Sau các nghị quyết của Đảng, thì Chính phủ từng có 2 nghị quyết ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và 2012 - 2030 (Nghị quyết 36c/NQ-CP và 76/NQ-CP). Chúng ta đã nói nhiều về yêu cầu đơn giản hóa TTHC, nhưng vẫn phải tiếp tục đốc thúc, triển khai bằng nhiều biện pháp quyết liệt.
Thời gian qua, chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số quốc gia, cắt giảm chi phí cho xã hội. Nhiều chỉ số được thăng hạng góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nếu có công việc tiếp xúc với các địa điểm giải quyết TTHC ngay từ cấp xã, phường, ai cũng đều ghi nhận sự thay đổi so với trước đây.
Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của phát triển, tâm tư, nguyện vọng của người dân, DN. Nguyên nhân là một số quy định TTHC tại một số văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn; một số quy định về thẩm quyền, trách nhiệm chưa triệt để, còn tầng, nấc; có phương pháp giải quyết vẫn theo theo phong cách “hồ sơ giấy”; cá biệt tình trạng nhũng nhiễu, “tham nhũng vặt” có khi còn tồn tại, “ẩn nấp” sau thủ tục.
Để đẩy mạnh cải cách TTHC, xin nêu kinh nghiệm từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT). Đây là địa phương sáng tạo ra các mô hình “Ngày thứ Hai không viết” - ứng dụng tờ khai điện tử; “Ngày thứ Sáu không hẹn” - tức là không “hẹn tuần sau”; “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói”. Gần đây, tỉnh BR-VT đã ứng dụng vận hành mini app Zalo (app BR-VT Smart). Theo đó, người dân, DN có thể sử dụng “app BR-VT Smart” trên ứng dụng Zalo để được hướng dẫn các TTHC, dịch vụ công trực tuyến một phần, toàn trình của tỉnh. Những sáng tạo đó góp phần giúp BR-VT là địa phương dẫn đầu về các Chỉ số PAPI, PAR INDEX, Chỉ số hài lòng SIPAS; được đánh giá đã hoàn thành tốt công việc phụng sự người dân và DN, phân cấp, phân quyền, mạnh mẽ chuyển đổi số.
Theo Nghị quyết 76/NQ-CP, trọng tâm cải cách TTHC giai đoạn 2021 - 2030 là “tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước, trong đó, chú trọng cải cách chính sách tiền lương; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số”.
Tại Chỉ thị 16 mới đây, một trong những giải pháp, nhiệm vụ mới Thủ tướng yêu cầu là: “Kiên quyết cắt giảm các TTHC không cần thiết, đặc biệt là các TTHC để thực hiện các biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”. Chỉ thị cũng nêu những biện pháp cụ thể như hoàn thiện mô hình kết hợp bộ phận một cửa của các đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn, tổ chức thí điểm trong năm 2024 tại một số địa phương như: Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Quảng Ninh. Với những giải pháp thiết thực, cụ thể như vậy; nhất định nhiệm vụ cải cách TTHC, hướng tới sự tiện lợi, sự hài lòng của người dân và DN; nhất định sẽ sớm đạt được.