Những tháng cuối năm 2023, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Lạm phát các nước mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, trong nước đơn hàng sản xuất giảm, chi phí đầu vào tăng cao, kim ngạch xuất khẩu giảm đã ảnh hưởng đến kinh tế trong nước nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, nhờ vào sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của tỉnh Vĩnh Phúc, cùng sự phối hợp của các địa phương, sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm trên địa bàn tỉnh đã có những dấu hiệu khởi sắc.
Hoạt động sản xuất công nghiệp trong những tháng cuối năm của Vĩnh Phúc khả quan hơn những tháng trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 ước tăng 8,02% so với tháng trước, tính chung 10 tháng giảm 2,07% so với cùng kỳ năm 2022.
Hầu hết sản lượng sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh 10 tháng đầu năm đều giảm so với cùng kỳ, cụ thể: thức ăn gia súc giảm 5,63%; giày thể thao giảm 17,59%; gạch ốp lát giảm 26,17%; xe ô tô các loại giảm 25,84%; xe máy các loại giảm 9,20%; riêng doanh thu linh kiện điện tử tăng 5,87% nhưng đây là mức tăng thấp nhất của 10 tháng đầu năm giai đoạn 2019 - 2023.
Về hoạt động thương mại, dịch vụ, trong những tháng cuối năm 2023 của Vĩnh Phúc, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh duy trì sự ổn định và đa dạng về sản phẩm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Vĩnh Phúc tháng 10/2023 ước tăng 2,2% so với tháng 9 và tăng 11,11% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh tăng 20,65% so với cùng kỳ.
Hoạt động giao thông vận tải của Vĩnh Phúc đáp ứng đầy đủ nhu cầu về vận chuyển hành khách và hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh; đặc biệt, 06 tuyến xe buýt đã tái khởi động sau hơn một năm tạm ngừng, giúp cải thiện đi lại cho người dân; doanh thu toàn ngành ước đạt 572,1 tỷ đồng, tăng 24,92% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng đầu năm, doanh thu vận tải của Vĩnh Phúc ước đạt 4.992,8 tỷ đồng, tăng 18,47% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, phát triển doanh nghiệp của tỉnh tính đến trung tuần tháng 10/2023, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 1.246 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 14,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp tham gia, quay trở lại thị trường là 318 doanh nghiệp (cùng kỳ năm 2022 là 364 doanh nghiệp).
Tuy nhiên, số doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh là 673 doanh nghiệp, tăng 31,45% so với cùng kỳ năm trường và số doanh nghiệp đã hoàn tất việc giải thể là 114 doanh nghiệp tăng 67,6% so với cùng kỳ năm trường. Điều này cho thấy tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn khiến cho số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường thấp và số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng lên.
Tình hình sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp là tín hiệu đáng mừng cho sản xuất công nghiệp của Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, để góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, ngành công nghiệp đỏi hỏi phải có sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành để giúp các doanh nghiệp giải quyết các khó khăn trước mắt.