Tạo thuận lợi cho thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc địa giới

(PLVN) -  Đây là yêu cầu được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đưa ra khi chủ trì cuộc họp trực tuyến về cải cách thủ tục hành chính với 3 Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông; 8 địa phương bao gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Tây Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, sáng 8/5.
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: VGP).
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: VGP).

Báo cáo tại cuộc họp cho thấy, tỉ lệ hồ sơ đồng bộ trên Cổng dịch vụ công (DVC) quốc gia của các Bộ chưa cao, trong khi các địa phương đạt tỉ lệ cao hơn. Tỉ lệ cung cấp DVC trực tuyến toàn trình cũng đều đạt mức thấp hơn so với mục tiêu của Chính phủ đặt ra là 80%. Đối với tỉ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến, Bộ Thông tin và Truyền thông đạt 17,36%; tỉnh Hải Dương đạt tỉ lệ cao nhất là 71%.

Tại cuộc họp, các địa phương kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh việc ban hành một số văn bản hướng dẫn, trong đó có quy định về định mức kinh tế kỹ thuật đối với nội dung chi cho hoạt động hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, giấy tờ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại các Bộ, ngành, địa phương do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích thực hiện. Các địa phương cũng đề nghị các Bộ, ngành hỗ trợ trong kết nối với cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tiếp tục hoàn thiện tính năng thanh toán trên Cổng DVC quốc gia; sớm công bố công khai TTHC theo đúng Nghị định 63/2010/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 92/2017/NĐ-CP.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu đánh giá công tác cải cách TTHC đã có những bước chuyển biến tích cực, thực chất, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chung là các Bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm, nỗ lực cố gắng, tăng tốc thực hiện những mục tiêu đặt ra theo phương án đơn giản hóa, cắt giảm TTHC đã được phê duyệt cho năm 2024…

Phó Thủ tướng giao các Bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông tập trung xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến dân cư và phân cấp giải quyết TTHC bảo đảm hoàn thành thực thi các phương án thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ.

Phó Thủ tướng đề nghị 4 địa phương là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh và Bình Dương sớm hoàn thiện tài liệu mô hình mẫu về bộ phận một cửa, tổ chức triển khai thí điểm trong năm 2024 với mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện TTHC, DVC không phụ thuộc địa giới hành chính.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết, công tác cải cách TTHC trên địa bàn TP Hải Phòng trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, hiện nay Hải Phòng vẫn đang gặp một số vướng mắc, do đó Phó Chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam đã kiến nghị Văn phòng Chính phủ tiếp tục hoàn thiện các tính năng của Cổng Dịch vụ công quốc gia, nền tảng thanh toán trực tuyến để khắc phục các lỗi trong thanh toán trực tuyến, thống kê tỷ lệ, mức độ hài lòng, phản ánh những kiến nghị của dân cùng các đơn vị triển khai hình thức này…

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, hiện nay công tác cải cách TTHC của Quảng Ninh vẫn còn một số tồn tại, một số “điểm nghẽn”. Để nâng cao hiệu quả cải cách TTHC, trong thời gian tới, Quảng Ninh kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thiện phần mềm quản lý hệ thống thông tin đất đai để thống nhất sử dụng trên toàn quốc; Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định số 73/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước... Đ.Bắc - H.Giang

Đọc thêm