Sắm 'vòng kim cô' giám sát việc thu phí BOT

(PLVN) - Tổng Cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN) vừa xây dựng xong phần mềm quản lý, giám sát thu phí BOT để đưa vào thí điểm. Hệ thống này được ví như chiếc “vòng kim cô” siết chặt quản lý nguồn thu tại các dự án đường bộ.
BOT Toàn Mỹ trên QL14  là 1 trong 3 trạm đang được thử nghiệm giám sát việc thu phí đường bộ.
BOT Toàn Mỹ trên QL14 là 1 trong 3 trạm đang được thử nghiệm giám sát việc thu phí đường bộ.

Đường truyền độc lập, gian lận khó thoát

Theo Tổng cục ĐBVN, Dự án xây dựng hệ thống quản lý, giám sát, khai thác dữ liệu thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ có tổng mức dự toán gần 13 tỷ đồng được Tổng cục giao cho Ban Quản lý dự án 4 làm chủ đầu tư.

Cụ thể, dự án được đầu tư hạ tầng đường truyền riêng biệt từ Tổng cục ĐBVN đến các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Trước mắt, thực hiện tại 66 trạm thu phí/54 Dự án BOT, do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang khai thác đến thời điểm hiện tại, gồm: 4 tuyến đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đang vận hành: Cầu  Giẽ - Ninh Bình; Nội Bài - Lào Cai; Đường Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Đà Nẵng -  Quảng Ngãi.

Những trạm thu phí đang trong quá trình xây dựng và chưa đưa vào khai thác sẽ được bổ sung sau vào hệ thống này sau.

Về phương thức giám sát, Tổng cục ĐBVN cho biết, sẽ đầu tư đường truyền tới các trạm BOT để truyền dữ liệu thu phí tức thời (dữ liệu thô, chưa qua hậu kiềm) về phần mềm giám sát của Tổng cục tại Hà Nội.

Cụ thể, đối với thu phí MTC (phương thức thủ công), dữ liệu được truyền trực tiếp từ máy tính thu phí tại các cabin thu phí về phần mềm giám sát. Đối với thu phí ETC (tự động), dữ liệu được truyền trực tiếp từ máy chủ hệ thống Front-end tại trạm về phần mềm giám sát.

Hệ thống giám sát thu phí đường bộ giúp cơ quan nhà nước biết được doanh thu, số lượng xe qua các trạm BOT chính xác từng giờ, ngày.
Hệ thống giám sát thu phí đường bộ giúp cơ quan nhà nước biết được doanh thu, số lượng xe qua các trạm BOT chính xác từng giờ, ngày.

Công cụ giúp nhiều bên giám sát nhau

Sau khi nhận dữ liệu từ các Trạm BOT gửi về, hệ thống phần mềm giám sát sẽ tự động thực hiện phân tích kiểm tra dữ liệu để phát hiện ra các trường hợp nghi vấn như báo sai loại xe, sai mệnh giá, quay vòng vé, phân loại xe, các loại xe ưu tiên, lưu lượng xe bất thường, giao dịch bất thường, thu lệch tiền, thẻ E-tag không hợp lệ, … Sau đó, hệ thống này sẽ thông báo tới các bộ phận liên quan cũng như tới các nhà đầu tư BOT trên giao diện phần mềm và email.

Trên cơ sở những số liệu đã được phân tích và cảnh báo, nhà đầu tư BOT thông qua tài khoản được cấp sẽ tiến hành giải trình các trường hợp nghi vấn với cơ quan quản lý nhà nước. Các cơ quan này sẽ kiểm tra và xác nhận phê duyệt các giải trình đó.

Cũng theo Tổng cục ĐBVN, dữ liệu tại các trạm thu phí được truyền về Trung tâm giám sát thông qua đường truyền riêng biệt do dự án này đầu tư, đảm bảo tính độc lập, đồng thời dữ liệu được mã hóa và đảm bảo an toàn dữ liệu.

“Hệ thống giám sát được thực hiện một cách tự động, tức thời nhằm đảm bảo tính khách quan trong việc giám sát thu phí. Nó còn là công cụ khách quan để nhà đầu tư BOT giám sát nhà cung cấp dịch vụ thu phí khi triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng. Ngoài ra, những dữ liệu này cũng có thể được chia sẻ cho các cơ quan quản lý nhà nước khi có đề nghị”, đại diện Tổng cục  cho biết.

Theo thông tin của PLVN, đến thời điểm này, Ban Quản lý dự án 4 đã ký hợp đồng với Liên danh nhà thầu Công ty CP Đầu tư Phát triển công nghệ Trí Nam - Tổng Công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT) để thực hiện xây dựng hệ thống này. Cơ bản phần mềm đã hoàn thành, chuẩn bị thử nghiệm tại các trạm là Trạm Toàn Mỹ 14 (QL14) thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua  Đắk Nông; Trạm Bến Thủy 1 thuộc Dự án Mở rộng QL1 và đoạn Nam Bến Thuỷ đến tuyến tránh Hà Tĩnh; Trạm Bắc Ninh (QL1) thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang.

Sau khi thí điểm thành công, phần mềm này sẽ triển khai tới các trạm thu phí còn lại thuộc dự án. Dự kiến, sẽ hoàn thành trong năm 2019.

Đọc thêm