Thách thức rất lớn
Thống nhất dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, tuy nhiên đại diện nhiều địa phương cũng phản ánh nhiều vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai các Nghị quyết của Trung ương về công tác sắp xếp, bố trí nhân sự sau khi đơn vị hành chính mới ra đời, đặc biệt là tiến độ thực hiện.
Theo dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, chậm nhất trong tháng 5/ 2019, UBND cấp tỉnh phải gửi phương án tổng thể định hướng sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trực thuộc của địa phương trong giai đoạn 2019 - 2021 đến Bộ Nội vụ để tổng hợp, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền. Chậm nhất trong quý I năm 2020, hoàn thành việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định còn lại của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do chưa thực hiện sắp xếp trong năm 2019.
Các ý kiến tại hội nghị cho rằng đây là thách thức rất lớn, vì bây giờ đã cuối tháng 3, chỉ còn tháng 4 để xây dựng kế hoạch và UBND tỉnh thông qua, sau đó mới báo cáo. Như vậy phải hết sức quyết liệt trong thực hiện thì mới bảo đảm được thời gian và tiến độ. Hiện nay, hầu hết các địa phương đã khảo sát xong bước đầu, nếu không hoàn thiện trong 2019 thì sẽ ảnh hưởng đến quy trình cán bộ để phục vụ cho đại hội các cấp.
“Theo kế hoạch thì trong Quý I năm nay chúng ta phải chỉ đạo điểm đại hội các xã, phường, thị trấn. Từ tháng 4 đến tháng 6 là đại hội 100% các xã, phường, thị trấn; từ tháng 6 trở ra là tiến hành đại hội cấp huyện; và cấp tỉnh, TP chậm nhất là 30/10/2020. Do vậy trong quá trình triển khai, chúng tôi đề nghị trên cơ sở rà soát lại tất cả tình hình đặc điểm của từng địa phương; huyện, xã nào cần sáp nhập thì chúng ta mới làm theo lộ trình từng bước chứ không làm đồng bộ”- bà Ngô Thanh Hằng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Cho rằng việc sắp xếp tách ra thì dễ nhưng sáp nhập vào rất khó, đòi hỏi phải thống nhất cao trong nhận thức và hành động triển khai thực hiện, bà Ngô Thị Thanh Hằng cũng đề nghị Bộ Nội vụ có hướng dẫn để có cơ chế đặc thù cho cán bộ dôi dư sau hợp nhất, bảo đảm giữ ổn định về tư tưởng, đội ngũ cán bộ yên tâm công tác. Nếu không làm tốt việc này rất dễ tạo sự mất ổn định và khó khăn trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị.
Quang cảnh hội nghị. |
Cùng chung nhận định: nếu kéo dài tiến độ đại hội cấp xã thì sẽ phải rời tiến độ đại hội cấp huyện và từ đó cũng ảnh hưởng đến tiến độ đại hội cấp tỉnh. Bởi vậy các đại biểu đề nghị nên nghiên cứu triển triển khai việc sáp nhập một lần trong năm 2019 mà không kéo dài sang 2020. “Theo quan điểm của Chính phủ, chúng ta không tiến hành sáp nhập bằng mọi giá mà nên cân nhắc xây dựng phương án để đảm bảo tính khả thi và nên triển khai trong 2019 để có thời gian chuẩn bị cho đại hội các cấp”- ông Ngô Đông Hải, Phó Bí thư thường trực tỉnh Thái Bình kiến nghị.
Sáp nhập xã miền núi với miền xuôi - áp dụng tiêu chí nào?
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Cái nào dễ thì làm trước, khó làm sau!
Khi sắp xếp ĐVHC, chúng ta có quy định về trường hợp các xã đặc biệt sẽ không sắp xếp và sáp nhập tối đa 3 ĐVHC cấp xã. Nếu 3 đơn vị gộp lại mà không đạt thì chúng ta dừng lại, và chúng ta cũng chỉ sắp xếp một lần, không sắp xếp lần thứ hai. Hoặc đối với những xã không thể ghép với ai nữa thì cũng chỉ 1 ĐVHC, mặc dù dưới 50% hai tiêu chí thì chúng ta cũng vẫn giữ nguyên....
