Sắp xếp, đổi mới hoạt động các công ty nông lâm nghiệp: Không nhất thiết phải dàn hàng ngang

(PLVN) - Công tác sắp xếp, đổi mới các công ty nông lâm nghiệp (NLN) được phấn đấu hoàn thành vào năm 2020. Nhưng hiện nay, vẫn còn rất nhiều vướng mắc trong công tác này thì thời hạn trên liệu có khả thi?
Việc hoàn thành sắp xếp, đổi mới các công ty NLN được phấn đấu hoàn thành vào năm 2020 (Ảnh minh họa)
Việc hoàn thành sắp xếp, đổi mới các công ty NLN được phấn đấu hoàn thành vào năm 2020 (Ảnh minh họa)

160 công ty nông lâm nghiệp đã chuyển đổi mô hình mới

Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Hà Công Tuấn cho biết, tính đến 30/6/2019, các công ty đã hoàn thành sắp xếp chuyển sang hoạt động theo quy định pháp luật theo mô hình mới là 160 công ty, đạt 62,5%, bao gồm: mô hình Công ty TNHH một thành viên (MTV) 100% vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh (SXKD) 19 công ty, đạt 90,48%; mô hình Công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích 59 công ty, đạt 98,33%; Công ty cổ phần (CTCP) 49 công ty, đạt 48,04%; công ty TNHH hai thành viên (HTV) 15 công ty, đạt 38,46%; chuyển thành Ban quản lý rừng 05 công ty, đạt 100%; giải thể 13 công ty, đạt 46,43%.

Nhiều địa phương triển khai thực hiện đạt kết quả tốt, như: Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam...

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNN, những công ty nông, lâm nghiệp sau khi sắp xếp lại, bước đầu SXKD đã dần ổn định hơn, bảo vệ được tài nguyên, đất đai, nhất là rừng tự nhiên. Ở mô hình cổ phần hóa, nhiều công ty đều có chuyển biến tích cực về phương thức tổ chức quản lý và quản trị DN; chủ động hơn trong SXKD, minh bạch về tài chính, đất đai; tăng khả năng thu hút vốn đầu tư, các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận đều tăng và hiệu quả SXKD cao hơn trước khi chuyển đổi.

Các chuyên gia kinh tế nông nghiệp cho rằng, sau khi sắp xếp, vấn đề lớn nhất và nổi cộm nhất mà nhiều năm qua chưa giải quyết được thì nay đã cải thiện tốt, đó là tài chính. Nhiều công ty làm ăn có lãi, không lệ thuộc vào bao cấp và “chỉ tiêu”. 

Bộ NN&PTNN cho biết, trong năm 2019 dự kiến hoàn thành sắp xếp, chuyển đổi 69 công ty NLN, bằng 29,95% tổng số công ty phải sắp xếp theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, gồm: 12 công ty chuyển sang mô hình công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ SXKD; 38 công ty chuyển sang CTCP; 8 công ty chuyển đổi thành công ty TNHH HTV trở lên; giải thể 13 công ty.

Còn nhiều vướng mắc

Tại diễn đàn mới đây, Bộ NN&PTNN đánh giá, việc sắp xếp, đổi mới các công ty NLN vẫn còn chậm. 

Nguyên nhân bởi công ty NLN hoạt động trên địa bàn rộng, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, biên giới; cơ sở hạ tầng thấp kém; đối tượng sản xuất là cây trồng, vật nuôi và sản xuất phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Đa số các công ty NLN có vốn điều lệ thấp. Hơn nữa, các vấn đề liên quan đến việc quản lý đất đai, rừng rất phức tạp, khó khăn, đã kéo dài qua nhiều thời kỳ qua nhiều giai đoạn quy định pháp luật khác nhau, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều cơ quan, đơn vị.

Ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, các công ty NLN khi đổi mới, sắp xếp cần chú ý vấn đề nợ thuế và xử lý khoanh nợ. Nhiều nơi sau nhiều năm làm ăn thua lỗ, nay đổi mới thì cần phải giải quyết tốt vấn đề này để tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, việc xây dựng tiêu chí lựa chọn thành viên thứ hai để xây dựng đề án Công ty TNHH HTV trở lên chưa có hướng dẫn thực hiện, dẫn đến lúng túng trong quá trình triển khai.  

Trong khi đó, vấn đề đất đai là cốt lõi nhất trong việc sắp xếp, đổi mới các công ty NLN ở nhiều địa phương vẫn chưa giải quyết được, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên.

Đắk Nông là địa phương có 16 công ty NLN. Thực hiện sắp xếp, đổi mới, 6 DN sẽ duy trì, đổi mới các công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước. Đến nay, các đơn vị đã phê duyệt đề án sắp xếp, đổi mới và kế hoạch SXKD, đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, mới chỉ có 3/6 đơn vị được phê duyệt phương án sử dụng đất. 

Đắk Nông cũng là địa phương thực hiện rà soát, đo đạc, cắm mốc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khá chậm. Địa phương mới hoàn thành việc đo đạc, cắm mốc cho 10 công ty NLN sau khi sắp xếp, đổi mới. Trong khi đây là địa phương có diện tích đất đang bị lấn chiếm khá lớn, gần 38.000 ha.

Bên cạnh đó, việc chậm phê duyệt phương án sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận ảnh hưởng đến SXKD của các công ty nhất là đảm bảo quyền thế chấp, tiếp cận vốn tín dụng không thực hiện được... Một số nơi chưa giải quyết dứt điểm tình trạng cho thuê, liên doanh liên kết; sử dụng đất không đúng đối tượng, mục đích còn tiếp diễn.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, rà soát đất đai là bước cơ bản, quan trọng để đẩy nhanh việc sắp xếp đổi mới các công ty NLN. Thứ trưởng nhấn mạnh: “Không nhất thiết phải dàn hàng ngang ra làm, đơn vị nào thuận lợi làm trước. Những chỗ có thể đẩy nhanh được thì phải quyết tâm làm nhanh. Phải cân đối, hài hòa lợi ích và sự đồng thuận giữa người dân, DN và Nhà nước mới có thể đẩy nhanh được tiến độ”.

Đọc thêm