Nhiều người cho rằng, các loại thực phẩm giàu tinh bột như cơm gạo, ngũ cốc, khoai tây, khoai lang, bánh mì khi ăn vào sẽ chuyển hóa thành đường trong máu, dẫn đến béo phì nên phải kiêng không ăn hoặc ăn không đáng kể các loại thức ăn này để giảm béo.
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Xanh pôn, quan niệm trên là sai lầm. Theo đó, nếu không ăn thực phẩm giàu tinh bột, lượng đường trong máu thấp luôn tạo nên cảm giác đói, làm cho cơ thể mệt mỏi và thèm ăn, vì thế mà không kiểm soát được bữa ăn dẫn tới phải bổ sung những loại thực phẩm khác. Thực tế đã có những người thực hiện giảm cân bằng cách không ăn cơm, chỉ ăn thịt cá nên phải ăn nhiều hơn bình thường, kết quả không thể giảm cân được như mong muốn.
Nguyên tắc để kiểm soát được cơn đói, là phải duy trì được lượng đường máu vừa đủ. Đường máu ổn định ở mức vừa đủ cũng giúp cho việc đốt cháy calo vào các hoạt động, tránh việc tích lũy năng lượng tạo nên béo phì.
Thực phẩm giàu tinh bột có đặc điểm giải phóng năng lượng chậm chạp, ăn vừa đủ sẽ làm cho đường máu duy trì đều đặn, tạo cảm giác no lâu nên không thèm ăn, cơ thể cũng không bị mệt mỏi. Điều này khác hoàn toàn với việc ăn nhiều các thức ăn đồ ngọt, gây nên tình trạng đường trong máu cao, là nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch và béo phì.
Ở cả 2 thái cực, hoặc kiêng hoàn toàn thực phẩm giàu tinh bột, hoặc ăn nhiều, thì đều được coi là những sai lầm. Để kiểm soát đường huyết, mỗi bữa ăn vẫn cần phải có tinh bột, nên chia nhỏ thành nhiều bữa, cũng có thể kiểm soát bằng việc chuẩn bị sẵn những chiếc bánh bích quy ăn tạm khi đói.