Diễn đàn là cơ hội để các chủ đầu tư hạ tầng KCN tiếp cận các mô hình phát triển KCN xanh, KCN sinh thái, KCN thông minh, các giải pháp về phát thải carbon đến từ các nước trên thế giới như Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản. Diễn đàn cũng là cơ hội kết nối hệ sinh thái công nghiệp và xúc tiến đầu tư vào các KCN Việt Nam.
Chia sẻ trước thềm sự kiện, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông cho biết, sau 27 năm xây dựng và phát triển, Vĩnh Phúc luôn kiên định chủ trương lấy công nghiệp làm mũi nhọn đột phá, là động lực cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước và cho sự phát triển chung của tỉnh; trong đó việc phát triển các KCN là một trong những giải pháp quan trọng để hiện thực hóa chủ trương trên…
Từ chỗ sản xuất công nghiệp còn thô sơ, không có KCN, với nhiều nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, địa phương, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 29 KCN được quy hoạch, trong đó có 17 KCN được thành lập với tổng diện tích là 3.146 ha.
Đến nay, trong các KCN trên địa bàn tỉnh có 493 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 376 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 6,74 tỷ USD thuộc 20 Quốc gia, vùng Lãnh thổ đầu tư, giải quyết việc làm cho trên 140 nghìn lao động và góp phần rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
|
Tính đến hết quý III/2024, vốn FDI đổ vào Vĩnh Phúc đã đạt 507,94 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ và vượt mục tiêu kế hoạch năm 2024 hơn 100 triệu USD (mục tiêu năm 2024 là 400 triệu USD). Bên cạnh vốn nước ngoài, vốn đầu tư tư nhân (DDI) đưa vào Vĩnh Phúc tăng khá, trong đó có 13 dự án mới cấp phép với tổng vốn đầu tư 3.173,4 tỷ đồng và 07 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng là 4.640,2 tỷ đồng. Trong đó có những dự án đầu tư lớn, đến từ các nhà đầu tư (NĐT) có kinh nghiệm và uy tín trên thị trường.
Thực hiện Nghị quyết 81/2023/QH15 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; Quyết định 368/QĐ-TTg năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng và Quyết định 158/QĐ-TTg ngày 06/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục được xác định là một trong những tỉnh xây dựng vành đai công nghiệp Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc - Phú Thọ, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng của cả vùng; trung tâm công nghiệp vùng Thủ đô Hà Nội…
Theo phương án phát triển hệ thống KCN, đến năm 2030 Vĩnh Phúc có 28 KCN với diện tích là 4.815 ha; đến năm 2050 có 29 KCN với diện tích là 5.489,68 ha và các KCN có tiềm năng, dự kiến thành lập mới trong trường hợp được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật với diện tích là 10.000 ha. Trong đó ưu tiên phát triển các KCN mới dọc theo các trục đường giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường vành đai 4, vành đai 5.
Theo Chủ tịch Trần Duy Đông, định hướng thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc là các dự án phát triển công nghiệp, ưu tiên thu hút các dự án vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, cơ khí chế tạo, thiết bị điện, điện tử, chất bán dẫn, ô tô, xe máy...
"Để thu hút đầu tư, Vĩnh Phúc tiếp tục hoàn thiện thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, trao thẩm quyền cho Ban quản lý KCN giải quyết các thủ tục hành chính theo mô hình một cửa tại chỗ. Định hướng chung của Vĩnh Phúc là hỗ trợ các dự án đầu tư vào các KCN và sẽ cung cấp các dịch vụ tiện nghi tiện ích như dịch vụ viễn thông, cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, hoàn thiện kết cấu hạ tầng… “ - Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ.
|
Diễn đàn sẽ diễn ra trong 2 ngày 08-09/12, với sự tham dự của đại biểu các cơ quan Trung ương như: Ban Kinh tế Trung ương, Bộ KH&ĐT, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài Nguyên môi trường…; Đại diện một số tỉnh, thành phố…
Đặc biệt, Diễn đàn cũng thu hút 40 đại biểu quốc tế, trong đó có Đại sứ một số nước tại Việt Nam và các tham tán thương mại: Nhật Bản, Hàn Quốc; Australia và đại diện các tổ chức, hiệp hội quốc tế như: WB, ADB, AFD, JICA, JETRO, JBIC, KOIKA, KOTRA, AMCHAM, EUROCHAM, KORCHAM, JBAV, các hiệp hội quốc tế khác...
Khoảng 200 DN, NĐT trong và ngoài nước đã xác nhận tham dự Diễn đàn. Đó là các DN kinh doanh hạ tầng KCN, Cụm công nghiệp, Nhà xưởng cho thuê; Các DN kinh doanh về xây dựng hạ tầng nhà xưởng, logistics, cung cấp giải pháp phát triển hạ tầng KCN; Các DN cung cấp các dịch vụ chuyển đổi năng lượng, xử lý nước thải, rác thải, dịch vụ KCN thông minh, các định chế và các tổ chức tài chính….
"Các KCN phát triển theo hướng bền vững, đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các NĐT FDI với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
Bên cạnh những đóng góp tích cực, việc phát triển các KCN trong thời gian qua cũng bộc lộ những hạn chế cần sớm khắc phục để phát triển bền vững và giữ được lợi thế cạnh tranh.
Hạn chế rõ nhất đó đến nay vẫn còn rất ít KCN sinh thái. Đồng thời việc gia tăng các hoạt động sản xuất công nghiệp và hệ thống các KCN tại Việt Nam tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sinh thái. Cộng sinh công nghiệp giữa các DN trong KCN hoặc giữa các KCN còn hạn chế. Các dịch vụ trong một số KCN chưa được cung cấp đầy đủ hoặc chất lượng chưa cao.
Việc phát triển KCN, KKT theo chiều rộng gặp khó khăn do nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên đã tới hạn, trong khi năng suất lao động, hiệu quả khai thác tài nguyên chưa cao; chưa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội; các ưu đãi về thuế, đất đai đang có xu hướng giảm dần; liên kết và hợp tác sản xuất công nghiệp trong KCN, KKT của Việt còn hạn chế.
Việc thúc đẩy phát triển KCN theo hướng sinh thái sẽ huy động nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững
TS Phan Hữu Thắng, Chủ tịch VIPFA