Sao Việt văng tục trên mạng xã hội sẽ bị phạt?

(PLO) -  Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 mới đây đã đưa ra những quy định siết chặt hơn hoạt động của nghệ sĩ. Tuy nhiên người ta vẫn hoài nghi về chuyện nghị định bổ sung chỉ cho... vui là chính.
Nghị định mới có hạn chế bớt chiêu trò trong làng giải trí Việt?
Nghị định mới có hạn chế bớt chiêu trò trong làng giải trí Việt?

Luật thì siết…

Nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thời trang, các cuộc thi nhan sắc và việc lưu hành các bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 đã đưa ra thêm nhiều quy định mới cụ thể hơn. Trong đó, quy định được khá nhiều người quan tâm là về khía cạnh hành xử, đạo đức của nghệ sĩ và thí sinh các cuộc thi sắc đẹp.

Theo đó, đối với người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thí sinh thi người đẹp, người mẫu, ngoài những quy định bắt buộc còn phải có trách nhiệm giữ gìn đạo đức, hình ảnh và danh hiệu của người đoạt giải phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam và đúng quy định của pháp luật. So với Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012, chỉ đơn giản cấm thực hiện hành vi thiếu văn hóa hoặc hành vi làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại thì Nghị định bổ sung đã thêm vào những quy định khắt khe hơn nhằm siết các đối tượng nói trên vào khuôn khổ.

Tuy nhiên, luật có đi vào thực tế hay không lại là chuyện cần… chờ thời gian. Một ví dụ khá đơn giản, đó là quản lý hoạt động người mẫu. Hiện nay vẫn chưa chính thức cấp phép cho người mẫu hành nghề, vì vậy, ngay cả việc quản lý hoạt động này đã đầy rẫy khó khăn, nói gì đến việc quản lý hành vi, ứng xử của người mẫu.

Có không ít thiếu nữ mạo danh người mẫu để biểu diễn “chui”, hoặc cá biệt có trường hợp bán dâm. Tuy nhiên, trước mắt, xác định đâu là người hoạt động người mẫu đích thực, đâu là mạo danh, mượn nghề này làm chuyện khác đã là rất khó với số lượng người mẫu khổng lồ khắp cả nước, nói chi đến chuyện chấn chỉnh hành xử của họ. 

Một ví dụ khác, trường hợp người mẫu Trang Trần, cô vốn nổi tiếng là “sao” có tính cách bộc trực, quá khích. Ngoài hành vi phản ứng người thi hành công vụ đã từng phải nhận án tù treo, chuyện người mẫu này văng tục trên facebook cá nhân của mình là chuyện thường xuyên như cơm bữa. Không những thế, cô còn có một lượng fan hâm mộ lớn tung hô, bắt chước theo hành xử của cô. Vậy liệu có điều chỉnh được những hành vi thiếu văn hóa trên facebook cá nhân hay mạng xã hội? 

Nhưng xử lý có nới tay?

Tại nhiều nước, việc quản lý hoạt động “hậu hoa hậu” khá chặt chẽ. Hoa hậu sau khi đăng quang, nếu có bất cứ scandal nào nổ ra ảnh hưởng đến đạo đức, dù đã đăng quang bao lâu, hoa hậu vẫn có thể bị tước danh hiệu.

Tuy nhiên ở nước ta, mặc dù không ít tai tiếng nổ ra quanh các cuộc thi hoa hậu như thi chui, ngoại tình, khai gian hôn nhân..., cho đến nay vẫn chưa có hoa hậu nào thực sự bị tước danh hiệu hoặc bị xử phạt. Đó là lý do khiến nhiều người cho rằng, cho dù quy định mới có “khép” chặt hơn chuẩn mực hành vi của các hoa hậu, người đẹp, nhưng việc xử lý vẫn “nới tay” như từ trước đến nay.

Showbiz Việt là một môi trường có quá nhiều “hạt sạn”. Liên tục những vụ tố nhau, những chuyện ngoại tình, phá vỡ hạnh phúc gia đình, các chiêu trò phản cảm nhằm tự lăng xê hay hình khoe thân lố lăng…

Sự việc thì nhan nhản, nhưng trường hợp bị xử phạt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thậm chí, ngay cả xử phạt cũng không thể răn đe được bởi vì “chẳng thấm vào đâu”. Một nữ ca sĩ có tiếng, sau khi bị xử phạt vì mặc trang phục “thiếu vải” và làm trò lố trên sân khấu đã tuyên bố: “Phạt vài ba triệu thì có thấm thía gì, chỉ cần khán giả thấy vui là được” (!).

Với nhiều “sao” trẻ mới bước chân vào nghề và bất chấp để nổi tiếng thì nhận án phạt đôi khi cũng nằm trong “kế hoạch lăng xê” của họ. Theo nhiều nghệ sĩ, chỉ có mạnh tay cấm biểu diễn dài hạn thì mới mong hạn chế được những hành vi phản cảm nói trên, bởi sự sợ hãi lớn nhất của nhiều nghệ sĩ là không được đi diễn, bị công chúng “lãng quên”, vì khán giả dễ “sốt” cũng rất dễ quên.

Tóm lại, Nghị định ra đời là một tín hiệu vui cho việc siết chặt quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật, các cuộc thi nhan sắc. Tuy nhiên, để quy định có hiệu quả trong thực tế cần có nhiều biện pháp quyết liệt và mạnh tay hơn nữa. Còn nếu không, có lẽ Nghị định bổ sung ra đời cũng chỉ để… bổ sung cho có mà thôi.