Theo dự báo của chuyên gia khí tượng thủy văn, trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (25km/h), khoảng tối và đêm nay (25/12) bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau với sức gió mạnh nhất cấp 9-10, giật cấp 12-13. Đến 4h ngày 26/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,9 độ Vĩ Bắc; 104,9 độ Kinh Đông, trên khu vực Tây Nam Bộ.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc bão số 16 kết hợp với không khí lạnh, từ sáng nay (25/12), vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận (bao gồm cả đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 7-8, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 12, sóng biển cao từ 5-7m, cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3; từ trưa nay (25/12), vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo) có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, giật cấp 13-14, cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, khoảng tối và đêm nay (25/12) bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau với sức gió mạnh nhất cấp 9-10, giật cấp 12-13.
Sáng nay, 25/12, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng chủ trì họp chỉ đạo ứng phó với bão số 16.
Nhấn mạnh đây là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp đổ bộ vào khu vực miền Nam nơi mà nhà cửa và cơ sở hạ tầng còn yếu, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đề nghị các bộ, ngành, các địa phương kiểm soát đi vào chiều sâu và đôn đốc, giám sát việc triển khai ứng phó với bão số 16 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai nhấn mạnh các công việc cần triển khai:
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 16, tăng cường tần suất, thời lượng phát sóng trên các phương tiện thông tin, đặc biệt là trên đài truyền hình, hệ thống phát thanh, truyền thanh từ tỉnh đến xã, phường về diễn biến của bão, kèm theo công điện chỉ đạo, chỉ huy và hướng dẫn các biện pháp phòng tránh để người dân chủ động thực hiện.
Kêu gọi phương tiện tàu thuyền vào bờ đảm bảo 100% các phương tiện vào bờ và bố trí, sắp xếp, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền neo đậu tại các khu tránh trú bão, tránh va đập làm hư hỏng hoặc chìm như đã xảy ra trong các trận bão vừa qua. Đối với những phương tiện tàu, thuyền khác và các ghe phục vụ sinh hoạt hàng ngày của người dân phải kiên quyết chỉ đạo di chuyển sâu vào phía trong sông, kênh, rạch, tổ chức neo đậu hoặc kéo lên bờ đảm bảo an toàn. Kiên quyết không để người dân nào trên các tàu, thuyền khi bão đổ bộ.
Thực hiện cấm sông và di dời ngay người dân khỏi các nhà sung yếu, nhà ven sông, nhà ở các nơi phân tán, không để người dân ở trên các lồng bè. Huy động lực lượng kiên quyết cưỡng chế trong trường hợp cần thiết, đảm bảo hoàn thành việc di dời trước 10h ngày 25/12.
Tùy theo diễn biến, tác động của bão và mưa lũ, các tỉnh chủ động cho học sinh nghỉ học.
Thứ trưởng yêu cầu Ủy Ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn xem xét, chỉ đạo địa phương triển khai các biện pháp sẵn sàng cho các tình huống xảy ra, đặc biệt tại tỉnh Cà Mau, Thứ trưởng cũng yêu cầu các Bộ: Bộ Công Thương, Tư lệnh Biên phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện theo chỉ đạo tại Công điện của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra đôn đốc theo chiều sâu nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.