Sắc lệnh “tính trung lập của mạng Internet ở bang California”: Khi “lệ làng” lật ngược “phép vua”

(PLO) - California là một bang ở nước Mỹ. Theo luật pháp hiện hành ở nước Mỹ, các bang có quyền lập pháp khá rộng rãi nhưng đồng thời cũng lại bị ràng buộc khá chặt vào quy định pháp lý của chính quyền trung ương. Trong lịch sử nước Mỹ vì thế không hề hiếm lần xảy ra chuyện “phép vua kiện lệ làng” hoặc “lệ làng xung khắc phép vua”. Chuyện về cái gọi là “tính trung lập của mạng Internet ở bang California” mới đây là một ví dụ.
Thống đốc bang California Jerry Brown
Thống đốc bang California Jerry Brown

Trong ngày tại nhiệm cuối cùng, Thống đốc bang California Jerry Brown đã ký ban hành sắc lệnh về thực hiện tính trung lập của mạng Internet với tên gọi là California Internet Consumer Protection and Net Neutrality Act of 2018. Đằng sau đó là câu chuyện khá dài về chủ đề tính trung lập của mạng Interner ở Mỹ từ nhiều năm nay. Bản chất vấn đề ở đây là việc sử dụng mạng Internet tự do thoải mái hay hạn chế. 

Quan điểm khác nhau bởi có những công ty tạo bên cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho mạng Internet và có những hãng sử dụng mạng Internet để cung ứng những dịch vụ và ứng dụng nhằm kiếm lời. Những công ty tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật như các tập đoàn viễn thông AT&T, Comcast hay Verizon.... có lợi ích trong việc mạng Internet - tức là mạng lưới cơ sở hạ tầng kỹ thuật của họ - được sử dụng dưới sự kiểm soát và quản lý chặt chẽ của họ bởi chỉ như thế họ mới kiếm được lời. 

Những hãng chỉ sử dụng mạng Internet để kiếm lời như Facebook, Google hay Amazon thì lại muốn mạng Internet được sử dụng càng nhiều càng tốt, càng tự do thoải mái càng tốt, tức là không được kiểm soát. Năm 2015, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama ban hành quy định được gọi là tính trung lập của mạng Internet với nội dung coi mạng Internet như một dịch vụ công và tất cả mọi người đều có thể tự do sử dụng mà không hề bị kiểm soát gì. 

Một trong những nội dung quan trọng nhất của quy định này là 3 điều cấm: cấm ngăn chặn thông tin, cấm hạn chế tốc độ truy cập thông tin và cấm phân biệt đối xử trong thông thương thông tin trên mạng Internet. Quy định này gây bất bình ở những hãng cung ứng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho mạng Internet và làm hài lòng những hãng sử dụng mạng Internet để hoạt động kinh doanh.

Hình minh họa
Hình minh họa

Tháng 6 năm nay, chính quyền mới ở Mỹ huỷ bỏ quy định năm 2015 kia và đồng thời còn quy định cụ thể rõ là chính quyền địa phương không được phép ban hành quy định riêng trái với quy định này của chính quyền trung ương. Cho tới thời điểm ấy, câu chuyện ở đây chỉ là chuyện phép vua lật nhau, phép ở thời vua sau lật phép của thời vua trước. Với phép vua mới này, những hãng cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho mạng Internet lại được thời.

Bây giờ, bang California chơi đòn lật ngược phép vua, dùng luật mới với nội dung áp dụng quy định năm 2017 để vô hiệu hoá phép vua năm 2018. Chính quyền trung ương khởi kiện chính quyền bang vì thế.

Kết cục cuối cùng ra sao hiện thật khó ai có thể dự báo được bởi về danh nghĩa thì đây là chuyện bất đồng quan điểm về phạm vi quyền hạn của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, nhưng trong thực chất thì đây là chuyện chính trị và nhóm lợi ích cũng như chuyện sử dụng việc lập pháp cũng như hành pháp để phục vụ lợi ích nhóm ở Mỹ. Nhìn vào phán quyết tới đây của toà án về vụ kiện tụng này có thể thấy được cái gì chi phối và quyết định chuyện lập pháp và hành pháp ở nước Mỹ.

Đành rằng luật pháp không thể bất biến bởi một khi cuộc sống của con người và thế giới loài người biến đổi thì luật pháp cũng phải thay đổi vì lập pháp, hành pháp cũng như tư pháp phải phục vụ con người chứ không thể ngược lại. Nhưng thay đổi luật pháp, hành pháp và tư pháp vì động cơ mục đích riêng của phe cánh chính trị và vì lợi ích nhóm như trong chuyện phép vua kiện lệ làng này thì lại hoàn toàn khác.

Đọc thêm