Sao Việt nhận con nuôi và những biến tướng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều nghệ sĩ Việt nhận con nuôi đơn thuần để nuôi dưỡng con cái như một gia đình bình thường, nhiều nghệ sĩ khác nhận con nuôi vì yếu tố nghề nghiệp, nhằm nuôi dưỡng tài năng. Người nổi tiếng nhận con nuôi vốn không phải vấn đề xa lạ, nhưng sau những lùm xùm thời gian gần đây giữa ca sĩ Phi Nhung và Hồ Văn Cường, dư luận buộc phải đặt câu hỏi về bản chất các mối quan hệ cha mẹ - con nuôi trong giới showbiz Việt.
Nam ca sĩ Quang Lê nhận nuôi Phương Mỹ Chi khi cô bé đang được xem là “hiện tượng” của nhạc Việt.
Nam ca sĩ Quang Lê nhận nuôi Phương Mỹ Chi khi cô bé đang được xem là “hiện tượng” của nhạc Việt.

Chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ

Trên khía cạnh pháp luật, nếu nghệ sĩ muốn nhận con nuôi hợp pháp để tạo ra mối quan hệ cha mẹ - con như một gia đình bình thường thì phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Nuôi con nuôi năm 2020 và các văn bản pháp luật liên quan. Ví dụ, ca sĩ Phi Nhung từng nhận nuôi tới hơn 20 trẻ mồ côi, Thanh Thảo nhận cháu ruột làm con nuôi, NTK Đỗ Mạnh Cường nhận nuôi 8 con…

Tuy nhiên, trên thực tế, các nghệ sĩ còn có một kiểu nhận nuôi khác theo hướng nuôi dưỡng tài năng, đào tạo về mặt nghề nghiệp. Đơn cử Hoài Linh nhận nuôi Hoài Lâm, Gia Bảo, Cao Hữu Thiên, bé Ben,…; Phi Nhung nhận nuôi Hồ Văn Cường; Ngọc Sơn nhận con nuôi Dương Ngọc Thái, Quách Tuấn Du, Thy Nhung…; Quang Lê nhận nuôi Phương Mỹ Chi…; và nhiều trường hợp khác. Việc nhận nuôi tài năng như thế này phần lớn không thông qua bất cứ một thủ tục pháp lý nào, chỉ cần những người trong cuộc, người liên quan cùng công nhận, khán giả biết đến là được.

Dù lựa chọn hình thức nào thì trên thực tế, có rất nhiều nghệ sĩ nhận con nuôi vì cái tâm của mình, không màng tới chuyện được gì mất gì, coi con nuôi như con đẻ. Tuy nhiên, có nhiều khán giả cho rằng, một số nghệ sĩ nhận con nuôi chẳng khác gì nhận học trò, đệ tử. Đây cũng là cách để họ hợp thức hoá tư cách “bầu sô” của mình. Đó là một nguyên nhân khiến dư luận bức xúc thời gần đây, liên quan đến vụ việc ca sĩ Phi Nhung có dấu hiệu nhập nhèm tiền cát-xê của con nuôi Hồ Văn Cường - Quán quân cuộc thi Thần Tượng Âm Nhạc Nhí 2016.

Cụ thể khi nữ ca sĩ “kể tội” con nuôi trên trang cá nhân là “lười biếng, không tôn trọng người lớn…”, Hồ Vân Cường đã nhanh chóng đăng tải tâm thư xin lỗi Phi Nhung. Từ đó, nhiều khán giả còn đặt nghi vấn về việc Hồ Văn Cường có bị đối xử bất công và bị “bóc lột” sức lao động hay không? Bởi lẽ, không chỉ về vấn đề tiền bạc, Phi Nhung có thể chi phối phần lớn các quyết định về công việc lẫn cuộc sống của Hồ Văn Cường. Trong câu chuyện này, Hồ Văn Cường có thực sự được lựa chọn lập trường của bản thân như những đứa trẻ khác trước cha mẹ của mình hay không?

Mặt khác, nhắc chuyện Quang Lê nhận Phương Mỹ Chi ngay khi cô bé đang được đánh giá là “thần đồng hát dân ca”, “hiện tượng của làng nhạc Việt”, nhiều khán giả khó thể tin tưởng mục đích nhận nuôi của nam ca sĩ hải ngoại không hề toan tính lợi ích trong đó. Được biết, mối quan hệ cha – con nuôi này còn đi kèm theo bản hợp đồng sở hữu độc quyền ca sĩ nhí trong hai năm, được ký với gia đình Phương Mỹ Chi. Như vậy, dù với tư cách là “cha nuôi”, Quang Lê có thể quản lý các hoạt động nghệ thuật của Phương Mỹ Chi chẳng khác nào một “bầu sô”. Ở góc độ khác, Phương Mỹ Chi cũng có cơ hội đi diễn khắp nơi với cha nuôi của mình, được học hỏi, rèn luyện kỹ năng để trở thành người nổi tiếng.

Điều đó cho thấy, quan hệ cha mẹ - con nuôi trong showbiz luôn chứa đựng nhiều lợi ích vô hình. Người nổi tiếng còn thường xuyên xuất hiện trước công chúng, được báo đài, truyền thông đưa tin, khán giả dõi theo nên việc họ nhận nuôi một ai đó đều có ảnh hưởng nhất định đến một bộ phận khán giả, ít nhất là những người hâm mộ của họ. Đơn cử gần đây, việc “ông hoàng nhạc sến” Ngọc Sơn bất ngờ tổ chức lễ nhận con nuôi tại chính nhà riêng của mình cũng được nhiều khán giả quan tâm. Tuy nhiên, có luồng quan điểm trái chiều cho rằng, động thái này của nam ca sĩ là một chiêu PR để đánh bóng trở lại tên tuổi đang có dấu hiệu mờ nhạt, đồng thời cũng là cách để giới thiệu luôn tên tuổi một ca sĩ mới.

