Người Việt nhận con nuôi - Nhìn từ góc độ pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Luật Nuôi con nuôi ra đời năm 2010 và có hiệu lực từ năm 2011, đến nay đã trải qua hơn 10 năm thi hành nhưng phải thừa nhận một thực tế là nhiều người dân hiện nay, kể cả người nổi tiếng, quan niệm về con nuôi rất đơn giản, rằng cứ tuyên bố nhận nuôi là xong mà không cần biết phải có sự ràng buộc pháp lý.
Phi Nhung nhận nuôi Hồ Văn Cường khi cậu đoạt giải cao nhất cuộc thi Thần tượng âm nhạc nhí 2016.
Phi Nhung nhận nuôi Hồ Văn Cường khi cậu đoạt giải cao nhất cuộc thi Thần tượng âm nhạc nhí 2016.

Giải quyết con nuôi còn chịu ảnh hưởng từ nếp cũ và thói quen

Một đánh giá của Bộ Tư pháp về thi hành Luật Nuôi con nuôi đã thẳng thắn chỉ rõ, nhận thức chung của xã hội và người dân về các quy định pháp luật nuôi con nuôi còn hạn chế và giải quyết nuôi con nuôi còn chịu ảnh hưởng từ nếp cũ và thói quen.

Theo đó, nhận thức về việc nuôi con nuôi còn hạn chế thể hiện ở chỗ việc nhận con nuôi đơn thuần là chăm sóc và nuôi dưỡng hoặc mục đích để có con, có cháu nối dõi trong gia đình, hoặc đơn thuần để hỗ trợ thêm việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trong gia đình họ hàng. Người nhận con nuôi và cha mẹ đẻ của trẻ chưa ý thức được đầy đủ hệ quả của việc nuôi con nuôi, đặc biệt là trong các trường hợp người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi có quan hệ họ hàng. Điều này dẫn đến hiện tượng chấm dứt việc nuôi con nuôi không thuộc các trường hợp căn cứ theo quy định của pháp luật.

Còn việc nhận con nuôi bị ảnh hưởng nhiều theo nếp cũ và thói quen là bởi nhiều trường hợp người dân tự ý đưa trẻ em về nuôi dưỡng mà không tiến hành thủ tục đăng ký khai sinh và đăng ký nuôi con nuôi hoặc đưa ngay tên người nhận con nuôi vào giấy chứng sinh để đăng ký khai sinh là cha mẹ đẻ của trẻ. Có trường hợp cho nhận con nuôi trực tiếp tại bệnh viện, sau đó mẹ đẻ của trẻ bỏ đi; có trường hợp mẹ đẻ tự ý viết giấy đồng ý/thoả thuận cho con đẻ làm con nuôi…

Người dân nhặt được trẻ em bị bỏ rơi và chăm sóc nuôi dưỡng trẻ như con nuôi mà không báo cho chính quyền địa phương dẫn đến việc hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi thiếu giấy tờ như biên bản trẻ bị bỏ rơi. Người dân chưa nhận thức được hành vi tự ý nhận trẻ em về chăm sóc nuôi dưỡng có hệ lụy như thế nào đối với trẻ em sau này: trẻ em không có đủ giấy tờ để đăng ký khai sinh, ảnh hưởng tới quyền lợi học hành, quyền lợi chăm sóc sức khoẻ y tế của trẻ; trẻ em không được đăng ký nuôi con nuôi dẫn đến việc đăng ký hộ khẩu của trẻ sẽ gặp khó khăn… hoặc trong trường hợp khi con nuôi trưởng thành, nếu không được đăng ký nuôi con nuôi, mọi tranh chấp về tài sản có liên quan đến con nuôi và cha mẹ nuôi sẽ không được bảo vệ…

Không đăng ký sẽ không phát sinh quan hệ cha mẹ và con nuôi

Từ góc độ quản lý nhà nước về công tác con nuôi, Phó Cục trưởng Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) Phạm Thị Kim Anh nêu rõkhái niệm “con nuôi” và “cha, mẹ nuôi”. Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 của Luật Nuôi con nuôi, con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký. Khoản 2 Điều 3 của Luật Nuôi con nuôi quy định cha, mẹ nuôi là người nhận con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký. Điều này cho thấy, để trẻ em muốn trở thành con nuôi của một người nào đó hoặc hai vợ chồng nào đó muốn trở thành cha mẹ nuôi của một trẻ em thì phải tiến hành thủ tục đăng ký nuôi con nuôi tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (là UBND cấp xã đối với trường hợp nuôi con nuôi trong nước). Nếu chưa tiến hành thủ tục đăng ký nuôi con nuôi thì việc nhận con nuôi đó chỉ là trường hợp nuôi con nuôi trên danh nghĩa, không làm phát sinh quan hệ cha mẹ và con.

Đề cập đến thủ tục giải quyết NCN đối với trường hợp trẻ em còn có cha mẹ đẻ, bà Kim Anh khẳng định, Luật Nuôi con nuôi đề cao nguyên tắc khi giải quyết việc nuôi con nuôi thì cần tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc (bao gồm bố mẹ, ông bà hoặc anh chị em…), không tách trẻ em ra khỏi cha mẹ đẻ một cách không cần thiết. Điểm b khoản 2 Điều 15 của Luật Nuôi con nuôi quy định rất rõ việc tìm gia đình thay thế cho trẻ em có cha, mẹ đẻ, người thân thích nhưng không có khả năng nuôi dưỡng thì người giám hộ, cha, mẹ đẻ, người thân thích có trách nhiệm báo cáo UBND cấp xã nơi trẻ em thường trú tìm gia đình thay thế cho trẻ em. “Ở đây phải hiểu là cha mẹ đẻ, người thân thích không có khả năng nuôi dưỡng trẻ em thì mới tìm gia đình thay thế cho trẻ em đó”, bà Kim Anh nói.

