Hình mẫu của chuyển đổi công nghệ
Ba năm sau ngày khởi công, sân bay Long Thành đã trở thành hình ảnh tiêu biểu cho một đại công trường quốc gia. Tính đến tháng 4/2025, nhiều gói thầu đã đạt 40 - 50% khối lượng. Theo Bộ Xây dựng, tính đến tháng 4/2025, các hạng mục chính tại Long Thành đang bám sát tiến độ điều chỉnh: Hai đường cất/hạ cánh dài 4.000m đang thi công phần móng và kết cấu chính; Nhà ga hành khách đã hoàn thành toàn bộ phần móng, đang lắp dựng kết cấu thép; Hệ thống đường giao thông kết nối, cầu cạn, tuynel kỹ thuật, hồ điều hòa đạt 60 - 80% khối lượng; Các gói thầu 4.9 (nhiên liệu), 4.7 (sân đỗ), 4.8 (nội cảng) đang triển khai song song.
Long Thành không chỉ là đại công trường xây dựng hạ tầng giao thông mà còn là biểu tượng của chuyển đổi công nghệ trong ngành hàng không Việt Nam. Với định hướng trở thành trung tâm trung chuyển khu vực, siêu sân bay này đang đặt ra yêu cầu cấp bách: chuẩn bị một lớp nhân lực mới chất lượng cao, giỏi chuyên môn, thành thạo công nghệ, ngoại ngữ và tư duy tác nghiệp theo chuẩn quốc tế.
![]() |
Trên công trường Long Thành có hàng ngàn người là lao động địa phương được đào tạo ngắn hạn, chuyển nghề từ sản xuất nông nghiệp sang thi công hạ tầng. |
Long Thành không chỉ cần kỹ sư và công nhân xây dựng, mà còn cần một đội ngũ lớn vận hành các hệ thống tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), cảm biến (IoT), RFID… trong mọi quy trình từ điều phối chuyến bay, kiểm soát an ninh đến xử lý hành lý, logistics, vận hành nhà ga và quản trị năng lượng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính từng chỉ đạo trong chuyến kiểm tra thực địa Long Thành tháng 3/2025: “Không chỉ cần tiến độ nhanh, mà còn cần chất lượng con người tương xứng với quy mô công trình”.
Vì vậy, sân bay Long Thành cần trở thành hạt nhân của cụm đào tạo liên kết vùng về hàng không, logistics, dịch vụ và công nghệ vận hành. Cụm này cần liên kết các trường đại học chuyên ngành kỹ thuật, logistics, công nghệ thông tin tại TP HCM, Bình Dương; các học viện, trường cao đẳng nghề tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu; trung tâm nghiên cứu và thực nghiệm do DN tài trợ; Mạng lưới hợp tác quốc tế về kiểm định, chứng chỉ nghề hàng không.
Sân bay Long Thành là biểu tượng của một Việt Nam hiện đại, hội nhập. Nhưng để vận hành hiệu quả, cần một lớp nhân lực mới không chỉ giỏi lý thuyết mà phải thạo công nghệ, làm việc kỷ luật, tư duy hội nhập và gắn bó lâu dài.
Long Thành là điểm khởi đầu của chuỗi chuyển đổi mới và muốn chuỗi này vận hành trơn tru, yếu tố con người phải được đặt ngang với hạ tầng. Một sân bay hiện đại không chỉ có nhà ga hoành tráng, đường băng dài hay hệ thống radar tối tân, mà còn phải có đội ngũ con người xứng tầm vận hành, làm chủ; góp phần để đưa Việt Nam cất cánh trong kỷ nguyên mới.
