Cuộc khủng hoảng này đã khiến các nhà máy sản xuất ô tô ở Đông Âu phải đóng cửa và giá các nguyên liệu thô tăng vọt.
Theo CNBC, một số nhà máy ở Ukraine đã cố gắng duy trì hoạt động trong bối cảnh cuộc xung đột vẫn leo thang. Tuy nhiên, việc sản xuất vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực khi mà nhiều người lao động buộc phải nghỉ làm để tránh thương vong.
Vào tháng 3 vừa qua, S&P Global Mobility, trước đây là IHS Markit, đã cắt giảm dự báo sản lượng ô tô toàn cầu bớt 2,6 triệu xe trong cả năm 2022 và 2023 do cuộc xung đột Ukraine. Trong trường hợp xấu nhất sản lượng ô tô toàn cầu có thể giảm xuống đến 4 triệu xe. Sản lượng ô tô châu Âu dự kiến sẽ giảm khoảng 9% - khoảng 1 triệu ôtô.
Một phần trong số đó sẽ do doanh số bán ô tô bị sụt giảm trực tiếp ở Nga và Ukraine, nhưng các quốc gia này chỉ chiếm thị phần nhỏ của thị trường ô tô toàn cầu (khoảng 2% vào năm 2021).
Mối quan tâm lớn hơn là tình trạng thiếu nguyên liệu và phụ tùng đang ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô châu Âu, và có thể lan sang các thị trường khác nếu căng thẳng Nga – Ukraine không sớm được giải quyết.
Ngoài ra, các nhà phân tích tín dụng tại S&P Global Ratings cũng dự báo rằng năm 2022, doanh số bán ô tô toàn cầu sẽ giảm 2% xuống thấp hơn mức của năm 2021. Đó là sự sụt giảm đáng kể so với mức tăng 4-6% cho năm 2022 mà họ đã dự báo lần cuối vào tháng 10/2021.
Báo cáo nhấn mạnh đến các yếu tố gây gián đoạn hoạt động sản xuất phụ tùng ô tô quan trọng của khu vực, đặc biệt là sản xuất bó dây ô tô tại Ukraine.
Ngoài ra, một số loại nhiên liệu quan trọng đến từ Nga cũng đang thiếu hụt nặng nề ví như palladium hay nickel. Nga hiện chiếm khoảng 40% sản lượng palladium toàn cầu. Ngay cả nguồn cung của nhiều loại khoáng chất và kim loại cũng chịu ảnh hưởng. Tất cả các loại nguyên liệu trên vốn giữ vai trò then chốt trong sản xuất ô tô.