Đồng thời, theo bà Kim Anh, việc nuôi con nuôi còn phải có ý kiến đồng ý của cha mẹ đẻ, người giám hộ và trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên để bảo đảm ý chí tự nguyện. Khi tiến hành thủ tục lấy ý kiến đồng ý cho làm con nuôi, UBND cấp xã phải tư vấn đầy đủ về mục đích nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và con sau khi người đó được nhận làm con nuôi. Việc lấy ý kiến đồng ý phải do công chức tư pháp hộ tịch cấp xã thực hiện bằng văn bản.

Đặc biệt, bà Kim Anh nhấn mạnh đến hệ quả của việc nuôi con nuôi. Đây là vấn đề cốt lõi mà theo thông lệ quốc tế khi giải quyết việc nuôi con nuôi phải tư vấn và giải thích rõ ràng cho người nhận con nuôi, cha mẹ đẻ và trẻ em ở một độ tuổi chín chắn nhất định được nhận làm con nuôi.

Phó Cục trưởng Con nuôi khẳng định, việc nuôi con nuôi chỉ phát sinh hệ quả pháp lý sau khi đã tiến hành thủ tục đăng ký nuôi con nuôi tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều 24 của Luật Nuôi con nuôi quy định rõ kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Khoản 2 Điều 118 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt khi người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi. Như vậy, khi người con được cho làm con nuôi thì nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đẻ chấm dứt.

Về thừa kế, điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật. Điều 653 Bộ luật Dân sự cũng quy định con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này. Ngoài những hệ quả pháp lý nêu trên, con nuôi còn được thay đổi họ tên theo yêu cầu của cha mẹ nuôi.

Đáng chú ý, bà Kim Anh dẫn chứng gần đây có nhiều trường hợp nghệ sỹ nhận con nuôi hay “trào lưu” sugar daddy – sugar baby... thì cần phải phân biệt xem có thuộc trường hợp nuôi con nuôi đã được đăng ký như phân tích ở trên không? Nếu đó là những trường hợp nhận con nuôi đã được đăng ký thì mới xem xét đến quan hệ nuôi con nuôi; quyền và nghĩa vụ giữa cha, mẹ nuôi và con nuôi. Trong mọi trường hợp, khi giải quyết việc nuôi con nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải tuân thủ nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, tôn trọng trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc, yếu tố tự nguyện của cha mẹ đẻ và trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên được cho làm con nuôi.

“Nhân bàn về việc các nghệ sỹ nhận con nuôi, tôi thiết nghĩ đây cũng là thời điểm để các cơ quan có thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi xem xét, đánh giá xem liệu những trẻ em tài năng được các nghệ sỹ nhận làm con nuôi có thực sự vì lợi ích tốt nhất của trẻ em không hay chỉ là những hình thức “đỡ đầu”, bà Kim Anh đề xuất.

Phó Cục trưởng Cục Con nuôi Phạm Thị Kim Anh cho rằng, hiện tượng các trường hợp nghệ sỹ nhận con nuôi, “trào lưu” sugar daddy – sugar baby trong thời gian qua cũng chứng tỏ là quan niệm về con nuôi trong dân còn rất đơn giản. Việc tuyên bố nhận hoặc đăng ký nhận trẻ em làm con nuôi mà không biết đến các quy định pháp luật điều chỉnh việc NCN, quyền và nghĩa vụ phát sinh.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về NCN cho thấy người dân còn chưa hiểu rõ quy định pháp luật, trình tự thủ tục thực hiện; việc nhận con nuôi vẫn còn bị ảnh hưởng của phong tục, tập quán và nếp cũ hoặc chỉ nghĩ nhận con nuôi trên danh nghĩa là đủ. Họ vẫn nghĩ nhận con nuôi là nhân đạo nên sẽ không bị xử phạt và không có các hành vi bị cấm; nhận con nuôi rồi sau đó không nuôi được cũng không sao. Vì vậy, vẫn còn có trường hợp trả lại trẻ em được nhận làm con nuôi hoặc con nuôi vẫn ở lại nhà cha mẹ đẻ, không được cha mẹ nuôi chăm sóc, nuôi dưỡng; có trường hợp cha mẹ nuôi trả lại con nuôi vì lý do con nuôi không hòa nhập được với gia đình cha mẹ nuôi hoặc vì lý do gia đình có con trai rồi nên không cần đến người con nuôi đó nữa.

Trước thực trạng đó, bà Kim Anh nhận thấy nguyên nhân sâu xa là người nhận con nuôi và trẻ em được nhận làm con nuôi chưa được tư vấn, chuẩn bị thấu đáo cho việc nhận con nuôi, chưa được hỗ trợ trong việc nhận con nuôi, dẫn đến nhận thức và cách thức thực hiện của người dân là không đúng quy định pháp luật. Trong thời gian tới, qua việc đánh giá toàn diện thi hành Luật NCN sẽ giúp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhận diện rõ hơn những bất cập hạn chế trong thực tiễn thi hành, từ đó có những nghiên cứu đề xuất sửa đổi cho phù hợp.

Đọc thêm