“Phải gắn kết giữa xây dựng và thi hành pháp luật”

(PLO) - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng – Phó trưởng Ban soạn thảo dự án Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật cho biết, dự thảo Luật sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định và nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền trong việc ban hành VBQPPL nhằm góp phần khắc phục tình chậm, nợ VB, chất lượng VBQPPL chưa cao…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng
Dự thảo Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật (VBQPPL) được Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo đã được Ủy ban Pháp luật cho ý kiến. 
Luật mới sẽ phân định rõ giữa thi hành và xây dựng pháp luật 
Thưa Thứ trưởng, dự thảo Luật ban hành VBQPPL được Chính phủ soạn thảo trên cơ sở hợp nhất của hai luật ban hành hiện hành nhấn mạnh đến vấn đề gì?
- Đây là luật ban hành VBQPPL nên chắc chắn nhấn mạnh đến công tác ban hành VBQPPL với các qui định về qui trình, hình thức, thẩm quyền ban hành, từ xây dựng chính sách, chương trình, quá trình soạn thảo, thông qua VBQPPL. Còn vấn đề tổ chức thi hành VB thì có hướng dẫn chung sau đó sẽ có hướng dẫn riêng trong các đạo luật cụ thể như luật phổ biến, giáo dục pháp luật và các VB hướng dẫn, nhất là các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật ban hành VBQPPL sau khi được Quốc hội thông qua.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, để đảm bảo tính khả thi của các đề xuất trong dự thảo Luật ban hành VBQPPL thì việc đánh giá các hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành cần phân biệt rõ hạn chế của qui định pháp luật và hạn chế do việc tổ chức thực hiện. Vậy theo ông, bất cập nằm ở khâu nào là chính?
- Khâu nào cũng có bất cập riêng nên ngày càng phải hoàn  thiện. Quan trọng là phải gắn kết giữa thi hành và xây dựng, không để tách rời nhau. Trong phần qui định về tổ chức thực hiện thi hành VBQPPL trong dự thảo Luật này sẽ có qui định cụ thể, tức là trong luật mới sẽ có sự phân định rõ ràng giữa nhóm thi hành và nhóm xây dựng pháp luật. Tổ chức thi hành là để gắn kết với quá trình xây dựng văn bản thành một thể thống nhất, đảm bảo tính liên tục của nó. 
Vẫn cần Nghị định “không đầu”
Nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn tình trạng QPPL bị đưa vào các văn bản không phải VBQPPL như công văn, thông báo ý kiến chỉ đạo. Theo ông, tình trạng đó có phổ biến không và ngăn chặn bằng cách nào?
- Thực tiễn rà soát VBQPPL thời gian qua cũng phát hiện ra tình trạng có một số VB không phải VBQPPL nhưng lại chứa đựng các QPPL. Tất nhiên đây không phải hiện tượng phổ biến. Nguyên nhân một phần là do pháp luật hiện hành chưa làm rõ được khái niệm VBQPPL, dẫn đến sự hiểu chưa thống nhất trong quá trình tổ chức triển khai. Vấn đề này sẽ được giải quyết trong dự thảo Luật ban hành VBQPPL.
Tại sao dự thảo Luật vẫn giữ qui định về nghị định “không đầu” trong khi có nhiều ý kiến đề nghị bỏ?
- NĐ “không đầu” là cần thiết vì hệ thống pháp luật nước ta đang hoàn thiện và các vấn đề diễn ra hàng ngày trong đời sống thực tiễn rất đa dạng, nhưng không phải vấn đề nào cũng có luật điều chỉnh. Có những vấn đề thực tiễn nảy sinh nhưng chưa đủ điêù kiện ban hành luật, pháp lệnh thì Chính phủ qui định bằng nghị định và trước khi ban hành phải được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến. 
Nhưng sẽ đến lúc phải bỏ loại VB này phải không, thưa Thứ trưởng?
- Đến lúc đó thì hệ thống pháp luật hoàn thiện, đầy đủ, Song như tôi đề cập, thực tiễn đời sống luôn biến động, không thể lường hết biến động nên tôi cho rằng một thời gian khá dài sẽ vẫn phải duy trì các nghị định “không đầu”. Tuy nhiên, loại nghị định này chỉ để giải quyết các vấn đề tình thế nên sau một thời gian áp dụng sẽ phải được nghiên cứu để luật hóa.
Chậm ban hành VBQPPL: Quy trách nhiệm, chưa có bồi thường 
Một vấn đề được dư luận quan tâm là dự thảo Luật có đề cập đến chế tài và việc bồi thường do việc ban hành chậm chễ VBQPPL vì thực tế cho thấy, việc cơ quan nhà nước chậm ban hành VBQPPL sẽ gây ra nhiều hậu quả rất lớn?
- Dự thảo Luật này cũng qui định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chậm ban hành VBQPPL, dẫn đến hậu quả, nhất là trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, nhưng mới chỉ qui định về trách nhiệm công vụ chứ chưa đặt vấn đề bồi thường vì Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước hiện hành chưa có qui định về bồi thường thiệt hại trong trường hợp này. Nên vấn đề bồi thường trong trường hợp chậm ban hành VBQPPL thì cần tiếp tục nghiên cứu. 
Dự thảo Luật bỏ qui định về việc ban hành VB qui định chi tiết cùng thời điểm có hiệu lực của VB được qui định chi tiết. Vậy trong thời điểm luật có hiệu lực nhưng chưa có VB hướng dẫn thì sẽ xử lý các vấn đề cần điều chỉnh như thế nào?
- Những VB hướng dẫn luật cũ không trái qui định luật mới sẽ vấn được áp dụng để “lấp khoảng trống” chờ ban hành VB hướng dẫn cho luật mới. Còn giải pháp quan trọng nhất là phải kịp thời ban hành để hướng dẫn đầy đủ những qui định của luật. Vấn đề này được làm rõ trong qui định về tổ chức thi hành pháp luật. Còn khi xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể thì phải tính đến cả ảnh hưởng của việc còn “khoảng trống” của qui định hướng dẫn. 
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Đọc thêm