“Tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ làm việc sau sáp nhập”. Đó là chia sẻ của ông Trần Phong - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình trả lời phỏng vấn Báo Pháp luật Việt Nam về chủ trương sáp nhập hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị cũng như Đề án sắp xếp đơn vị hành chính của địa phương này.
Quảng Bình có dự kiến, kế hoạch như thế nào để triển khai những nội dung liên quan đến địa phương tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa ban hành?
- Ngày 11/4/2025, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp tỉnh Quảng Bình.
Theo đó, đối với việc xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, UBND tỉnh giao Sở Nội vụ căn cứ các định hướng, quy định, hướng dẫn của Trung ương, tham mưu UBND tỉnh phối hợp với UBND tỉnh cùng sáp nhập trong quá trình xây dựng Đề án sắp xếp bảo đảm tiến độ, chất lượng và đạt hiệu quả cao nhất. Dự kiến, Quảng Bình sẽ hoàn thành việc trình Chính phủ Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã trước ngày 1/5/2025.
Dư luận người dân về chủ trương sáp nhập như thế nào, thưa ông?
- Ngày 12/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trung ương thống nhất chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh cả nước còn 34 đơn vị, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, hợp nhất Quảng Bình và Quảng Trị, lấy tên là tỉnh Quảng Trị, trung tâm hành chính đặt tại tỉnh Quảng Bình hiện nay.
Chủ trương sáp nhập tỉnh là cuộc cải cách rất lớn, mang tính lịch sử của đất nước. Việc sáp nhập giúp tinh gọn bộ máy quản lý, tiết kiệm ngân sách và cải thiện hiệu quả cung cấp dịch vụ hành chính công. Tuy nhiên, việc mất đi một số tên gọi quen thuộc cũng không tránh khỏi một số người dân có tâm tư.
|
Việc sáp nhập Quảng Bình và Quảng Trị sẽ tạo ra dư địa lớn cho phát triển. Ảnh: Một góc TP Đồng Hới - Quảng Bình. (Ảnh: BQB) |
Trước thực tế trên, UBND tỉnh đã có những giải pháp gì để Nhân dân đồng thuận cao?
- UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung tuyên truyền sâu rộng trong cả hệ thống chính trị và Nhân dân về chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Tất cả hướng đến tạo ra đồng thuận, thống nhất cao trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân về thực hiện sắp xếp ĐVHC và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo kế hoạch, việc lấy ý kiến Nhân dân về Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh và Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã sẽ được triển khai vào ngày 19/4 sắp tới. Tôi nghĩ rằng, hầu hết người dân đều đồng thuận vì lợi ích lâu dài vẫn quan trọng hơn cảm xúc cá nhân. Khi sự sáp nhập mang lại hiệu quả quản lý tốt hơn, người dân sẽ hết tâm tư và dần quen với những thay đổi này.
Theo dự kiến của Trung ương, Quảng Bình và Quảng Trị sẽ hợp nhất. Điều này sẽ mang lại những thuận lợi gì, thưa ông?
- Quảng Bình - Quảng Trị là hai tỉnh có đặc điểm tự nhiên tương đồng, là vùng giao thoa giữa hai miền Bắc - Nam, từng gắn bó, chia sẻ và phát triển chung trong nhiều thời kỳ lịch sử. Vì thế, việc sáp nhập hai tỉnh sẽ tạo ra dư địa rất lớn, bổ sung và phát huy thế mạnh của nhau để có thể phát triển đi lên mạnh mẽ, tạo nên một thể thống nhất với rất nhiều lợi thế tương đồng, từ nông nghiệp đến công nghiệp, du lịch. Do đó, tỉnh Quảng Bình thống nhất cao với chủ trương này.
Việc đặt trung tâm hành chính tại Quảng Bình hiện nay là thuận lợi rất lớn cho đội ngũ cán bộ, công chức và người dân tỉnh Quảng Bình, đồng thời trước mắt có thể gây ra khó khăn cho việc đi lại, ăn ở, làm việc của cán bộ Quảng Trị. Thấu hiểu và sẻ chia trong vấn đề này, chúng tôi đã có những chỉ đạo cụ thể, sâu sát để chuẩn bị một cách chu đáo cho cán bộ ra công tác tại trung tâm chính trị - hành chính mới của Quảng Bình sau sáp nhập.
Cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Để chuẩn bị cho việc nhập tỉnh, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch tiếp nhận, bố trí điều kiện ăn ở cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan đơn vị từ Quảng Trị ra làm việc sau sáp nhập. Trong đó, Sở Tài chính được giao nhiệm vụ triển khai rà soát, khảo sát các trụ sở không sử dụng, hoặc các trung tâm, cơ sở trường học sử dụng chưa hết công suất để chuyển mục đích sử dụng thành các nhà công vụ phục vụ cho cán bộ, công chức, viên chức.
Chúng tôi sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ ra Quảng Bình làm việc, từ “nơi ăn, chốn ở” tới những vấn đề liên quan khác. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức, hết lòng với mong muốn tạo sự ổn định tốt nhất để cán bộ yên tâm công tác, cống hiến.
Đối với cán bộ xin nghỉ hưu sớm, Sở Nội vụ đã được giao chủ trì để tham mưu UBND tỉnh các chế độ, chính sách theo đúng quy định của pháp luật.
Trân trọng cảm ơn ông!