Theo Bộ Xây dựng, chỉ trong giai đoạn đầu khai thác (2026 - 2030), Long Thành sẽ cần ít nhất 25.000 nhân sự trực tiếp cho các vị trí như: nhân viên mặt đất, điều phối không lưu, kỹ sư hệ thống, chuyên gia công nghệ thông tin, kỹ thuật viên bảo trì, nhân viên logistics, chuyên viên dịch vụ hành khách…
Bên cạnh đó là lực lượng lao động gián tiếp trong các ngành dịch vụ đi kèm: suất ăn, bán lẻ, hậu cần kho lạnh, vận chuyển hàng hóa, thương mại và tài chính, dịch vụ sân bay. Theo dự kiến, toàn bộ hệ sinh thái sân bay Long Thành có thể tạo ra hơn 200.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp.
Theo các chuyên gia từ Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA), khoảng thời gian đào tạo chuẩn để một kỹ thuật viên hoặc nhân viên vận hành thành thạo trong môi trường sân bay quốc tế là từ 2 - 3 năm. Vì vậy việc phân luồng, tuyển dụng và triển khai đào tạo nhân sự cho Long Thành cần có chiến lược rõ ràng ở cấp quốc gia. Cần xây dựng chiến lược quốc gia phát triển nguồn nhân lực hàng không, logistics và vận hành sân bay hiện đại.
Chiến lược cần có các trụ cột: Xây dựng cụm trung tâm đào tạo cấp quốc gia đặt tại vùng phụ cận Long Thành, kết nối với TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu; áp dụng khung năng lực nghề quốc gia, tiêu chuẩn hóa chứng chỉ và đánh giá theo tiêu chuẩn ICAO, ISO; tăng cường mô hình hợp tác “Nhà trường - DN - Nhà nước - Quốc tế”; hỗ trợ học bổng, tín dụng đào tạo ưu đãi và chương trình thực tập, cọ xát tại các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh; ưu tiên chuyển đổi nghề cho lao động phổ thông, đặc biệt là người bị thu hồi đất hoặc thanh niên tại các địa phương quanh Long Thành.
Cũng có thể tính đến phương án xây dựng “Khu công nghệ và đào tạo hàng không Long Thành” một tổ hợp tích hợp giữa trường học, trung tâm đào tạo thực hành, phòng mô phỏng (simulator), khu ký túc xá và sàn tuyển dụng trực tiếp tại chỗ. Mô hình này có thể vận hành theo hình thức đối tác công - tư (PPP), huy động vốn xã hội hóa và quản trị linh hoạt.
Bước chuyển trong tư duy quy hoạch
Trong nhiều cuộc kiểm tra gần đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh: “Không được để tiến độ Long Thành trượt khỏi quỹ đạo, phải cán đích đúng thời hạn, chất lượng, mục tiêu”.
![]() |
Một trong những vướng mắc còn tồn tại hiện nay là sự phân tách trong phạm vi trách nhiệm giữa các cấp. Trong khi Trung ương phụ trách xây dựng sân bay, địa phương đảm nhiệm công tác giải phóng mặt bằng và triển khai hạ tầng kết nối. Tuy nhiên, cơ chế phối hợp, phân cấp chưa thật sự đồng bộ, dẫn đến việc xử lý các vướng mắc có khi còn mất thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ chung. Từ thực tế đó, một kiến nghị được đưa ra là thành lập Ban Điều phối phát triển vùng sân bay Long Thành, cơ quan chuyên trách có quyền điều phối quy hoạch, phân bổ nguồn lực, theo dõi tiến độ và xử lý các vướng mắc liên vùng. Đây có thể là mô hình thí điểm cho cơ chế vùng, giúp Trung ương giao quyền thực tế, còn các địa phương tuân thủ kế hoạch hành động thống nhất.
Long Thành không chỉ là biểu tượng của phát triển hạ tầng. Đây là phép thử cho năng lực điều hành siêu dự án trong bối cảnh kinh tế hội nhập và yêu cầu quản trị minh bạch. Kinh nghiệm từ sân bay Long Thành cho thấy, các công trình quy mô lớn không thể vận hành hiệu quả nếu vẫn theo mô hình hành chính phân tán.
