tây Bắc.

Sa Pa sẽ là điểm du lịch của Đông Nam Á

Hội thảo nói trên nhằm thu thập ý kiến của các công ty du lịch trên địa bàn cả nước, qua đó đề xuất các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch Lào Cai gắn với ngành vận tải đường sắt với phương châm kết nối và khai thác triệt để các tiềm năng đang có.

Theo ông Nguyễn Hữu Thể  - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch Sa Pa là trọng điểm du lịch quốc gia đến năm 2020. Theo đó, tỉnh này đang có nhiều tham vọng khi đang chủ trương tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng Sa Pa trong tương lai trở thành trọng điểm du lịch của Đông Nam Á. Cụ thể, tháng 11/2016, du lịch Lào Cai đã thu hút được gần 3 triệu khách, tăng trưởng hàng năm bình quân 50%. Và tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai đã đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với kết quả nêu trên. 

“Đường sắt vẫn đang gánh sứ mệnh hết sức tốt đẹp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai. Vì vậy, chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với đường sắt để cùng nhau triển khai thực hiện tốt Năm du lịch quốc gia 2017 Lào Cai - Tây Bắc, bàn biện pháp để đường sắt gắn với du lịch và ngược lại, góp phần phát triển du lịch, thúc đẩy Lào Cai phát triển.”, ông Thể nhấn mạnh.

Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Thế Hùng - Tổng Giám đốc Haraco cho hay, doanh nghiệp  đang nỗ lực để có chỗ đứng vững trên thị trường vận tải, đồng thời gắn kết hỗ trợ một số ngành kinh tế khác cùng phát triển. Vì vậy, Haraco sẽ có trách nhiệm hưởng ứng Năm du lịch quốc gia 2017 bằng các nguồn lực, tập trung đổi mới nhân lực, phương tiện. Đồng thời thực hiện kết nối hành trình các tuyến như từ Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng… đi Hà Nội, từ Hà Nội đi Lào Cai bằng tàu hỏa.

lNhà thờ đá Sa Pa mang dấu ấn kiến trúc của người Pháp - điểm du lịch nổi tiếng của Lào Cai.
lNhà thờ đá Sa Pa mang dấu ấn kiến trúc của người Pháp - điểm du lịch nổi tiếng của Lào Cai.

Rút ngắn hành trình chạy tàu ngày, đêm

Dự kiến đầu năm 2017, Haraco sẽ tổ chức các đoàn tàu gồm các toa xe đã được nâng cấp nội thất đảm bảo đạt chuẩn về chất lượng phục vụ khách du lịch vào khai thác trên tuyến Hà Nội - Lào Cai. Hành trình các tàu rút ngắn còn khoảng 6 giờ với các tàu chạy ban ngày, dưới 7h với các tàu chạy ban đêm. 

Ngoài ra, các toa xe sẽ được nâng cấp nội thất, đặc biệt sẽ có toa xe nhà hàng riêng phục vụ nhu cầu ăn, uống, giải trí của hành khách với các món đặc sản vùng miền,... Bên cạnh đó, Haraco còn bố trí xe đưa đón khách tại ga Lào Cai, đón trả khách tại các khách sạn Sa Pa và ngược lại bằng xe 16 chỗ, với giá 35 nghìn đồng/lượt khách.

Trước đó tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Haraco tổ chức đoàn khảo sát các điểm đến của địa phương này như cột cờ Lũng Pô, Y Tý, thung lũng hoa Việt Tú, chợ văn hóa Bắc Hà… Chương trình này có sự tham dự của đại diện gần 50 doanh nghiệp ở Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng… với hành trình bằng tàu hỏa từ Hà Nội tới Lào Cai để từ đó lên ý tưởng cho các tour, tuyến sản phẩm du lịch trong nay mai.

Điều mấu chốt để có thể hiện thực hóa vấn đề này và cũng là cách tốt nhất để có một dấu gạch nối hiệu quả, bền vững giữa Đường sắt - Du lịch, theo các doanh nghiệp du lịch, ngành vận tải này phải cung ứng ra thị trường những sản phẩm có tính cạnh tranh cao -  với giá vé hợp lý, chất lượng dịch vụ, hậu cần hai điểm đầu - cuối phải được cải thiện hơn nữa.

“Với vai trò là công ty mẹ, giữ cổ phần chi phối tại Haraco, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ hỗ trợ tối đa để Haraco thực hiện tốt các chiến lược kinh doanh, trong đó có đầu tư toa xe, hạ tầng phục vụ hành khách tại các nhà ga… nhằm khai thác tiềm năng khách du lịch trên tuyến Hà Nội - Lào Cai - Hà Nội”, ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khẳng định.

Haraco giảm 7% - 20% giá vé tàu Hà Nội - Lào Cai

Trong chương trình “kích cầu du lịch bằng tàu hỏa”, Haraco đặt mục tiêu hỗ trợ để tạo ra các chương trình du lịch trọn gói trên cơ sở kết hợp giá vé tàu hỏa ưu đãi của Haraco và các dịch vụ của các đơn vị thuộc các Hiệp hội du lịch. Về phía Haraco sẽ giảm giá từ 5% - 20% giá vé hiện hành các đoàn tàu do Haraco quản lý. Tàu các tuyến Hà Nội - Lào Cai giảm giá từ 7% - 20% giá vé hiện hành. Ngoài ra, tổ chức dịch vụ kết nối từ ga Lào Cai đến điểm đến, đồng thời tham gia bố trí đưa ô tô đưa đón hành khách tại ga Lào Cai, đón trả khách tại các khách sạn ở Sa Pa và ngược lại với giá trọn gói khoảng 35.000đ/khách/lượt.

Lào Cai mới khai thác du lịch trọng điểm ở Sa Pa

Theo Quyết định 2931 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Năm du lịch quốc gia 2017 sẽ được tổ chức tại Lào Cai với chủ đề “Sắc màu Tây Bắc”. Đây là sự kiện văn hóa, kinh tế - xã hội tiêu biểu có quy mô tầm quốc gia và quốc tế. Sự kiện sẽ quảng bá các giá trị văn hóa, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc của Lào Cai và khu vực. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai, các hoạt động văn hóa, du lịch mới được khai thác trọng điểm tại Sa Pa, một số địa phương khác có tiềm năng nhưng vẫn chưa được chú trọng đầu tư, khai thác.

Đọc thêm