Hội nghị nhằm đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
Lãnh đạo UBND các địa phương cho biết sau khi triển khai các quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp, nhiều công ty đã xây dựng phương án kinh doanh, hợp tác kinh doanh đạt những kết quả khả quan, tinh gọn được bộ máy.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc cần xử lý. Tới nay, mới cổ phần hoá được 10/102 công ty (chiếm 19,6%), chuyển được 12/38 công ty sang công ty TNHH hai thành viên (31,28%), mới phê duyệt giải thể 11 công ty (39%)…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu năm 2018, các địa phương còn triển khai chậm phải hoàn thành sắp xếp, đi vào tổ chức hoạt động theo mô hình mới chứ không phải là hoàn thành phê duyệt theo yêu cầu của Trung ương và Chính phủ. Đồng thời, các địa phương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khẩn trương lên phương án điều chỉnh phương án tổng thể và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt ngay trong quý IV/2017 để triển khai toàn diện và hoàn thành trong năm 2018.
Nhấn mạnh ý nghĩa của sắp xếp, đổi mới các công ty nông lâm nghiệp có tác động lớn tới tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới hoạt động doanh nghiệp nhà nước và cuộc sống của hàng triệu người dân, Phó Thủ tướng nêu rõ: “Năm 2018 phải là năm cao điểm hoàn thành sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty này theo Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị. Năm 2019, Chính phủ sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn diện hoạt động của các công ty để biết ai làm tốt, vướng mắc gì, trách nhiệm ở đâu để báo cáo Quốc hội”.
Chỉ ra các nguyên nhân chậm thực hiện sắp xếp, ngoài các lý do khách quan như thực hiện chính sách khoán đất, giao đất, tranh chấp, lấn chiếm, tồn đọng tài chính kéo dài qua nhiều thời kỳ lịch sử, nhưng Phó Thủ tướng chỉ rõ nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
“Nơi nào tập trung làm thì hiệu quả cao như Tập đoàn Cao su, Tổng công ty Lâm nghiệp và nhiều địa phương khác. Một số nơi chưa quyết liệt, chưa quan tâm đúng mức, nhất là phối hợp thực hiện. Nhiều đơn vị ngại không muốn làm vì sợ phơi ra các tồn đọng, ngại phải đi xử lý tồn đọng”, Phó Thủ tướng nói.
Để triển khai hiệu quả, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành bám sát nhiệm vụ, tháo gỡ từng vướng mắc cho doanh nghiệp, địa phương theo các chuyên đề: Cổ phần hoá, đo đạc, chuyển mô hình thành công ty 2 thành viên, xác định giá trị doanh nghiệp, phê duyệt phương án sử dụng đất, lập bản đồ địa chính, việc ký các hợp đồng cho thuê đất, xử lý tình trạng lấn chiếm, liên doanh, liên kết sản xuất không đúng quy định… Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật hệ thống quản lý rừng, đất đai.
Bộ Tài chính hướng dẫn địa phương thực hiện kêu gọi tư nhân góp vốn thành lập công ty TNHH nông, lâm nghiệp 2 thành viên trở lên bảo đảm không thất thoát vốn, hoạt động hiệu quả, bền vững./.