Chiều 16/8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lễ công bố 14 vở diễn sẽ tham dự “Liên hoan sân khấu các vở diễn lịch sử chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội” tổ chức ngày 19-22/8/2010 tại Hà Nội. Bên lề hội nghị, phóng viên Báo PLVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đăng Chương-Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - về những vấn đề của sân khấu Việt Nam đương đại.
Ông Nguyễn Đăng Chương |
“Rừng trúc” vắng bóng
Thưa ông, tại sao trong số 14 vở diễn được tham dự Liên hoan không có vở “Rừng trúc” của Nhà hát Tuổi Trẻ (vở diễn đã đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1999 - PV)?
Tiêu chí lựa chọn vở diễn tham dự liên hoan là những vở diễn sân khấu thuộc các loại hình: Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch nói, Dân ca kịch có đề tài lịch sử gắn với mảnh đất Thăng Long-Hà Nội trong tiến trình lịch sử 1.000 năm qua. Do đó, vở “Rừng trúc” đã được lựa chọn để tham dự liên hoan. Tuy nhiên, Nhà hát Tuổi Trẻ đã có văn bản gửi Bộ đề nghị không tham gia diễn vở này vì các diễn viên vào vai nhân vật trong kịch đã có tuổi, một số hiện đang làm công tác quản lý nên không có thời gian tập lại.
Một cảnh trong vở Rừng trúc |
“Rừng trúc” muốn trở lại sân khấu thì phải dàn dựng lại với dàn diễn viên trẻ trung. Các đoàn tham dự liên hoan phải tự lo kinh phí ăn ở, đi lại. Bộ chỉ lo tiền thù lao diễn viên và hỗ trợ các đoàn theo mức các đoàn ở Hà Nội là 40 triệu đồng/đoàn, các đoàn ở các tỉnh phía Bắc 50 triệu đồng/đoàn, các tỉnh xa hơn là 70 triệu đồng. Vì vậy, không có kinh phí đầu tư dàn dựng mới.
Khủng hoảng tác giả
Vở cũ thì diễn viên đã quá tuổi, vở mới thì không có tiếng vang. Sân khấu những năm qua đã khủng hoảng và hiện nay có gì khởi sắc, thưa ông?
Muốn có một vở diễn hay, trước hết phải có một kịch bản tốt. Sự vắng bóng các tác phẩm xứng tầm thời đại thời gian qua cho thấy sân khấu Việt Nam đang khủng hoảng tác giả. Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam có trên 200 hội viên là tác giả, tuy nhiên số lượng tác giả hàng đầu chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Không chỉ biên kịch, sân khấu hiện nay cũng thiếu trầm trọng những đạo diễn có tay nghề. Nhìn đi nhìn lại vẫn chỉ có mấy gương mặt đã khẳng định mình từ những năm 1980 như Doãn Hoàng Giang, Lê Hùng, Bùi Đắc Sừ... Sở dĩ các vở kịch lịch sử ăn khách hơn, có số lượng nhiều hơn vì thể loại kịch này được xây dựng từ cốt truyện, nhân vật thật. Kịch đương đại khó viết hơn nhiều vì phản ánh hơi thở đương đại là việc khó.
Tại sao sân khấu nhiều năm nay không có tác phẩm xứng tầm thời đại ư? Bởi vì người sáng tạo không hoàn thành chức năng tác phẩm sân khấu là một dự báo về cuộc sống. Các vở kịch chỉ minh họa hiện thực. Người viết xem, nghe, đọc tư liệu từ các báo, các phương tiện thông tin đại chúng rồi hư cấu viết thành tác phẩm. Kịch viết về nông dân, công nhân nhưng khi xem thì những người đó bảo rằng không phải tôi. Khả năng viết chưa tới, giả tạo, khiên cưỡng, xa rời hiện thực đã gây phản cảm.
Không dám mạo hiểm với tác giả trẻ
Ông có dự báo gì về các tác giả trẻ?
Đời sống sân khấu có thể dự báo còn tác giả thì không thể dự báo được. Sân khấu phản ánh thời đại. Thời kỳ chuyển đổi từ cơ chế quan liêu bao cấp sang thời kỳ cơ chế quản lý mới phù hợp với nền kinh tế thị trường đã sản sinh ra những kịch tác gia tên tuổi như Xuân Trình, Tất Đạt, Lưu Quang Vũ... nhưng lịch sử không lặp lại.
Để có thể viết kịch, phê bình hay làm đạo diễn sân khấu thì phải có kiến thức và vốn sống. Các tác giả trẻ rất thiếu điều này. Và khó khăn nhất là những đạo diễn - biên kịch “trẻ” hầu hết đều rất khó có cơ hội làm việc. Các nhà hát không dám mạo hiểm trao vở diễn vào tay những người chưa có tiếng tăm như họ. Các tác giả, các đạo diễn không phải thầy phù thủy để liên tục tạo ra những đứa con có giá trị. Đạo diễn Doãn Hoàng Giang một năm làm hai vở thì hay, làm 4-5 vở sẽ dở. Một tác giả viết tốt nhưng đơn đặt hàng nhiều thì cũng bó tay. Vậy nên có một vòng luẩn quẩn: Sân khấu thiếu đạo diễn, trong khi nhiều đạo diễn không có việc.
Xin cảm ơn ông!
Lam Hạnh (thực hiện)