Nếu mô hình điều phối vùng được thiết lập thành công, Long Thành sẽ là tiền lệ cho các dự án khác như cao tốc Bắc - Nam, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, khu thương mại tự do Cái Mép Hạ... Và Long Thành không chỉ là một siêu sân bay, mà còn trở thành biểu tượng nơi hội tụ tốc độ, sự minh bạch và năng lực quản trị.
Quan trọng hơn, Long Thành sẽ đánh dấu bước chuyển trong tư duy quy hoạch, từ tư duy địa phương sang tư duy vùng, từ quản lý hành chính sang điều phối tích hợp. Mô hình này nếu thành công sẽ mở ra khuôn khổ thể chế mới cho các dự án hạ tầng tầm quốc gia, giúp rút ngắn thời gian triển khai, giảm lãng phí và tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Chính phủ hiện đã giao Bộ Xây dựng phối hợp UBND tỉnh Đồng Nai lập đề án tổng thể điều phối vùng phụ cận sân bay Long Thành. Đây là cơ sở để thể chế hóa các cơ chế ràng buộc, chia sẻ nguồn lực, tích hợp quy hoạch và xây dựng hành lang pháp lý cho mô hình phát triển “vùng sân bay”.
![]() |
Tính đến tháng 4/2025, nhiều gói thầu đã đạt đến 50% khối lượng. (Ảnh trong bài: Duy Khương) |
Vấn đề không nằm ở thiếu vốn, kỹ thuật hay lao động, mà ở khả năng tổ chức và thiết kế quy định phù hợp. Nhiều ý kiến đánh giá, từ đại công trường đến mô hình quản trị kiểu mẫu, Long Thành là hình ảnh thu nhỏ cho hành trình chuyển mình của một quốc gia đang vươn ra thế giới bằng tốc độ, sự minh bạch và khát vọng hội nhập.
Với tổng vốn đầu tư hơn 109.000 tỷ đồng cho giai đoạn 1, Long Thành là một trong những dự án đầu tư công lớn nhất lịch sử. Việc giám sát tiến độ, chất lượng và chi phí không thể thiếu vai trò của cơ quan thanh tra, kiểm toán độc lập và công luận. Một giải pháp được đề xuất là ứng dụng nền tảng số để cập nhật tiến độ theo thời gian thực, công khai dữ liệu dự án trên cổng thông tin điện tử, mở rộng vai trò giám sát từ đại biểu dân cử, báo chí đến tổ chức xã hội. Kinh nghiệm từ các công trình lớn như metro Hà Nội, cao tốc Bắc - Nam, cho thấy nơi nào có sự giám sát xã hội tốt, nơi đó giảm thiểu được sai phạm và nâng cao hiệu quả đầu tư.
Tính đến quý I/2025, trên công trường Long Thành có hàng ngàn người là lao động địa phương được đào tạo ngắn hạn, chuyển nghề từ sản xuất nông nghiệp sang thi công hạ tầng. Việc chuyển đổi này vừa giúp giải quyết bài toán an sinh sau thu hồi đất, vừa tạo nền tảng nhân lực phục vụ vận hành sân bay sau này. Mô hình “đào tạo - chuyển đổi - gắn thực tế” tại Long Thành cho thấy tiềm năng lớn của lực lượng lao động nông thôn nếu được tiếp cận công nghệ, hướng dẫn bài bản và tạo cơ hội thăng tiến. Ngoài ra, việc tổ chức các chương trình đào tạo kỹ năng mềm, an toàn lao động, ngoại ngữ cơ bản và kỹ năng giao tiếp khách hàng cho nhóm công nhân thi công hiện nay cũng là nền tảng quan trọng. Những người từng tham gia xây dựng sân bay có thể được ưu tiên tái đào tạo để tham gia vận hành sân bay giai đoạn sau.