Sai phạm tại một số dự án giao thông ở Hà Nội

(PLVN) -  Thanh tra Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận thanh tra chỉ ra một số sai phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng với một số dự án từ nguồn vốn ngân sách nhà nước tại TP Hà Nội (giai đoạn 2003 – 2016).
Hợp phần I – Xe buýt nhanh BRT gây lãng phí ngân sách nhà nước.

Trong đó, có 2 dự án gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước (NSNN) là dự án (DA) cải tạo, nâng cấp QL1A đoạn cầu Chui - cầu Đuống (phố Ngô Gia Tự, quận Long Biên); và Hợp phần I – Xe buýt nhanh BRT thuộc DA phát triển giao thông đô thị Hà Nội.

Sai từ khảo sát lập, thẩm định, phê duyệt dự án

Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), ngay từ công tác khảo sát lập, thẩm định và phê duyệt DA đầu tư với một số DA từ nguồn vốn NSNN đã có nhiều hạn chế, chất lượng thấp, chưa sát với thực tế, một số DA phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện; trình tự lập, thẩm định, phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh DA chưa đúng quy định; tiến độ thực hiện chậm so với phê duyệt…

Tại DA cải tạo, nâng cấp QL1A đoạn cầu Chui – cầu Đuống, UBND Hà Nội đã điều chỉnh tổng mức đầu tư DA 3 lần; năm 2014 Giám đốc Ban Quản lý dự án quận Long Biên phê duyệt bổ sung hạng mục DA chi phí giải phóng mặt bằng chuyển vào chi phí xây dựng và điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư trái thẩm quyền, vi phạm quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Ngoài ra, thời gian thực hiện các gói thầu xây lắp đã hết hiệu lực thực hiện theo hợp đồng đã ký nhưng chủ đầu tư không tiến hành gia hạn theo quy định.

DA xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn (đoạn từ đường Tôn Thất Tùng kéo dài đến Sông Lừ), Sở Giao thông Vận tải trình UBND TP phê duyệt DA đầu tư trong khi chưa bố trí được nguồn vốn, chưa lựa chọn phương án kiến trúc công trình, là chưa phù hợp với quy định.

Tại DA cải tạo, nâng cấp QL1A đoạn Văn Điển – Ngọc Hồi (km 185 – km189), huyện Thanh Trì, toàn bộ DA thực hiện chậm so với tiến độ được phê duyệt hơn 3,5 năm, phải điều chỉnh thời gian thực hiện DA 2 lần do chưa có mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu thi công và nguồn vốn cấp cho DA hạn chế; việc gia hạn thời gian thực hiện với các nhà thầu xây dựng được ký sau ngày hết hạn hợp đồng là vi phạm quy định.

Theo TTCP, trách nhiệm để xảy ra các sai phạm trên thuộc về UBND TP, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các chủ đầu tư...

Lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước

TTCP cũng chỉ ra sai phạm của các DA này trong công tác lập thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công – dự toán công trình dẫn đến thất thoát NSNN.

Tại DA cải tạo, nâng cấp QL1A đoạn cầu Chui - cầu Đuống, phố Ngô Gia Tự, quận Long Biên, thiết kế bản vẽ thi công có một số điểm không phù hợp với thiết kế kỹ thuật như tốc độ, kết cấu áo đường, lớp mặt đường… vi phạm Luật Xây dựng 2003. Một số chỉ tiêu thiết kế và chủng loại thiết bị điện chiếu sáng (đèn, cột điện, móng cột) trong các gói thầu không được thiết kế đồng bộ trên tuyến, dẫn đến trong quá trình thi công phải thay đổi điều chỉnh thiết kế, dự toán; việc tính chi phí thiết kế bản vẽ thi công không đúng định mức, gây thất thoát NSNN 1.165,49 triệu đồng.

Gói thầu tư vấn thiết kế bản vẽ thi công của DA trên còn không có trong kế hoạch đấu thầu. Việc chia nhỏ gói thầu tư vấn giám sát từ số 21 đến 26 để chỉ định thầu là thiếu cạnh tranh trong đấu thầu; gói thầu tư vấn khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công chia làm 2 gói thầu (số 19, 20) để chỉ định thầu là vi phạm quy định về việc lập kế hoạch đấu thầu.

Tại DA Hợp phần I – Xe buýt nhanh BRT thuộc DA phát triển giao thông đô thị Hà Nội, Gói thầu BRT CP04a: xây dựng đường trạm xe buýt từ Bộ Y tế đến Khuất Duy Tiến; Gói thầu BRT CP4b: xây dựng đường trạm xe buýt từ Khuất Duy Tiến – Bến xe Yên Nghĩa; chủ đầu tư, đơn vị tư vấn khi lập bước thiết kế đường đã thay thế mặt đường bê tông nhựa bằng mặt đường bê tông xi măng.

Trong khi đó, theo hồ sơ báo cáo khảo sát nền mặt đường dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, Hợp phần xe buýt nhanh BRT1 ngày 25/2/2009 do Công ty CP Tư vấn Việt Delta lập, kết quả đo mặt đường tại các tuyến đường này đều có kết quả đo cường độ mặt đường tốt, gây lãng phí NSNN 15.004,02 triệu đồng.

Tạo Hợp phần I – Xe buýt nhanh BRT, Gói thầu 04/BRT-TB(BRT CP08), chủ đầu tư còn thực hiện một số thủ tục chưa tuân thủ theo mẫu hồ sơ mời thầu và hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới, như không lập dự toán Nhóm A và B theo nhóm xe sản xuất, lắp ráp trong nước; lấy báo giá xe nhập khẩu nguyên chiếc để làm căn cứ mời thầu cho cả 3 nhóm A, B và C (nhóm xe nhập khẩu); vì vậy không có căn cứ để so sánh giữa các nhóm với nhau trong việc lựa chọn nhà thầu.

Phần bổ sung các thiết bị vào gói thầu CP08 có tổng giá trị là 17.687,38 triệu đồng nhưng chủ đầu tư không tổ chức đấu thầu mà ký hợp đồng bổ sung với nhà thầu, vi phạm Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng về điều kiện được chỉ định thầu.

Đọc thêm