TS Mai Thị Mai, Phó Trưởng Bộ môn Luật Hiến pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội: Phải thiết kế lại hệ thống các quy định của pháp luật về phân quyền, phân cấp
|
TS Mai Thị Mai |
Trong quá trình tổ chức lại bộ máy hành chính theo mô hình 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã), tôi cho rằng vấn đề quan trọng đầu tiên cần được giải quyết là phân định rõ thẩm quyền giữa các cấp để tránh chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ. Trước đây, mô hình ba cấp giúp phân tách chức năng tương đối rõ ràng: cấp tỉnh chủ yếu hoạch định và triển khai chính sách của Trung ương, cấp huyện làm trung gian tổ chức thực hiện, còn cấp xã là nơi trực tiếp thi hành.
Nay khi bỏ cấp huyện, cấp tỉnh không chỉ đảm đương vai trò hoạch định mà còn phải thiết kế cơ chế thực thi cụ thể cho cấp xã. Đồng thời, cấp xã - với quy mô rộng lớn hơn - không thể tiếp tục “bị động” như trước, mà phải chủ động hơn trong quản lý, thực thi. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải thiết kế lại hệ thống các quy định của pháp luật về phân quyền, phân cấp theo hướng rõ ràng, minh bạch, đồng thời bảo đảm sự thống nhất, nhịp nhàng giữa 2 cấp. Việc trao thêm thẩm quyền cho cấp xã cần đi kèm với phân bổ tương xứng về nguồn lực - cả tài chính lẫn con người - để tránh tình trạng “trao quyền mà không trao lực”.
Vấn đề thứ hai là nhân sự. Không thể phủ nhận rằng chất lượng đội ngũ công chức cấp xã hiện nay còn những hạn chế, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, khi xã trở thành ĐVHC cấp cơ sở duy nhất, đồng thời đảm đương thêm nhiều nhiệm vụ vốn do cấp huyện thực hiện trước đây, thì áp lực về năng lực và trách nhiệm sẽ rất lớn. Điều đó đòi hỏi phải nâng cao cả số lượng lẫn chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã - theo hướng chuyên nghiệp, đủ sức đảm đương khối lượng công việc mới.
Thứ ba là vấn đề về cơ sở vật chất và cách thức tổ chức. Khi gộp các ĐVHC - như 2, 3 phường thành 1 phường, hay 2, 3 xã thành 1 xã - quy mô địa lý và dân cư của mỗi xã/phường sẽ lớn hơn rất nhiều. Điều này đặt ra yêu cầu phải tổ chức lại bộ máy hành chính sao cho thực sự bảo đảm gần dân, thuận tiện cho người dân trong tiếp cận dịch vụ công.
Ở những khu vực có điều kiện giao thông, công nghệ thông tin thuận lợi, có thể tận dụng giải pháp chuyển đổi số, dịch vụ hành chính trực tuyến. Nhưng với những nơi hạ tầng còn yếu kém, cần tính đến phương án thiết lập các “điểm đại diện” - giống như mô hình “điểm trường” trong giáo dục - để bảo đảm người dân không bị thiệt thòi vì khoảng cách địa lý quá xa.
Cuối cùng là lộ trình thực hiện. Lộ trình chuyển đổi từ 3 cấp sang 2 cấp được thiết kế kỹ lưỡng, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Có địa phương thuận lợi hơn, có nơi khó khăn hơn, nhưng tất cả đều phải thống nhất thực hiện theo kế hoạch tổng thể, nhất quán để bảo đảm sự ổn định trong quá trình chuyển đổi.
Luật sư Bùi Bảo Ngọc - Công ty TNHH AKARI LAW Việt Nam: Sửa đổi Hiến pháp để đáp ứng yêu cầu sắp xếp đơn vị hành chính
|
Luật sư Bùi Bảo Ngọc |
Hiến pháp 2013 gồm Lời nói đầu, 11 chương, 120 điều được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 28/11/2013. Tính đến thời điểm hiện tại Hiến pháp được ban hành 12 năm có những giá trị vẫn còn nguyên vẹn. Bản Hiến pháp này mang nhiều thành tựu, là nỗ lực của các nhà lập pháp, các chuyên gia cùng với sự đóng góp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, Nhân dân, mang tính trí tuệ Việt Nam. Bản Hiến pháp có cách tiếp cận rất khác mang tính tiến bộ so với một số bản Hiến pháp trước đây. Tuy nhiên, để đáp ứng trước yêu cầu cấp thiết tinh gọn bộ máy hiện nay, cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp.
Theo quan điểm của tôi, để đáp ứng tiêu chí sửa đổi một phần Hiến pháp, trọng tâm là sắp xếp bộ máy hành chính 2 cấp tại địa phương mà vẫn đạt được năng suất hiệu quả, nhanh chóng, tiết kiệm ngân sách nhà nước, phù hợp với yêu cầu, kết luận đề ra thì chúng tôi cho rằng thực hiện theo nguyên tắc “tối thiểu nhưng hiệu quả” mang tính thực tiễn, phù hợp nhất trong giai đoạn cấp bách hiện nay.
Cụ thể, tập trung chủ yếu vào Chương IX Chính quyền địa phương. Trong đó, khoản 1 Điều 110 Hiến pháp năm 2013 có thể sửa đổi theo hướng: “1. Các ĐVHC của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau:
Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chia thành xã, phường và ĐVHC tương đương;
ĐVHC - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.
2. Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định”.
S.Thu - C.Dương (ghi)