Sách “lên ngôi” nhờ... truyền thông

(PLO) - Rất nhiều quyển sách, tác phẩm được công chúng đón nhận rầm rộ, tác giả được tung hô vượt quá giá trị thật. Sách bán đắt như tôm tươi, tuy rằng người ta chỉ đọc lướt qua rồi quên ngay, nhưng phải đọc để có cái mà khoe như mốt thời thượng. Người ta gọi đó là văn chương thời... truyền thông lên ngôi.
Một buổi kí tặng sách của Huyền Chíp
Một buổi kí tặng sách của Huyền Chíp
Quyển sách thứ hai của Huyền Chíp, Xách ba lô lên và đi - Đừng chết ở châu Phi có lẽ đang nắm giữ kỉ lục là quyển sách được gây chú ý nhất của năm bởi tất cả những ồn ã chung quanh nó. Đừng chết ở châu Phi có một cuộc ra mắt ngoạn mục ở hai đầu Bắc - Nam, mà trước đó đã được thổi bùng lên bằng những tin đồn, tranh cãi trên mạng.
Hai cuộc ra mắt với sự tham dự của những người có uy tín, lực lượng hâm mộ đông đảo và bao chất vấn của “fan cuồng”, cách trả lời gây sốc của tác giả Huyền Chíp đã đẩy sự kiện ra mắt quyển sách đi quá xa, như một “sự kiện truyền thông” chứ không phải là một cuộc ra mắt sách đơn thuần.
Giờ đây, người ta bàn cãi nhiều về tính xác thực của quyển sách như có thực sự Huyền "Chíp" đã đi qua bằng ấy quốc gia, có thực sự cô không nhận tiền của bất cứ nhà tài trợ nào và xuất phát hành trình chỉ với 700 USD trong người...?. Lời khen, lời chê cũng có, nhưng đều xoay quanh câu chuyện “Huyền Chip và ê kíp làm truyền thông tốt hay không”?.
Và chất lượng của sách, đáng ra phải được quan tâm hàng đầu, lại là cái thứ yếu mà độc giả bàn tới. Công bằng mà nói, một cô gái trẻ đi qua bằng ấy nước, với xuất phát điểm gần như tay trắng là điều đáng ngưỡng mộ ở khía cạnh tinh thần. Nhưng, với rất nhiều độc giả, sách chưa thể gọi là hay, bởi nó chỉ phản ánh chuyến đi theo chiều dọc.
Những dữ kiện, sự kiện, những con người, nơi chốn thoáng qua như lướt ngoài cửa sổ toa tàu, chưa để lại cho người đọc những ấn tượng sâu sắc hay trải nghiệm thấm đẫm. Văn phong rời rạc lại càng khiến tác phẩm này chỉ dừng lại ở một quyển sách du kí “lạ” với giới trẻ, chưa thực sự gọi là giá trị. Và dường như nó đang được đẩy lên quá cao bởi những cơn bão truyền thông xung quanh nó.
Rất nhiều phượt thủ chuyên nghiệp cũng như độc giả khó tính có một phép so sánh giữa Xách ba lô lên và đi với Đường xa nắng mới của Nguyễn Tường và Tôi là một con lừa của Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai. Đây là hai tác phẩm thuộc thể loại du kí được viết ra với ngòi bút sắc sảo, những trải nghiệm, chiêm nghiệm ở chiều sâu của những người viết có kiến thức uyên thâm và bút lực mạnh mẽ, tuy không gây tiếng vang nhiều.
Cũng vừa ra mắt vào thời điểm tương đương với sách của Huyền Chíp, Đường hai ngả, người thương thành lạ của tác giả Anh Khang khiến giới văn chương phải “ngả mũ thán phục” ở độ “hot” của nó.
Buổi ra mắt sách, người ta chứng kiến cảnh độc giả chen lấn nhau, giành giật chỗ ngồi, thủ sẵn ghế cho mình, vác đi giành chỗ, rồi xúm xít xin chữ kí... Đọc sách, thì khó có thể gọi đó là một tác phẩm quá đặc sắc. Tập truyện ngắn về cuộc sống hiện đại của người trẻ có thể dừng ở hai chữ “sành điệu”. Chính chiến lược PR khá bài bản, từ lúc sách còn nằm ở dạng bản thảo cho đến khâu chuẩn bị in đều “tạo sóng” trên facebook, đã tạo nên thành công và sức mua dữ dội của tập truyện ngắn.
Cuối năm 2012, Phong Việt - một nhà thơ trẻ và chưa có nhiều tên tuổi đã có một cú “đột phá” khi trở thành nhà thơ trẻ in thơ bán chạy và tái bản liên tục trong thời gian nhanh nhất. Người đọc đồng cảm với những vần thơ chứa đựng nhiều cảm xúc bâng khuâng và triết lý nhẹ nhàng trong Đi qua thương nhớ của Phong Việt, nhưng chắc chắn không thể phủ nhận tập thơ thành công có phần rất nhiều của công nghệ truyền thông mạng.
Ban đầu là những bài thơ nho nhỏ xuất hiện và được chia sẻ trên các trang cá nhân, rồi đến fanpage của thơ Phong Việt với hàng vài trăm lượt like cho mỗi đoạn thơ. Tập thơ được in ra và chỉ bắt đầu có tiếng vang khi được giới thiệu bởi ngôn ngữ khéo léo của khá nhiều “hot facebooker”, sau đó là những cuộc bán sách rầm rộ trên mạng xã hội, rồi những buổi giao lưu, giới thiệu sách... Kể từ đó, Đi qua thương nhớ mới thực sự tạo nên “cơn sốt thơ” làm kinh ngạc nhiều người viết tên tuổi và khiến các nhà làm sách phải thòm thèm.
Trước đó, chính đối tác của Phong Việt - Công ty sách Đông Phương hợp tác với nhà thơ thông qua một trung gian, còn bày tỏ là “không thích lắm” và không chắc chắn vào sự thành công của tập thơ.
Thậm chí, một đúc kết về “nghệ thuật viết sách hot” đã được đăng tải trên các mạng xã hội: Nếu bạn muốn quyển sách của mình nổi tiếng, hoặc là bạn đã nổi tiếng (ngôi sao, hot blogger), hoặc là bạn thuê cho mình ê kíp truyền thông “cao tay”...
Một ví dụ vui để thấy rằng, làm sách thời bây giờ, muốn tạo tiếng vang không thể thiếu truyền thông, quảng bá, không thể thiếu những buổi ra mắt rầm rộ, những chiến lược truyền miệng trên mạng xã hội, những buổi giao lưu có đông đảo fan xin chữ kí.... Ê kíp truyền thông càng bài bản, chuyên nghiệp thì khả năng thành công của quyển sách càng cao (tất nhiên, tác phẩm phải có “chút gì đó” thu hút).
Tuy nhiên, truyền thông bao giờ cũng là một con dao hai lưỡi: Nhờ đó, độc giả biết đến tên cuốn sách, khơi gợi sự yêu thích, ham mê sách, nhưng cũng chính những “chiêu” truyền thông quá lố đã khiến người đọc bị “rối” thông tin, chỉ dựa vào hiệu quả quảng bá để đánh giá chất lượng sách. Và, ở thời đại của làm sách truyền thông, nhiều người băn khoăn, chẳng biết có còn chỗ cho văn chương “hữu xạ tự nhiên hương”?.