Có thể thấy, khi nghệ sĩ nhận con nuôi là nghệ sĩ trẻ để định hướng, đào tạo, phát triển nghề nghiệp, quan hệ giữa cha mẹ và con nuôi trở nên phức tạp hơn quan hệ nhận nuôi thông thường khác. Trong trường hợp này, người cha, mẹ nuôi còn đóng các vai trò khác người thầy, đồng nghiệp, quản lý, người sử dụng lao động, tiền bối…

Không hiếm trường hợp con nuôi đồng thời là nghệ sĩ của công ty cha mẹ nuôi quản lý và có nghĩa vụ tạo ra doanh thu cho công ty theo thoả thuận trong hợp đồng. Cũng không ít trường hợp cha mẹ nuôi lợi dụng mối quan hệ nhận nuôi để nhập nhằng chuyện tiền bạc, chuyện công tư với con nuôi. Dù vậy, đằng sau những mối quan hệ này thực sự là thế nào thì chỉ có người trong cuộc mới hiểu rõ được.

Pháp luật có nên can thiệp?

Tạm gác chuyện gia đình – tiền bạc nhập nhằng giữa các cha mẹ và con nuôi trong giới showbiz, sau vụ việc Phi Nhung – Hồ Văn Cường, một vấn đề khác cũng được đông đảo công chúng quan tâm. Đó là, với những trường hợp không nhận nuôi theo trình tự, thủ tục của Luật nuôi con nuôi 2010, mối quan hệ cha mẹ - con nuôi có yếu tố nghề nghiệp nói trên được pháp luật nào điều chỉnh? Chẳng lẽ, cứ khi có mâu thuẫn xảy ra, các nghệ sĩ lại “kéo nhau” lên mạng xã hội để “đấu tố nhau”, đòi sự công bằng từ công chúng? Nếu có trường hợp lợi dụng, bóc lột “con nuôi”, thì ai, cơ quan nào có thể can thiệp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của các “con nuôi” này?

Về vụ việc của Hồ Văn Cường, có ý kiến luật sư cho rằng: “Ngay cả trong trường hợp nhận nuôi hợp pháp, bố mẹ nuôi có thể giữ tiền mà con làm ra. Dù vậy, nếu sử dụng tiền sai mục đích, không vì sự phát triển của trẻ em, ngoài ý chí của trẻ em thì vẫn có thể yêu cầu cơ quan chức năng điều tra”.

Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn các “con nuôi” này sẽ lựa chọn không lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình, như Hồ Văn Cường lựa chọn xin lỗi mẹ nuôi để xoa dịu dư luận. Có thể hiểu rằng, các nghệ sĩ trẻ không muốn đánh mất các cơ hội nghề nghiệp và tiến thân từ phía cha mẹ nuôi nổi tiếng của mình. Còn về mặt đạo đức, việc con nuôi dám “đối đầu” với cha mẹ nuôi của mình đều sẽ phải “hứng chịu” làn sóng gạch đá từ một bộ phận người hâm mộ. Một ví dụ điển hình là trường hợp nam ca sĩ Hoài Lâm từng chuyển hướng sang hát nhạc rap, đổi nghệ danh mà cha nuôi đã đặt cho và bị dư luận phản đối kịch liệt, gắn mác nam ca sĩ “không tôn trọng” cha nuôi Hoài Linh.

Hoài Linh cũng là nghệ sĩ có nhiều con nuôi trong showbiz.

Hoài Linh cũng là nghệ sĩ có nhiều con nuôi trong showbiz.

Mặc dù không thể phủ nhận, rất nhiều câu chuyện nhận con nuôi của các các nghệ sĩ Việt được coi là nghĩa cử cao đẹp, nhằm cứu giúp những đứa trẻ khó khăn, mồ côi. Càng không thể phủ nhận, về yếu tố nghề nghiệp, không ít nghệ sĩ nổi tiếng sẵn sàng dành hết cả danh tiếng, tâm tư, tình cảm, và cả tiền bạc để “bảo lãnh” cho sự nghiệp của con nuôi, dìu dắt con nuôi thành công trong xã hội.

Dù mục đích nhận nuôi của các “ngôi sao” là gì thì quan hệ cha mẹ - con nuôi vẫn luôn là một mối quan hệ phức tạp. Một mặt, cũng giống như các gia đình bình thường khác, quan hệ cha mẹ - con nuôi trong giới showbiz dĩ nhiên cũng phải xảy ra mâu thuẫn, tranh cãi trong cuộc sống thường nhật.

Mặt khác, những “biến tướng” đang hiện hữu trên thực tế cho thấy, mối quan hệ này cũng tồn tại rất nhiều bất cập. Việc nhận con nuôi không chỉ đơn thuần vì mục đích nuôi dường mà còn để “đánh bóng” tên tuổi, trục lợi… Thậm chí có không ít tin đồn liên quan tới các giao dịch đổi chác tình – tiền giữa cha mẹ nuôi và con nuôi trong làng giải trí Việt.