Sáng tạo trong theo dõi thi hành pháp luật

(PLO) - Trong khuôn khổ Dự án Phát triển lập pháp quốc gia, ngày 23/3 đã diễn ra hội thảo nâng cao năng lực theo dõi thi hành pháp luật (THPL) và thực hiện đánh giá tác động văn bản quy phạm pháp luật, bên cạnh nội dung đánh giá tác động văn bản theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. 

Tổ chức THPL là giai đoạn thứ hai sau khi đã tiến hành giai đoạn xây dựng pháp luật và hiện được khẳng định là chuyển hướng chiến lược gắn với hoàn thiện pháp luật. Mặc dù vị trí, vai trò mới được quy định chính thức bằng Nghị định số 59/2012/NĐ-CP nhưng hơn 3 năm thực hiện, công tác này đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL (Bộ Tư pháp) Hồ Quang Huy, một trong những kết quả đó là đã triển khai đồng bộ các nội dung, hoạt động theo dõi THPL, góp phần phản ánh được tương đối toàn diện, đầy đủ tình hình THPL nói chung, trong từng lĩnh vực trọng tâm, liên ngành nói riêng.

Đặc biệt, nhằm phát huy tốt hơn vai trò của công tác này trong thực tiễn, từ năm 2014, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành có liên quan, UBND cấp tỉnh đã tổ chức theo dõi THPL trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành.

Cụ thể, năm 2014 là lĩnh vực an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm rau, củ, quả, chè; năm  2015 là lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; năm 2016 là lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên bị thiên tai. Đây được xem là một trong những cách làm sáng tạo, bước đầu nhận được sự đồng thuận của các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng xã hội.

Là một trong 6 Bộ được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ thí điểm công tác theo dõi THPL tại Quyết định số 1987/QĐ-TTg, nhiều đơn vị của Bộ Công Thương đã triển khai hiệu quả nhiệm vụ được giao, trong đó Vụ Pháp chế làm đầu mối thực hiện công tác theo dõi THPL thuộc phạm vi ngành Công Thương. Chẳng hạn, công tác thanh tra của Bộ cũng hướng tới thực trạng THPL và kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. 

Ngoài những thành tích bước đầu, đã nảy sinh không ít tồn tại, hạn chế trong công tác theo dõi THPL như nội dung theo dõi còn chung chung, chưa có tiêu chí cụ thể xác định mức độ tuân thủ pháp luật của các cá nhân, tổ chức; phản ứng chính sách thông qua theo dõi THPL còn chậm…

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) Phạm Đình Thưởng lại bày tỏ sự băn khoăn về mục đích của theo dõi THPL bởi qua thực tiễn triển khai phải hướng đến đánh giá được các quy phạm pháp luật có hiệu quả, có đồng bộ, phù hợp, khả thi hay không.

“Hệ thống pháp luật hoàn thiện thì mới thi hành tốt được, hoặc đã có quy phạm pháp luật mà không thi hành thì phải biết được nguyên nhân là bất cập của quy phạm hay ý thức của người dân” – ông Thưởng phát biểu. Từ đó, ông Thưởng kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu đề xuất xây dựng luật về công tác theo dõi THPL.

Đọc thêm