Như vậy không phải 631 ĐVHC cấp xã đợt này chúng ta sắp xếp lại hết, mà phải rà lại tất cả các tiêu chí. Trong cách làm thì cái nào dễ làm trước, khó làm sau chứ không phải chờ làm đồng loạt cùng một lúc, làm từng bước để rút kinh nghiệm. Khi thực hiện chính sách cán bộ cũng vậy.
Ngoài băn khoăn trên, các ý kiến cũng đề cập đến những vướng mắc trong tiêu chí đánh giá ĐVHC sau khi sáp nhập. Lấy dẫn chứng từ địa phương, ông Trần Quốc Huy, Phó trưởng Ban Tổ chức tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, trong đợt sắp xếp này, Thanh Hóa sáp nhập 66 ĐVHC cấp xã. “Tại thời điểm rà soát hiện trạng để đưa ra lộ trình cụ thể thì 66 đơn vị này chưa đủ 50% cả hai tiêu chí về quy mô dân số và diện tích tự nhiên. Tuy nhiên đến thời điểm này thì dân số tự nhiên đã tăng lên quá 50%, thì giải quyết như thế nào, có tiếp tục làm hay không?”- ông Huy đặt vấn đề.
Vấn đề thứ hai mà Phó trưởng Ban Tổ chức tỉnh ủy Thanh Hóa nêu ra khi triển khai kế hoạch là một xã miền núi sáp nhập với một xã miền xuôi để hình thành một ĐVHC mới thì tiêu chí sau sáp nhập sẽ lấy của xã miền núi hay miền xuôi? Cùng với đó là chế độ chính sách đối với cán bộ công tác tại đây. Bởi theo giải thích của ông Huy, chúng ta có nhiều chính sách, chế độ dành cho xã miền núi, xã nghèo..., vậy sau khi sáp nhập thì chế độ dành cho cán bộ là công dân xã miền núi giải quyết ra sao?
Trong khi đó, đại diện Sở Nội vụ Nghệ An lại băn khoăn về việc lựa chọn cán bộ đứng đầu sau khi sáp nhập ĐVHC trong giai đoạn chưa tổ chức đại hội. “Ai sẽ làm Chủ tịch, mà Chủ tịch phải bầu theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, trong khi đó Hội đồng nhân dân chưa thể hợp nhất với nhau? Hoặc Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc hay Bí thư đoàn Thanh niên, Chủ tịch phụ nữ cũng có quy định bầu theo đại hội, vậy bây giờ lựa chọn ai trong giai đoạn chưa tổ chức đại hội, chưa họp Hội đồng nhân dân, hay là chỉ định, lấy phiếu tín nhiệm?”- vị đại biểu này lo lắng, đồng thời kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể để khi sáp nhập các ĐVHC có thể tiến hành được luôn.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến từ các địa phương. Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tân đề nghị cần tăng cường công tác tuyên truyền để tạo sự ủng hộ của nhân dân và sự đồng thuận của cán bộ, công chức.
Ông cũng đề nghị Ban Tổ chức Trung ương xem xét và trình Bộ Chính trị có hướng dẫn sắp xếp bộ máy trong hệ thống chính trị (Đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị) ở cấp huyện, xã để đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ trong việc tổ chức, tiến tới đại hội Đảng các cấp trong thời gian tới.
Đối với các xã đặc thù, địa phương cần cân nhắc cẩn thận về các yếu tố lịch sử, văn hóa, tôn giáo, dân tộc…, để đảm bảo ổn định cho phát triển. Trong quá trình sắp xếp cần chú ý việc chuyển đổi giấy tờ cho công dân và ổn định đời sống của người dân, với những loại giấy tờ còn hạn sử dụng thì người dân vẫn sử dụng bình thường, không phải đổi lại.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân giao Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu, sớm hoàn thiện dự thảo kế hoạch trình Chính phủ ban hành đầu tháng 4/2019 “Cố gắng đến cuối tháng 3 này, Bộ Nội vụ sẽ trình Kế hoạch thực hiện lên Chính phủ để có thể sớm triển khai thực hiện”- ông Tân cho hay.
Các mục tiêu cụ thể được đề ra là từ nay đến năm 2021, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Khuyến khích các địa phương thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định, bảo đảm các yếu tố thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị và được đa số nhân dân đồng thuận.