Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sáng 16/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đã truyền đạt Chuyên đề về “Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; sửa đổi bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng; Chỉ thị sửa đổi Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 và Kết luận số 118-KL/TW, ngày 18/1/2025 của Bộ Chính trị khóa XIII về đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030”.
Trong đó, ông Lê Minh Hưng đã quán triệt một số nội dung về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Cụ thể, về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã. Để đảm bảo mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả xây dựng chính quyền các cấp gần dân, sát dân, đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, đủ năng lực tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng vào thực tiễn, có tầm nhìn chiến lược, bảo đảm hình thành và mở rộng không gian phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng nhiều mặt và thống nhất rất cao về các nguyên tắc, tiêu chí thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Việc xác định tên gọi và địa điểm đặt trung tâm chính trị - hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp như các tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số về lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc, địa kinh tế, địa chính trị, quốc phòng, an ninh đối ngoại. Ưu tiên sắp xếp các đơn vị hành chính có vị trí liền kề giữa miền núi, đồng bằng với các địa phương có biển với mục tiêu cao nhất là mở rộng không gian phát triển, đáp ứng định hướng phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.
Việc đặt tên cần dễ nhận diện, ngắn gọn, khoa học, có giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa và được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ. Ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính mới, trung tâm chính trị hành chính, đơn vị hành chính mới cần có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, thuận tiện, kết nối với các khu vực phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội. Xem xét lựa chọn trung tâm chính trị hành chính của một trong số các tỉnh hiện nay làm trung tâm chính trị hành chính mới. Sau khi tỉnh mới đi vào hoạt động ổn định có thể nghiên cứu quy hoạch, lựa chọn xây dựng các trung tâm chính trị hành chính mới hợp lý, phù hợp.
Trên cơ sở các quan điểm, nguyên tắc, tiêu chí nêu trên, Trung ương đã đồng tình, thống nhất rất cao và thông qua chủ trương, định hướng như sau:
Một là tổ chức chính quyền địa phương hai cấp là cấp tỉnh gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cấp xã gồm xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố.
Thứ hai, số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (gồm 28 tỉnh và sáu thành phố trực thuộc Trung ương)
Thứ ba, dự kiến tên gọi các tỉnh, thành phố và trung tâm chính trị hành chính của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Thứ tư, đồng ý kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện kể từ ngày 1/7/2025 sau khi Hiến pháp năm 2013 sửa đổi và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 sửa đổi có hiệu lực thi hành.
Thứ năm, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, bảo đảm cả nước giảm khoảng 60 đến 70 % số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.
![]() |
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương. (Ảnh: Cổng TTĐTQH) |
Ông Lê Minh Hưng cũng cho biết, Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư giao Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và khẩn trương xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, trong đó căn cứ tiêu chí và thực tế, địa phương chủ động nghiên cứu phương án, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định sắp xếp tên gọi, địa điểm đặt trụ sở xã, bảo đảm chính quyền cấp xã gần dân, sát dân, tiết giảm chi phí, không hình thành cấp huyện thu nhỏ.
Về chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương, theo ông Hưng, sẽ thực hiện theo quy định của Chính phủ theo hướng đẩy mạnh phân cấp từ Chính phủ, các Bộ, ngành cho chính quyền địa phương phù hợp với năng lực và yêu cầu quản lý với mô hình tổ chức mới. Cấp tỉnh vừa là cấp thực hiện chủ trương, chính sách từ Trung ương vừa là cấp ban hành chính sách, vừa trực tiếp chỉ đạo, quản lý hoạt động của cấp xã trên địa bàn. Cấp xã chủ yếu thực hiện chính sách từ cấp Trung ương và cấp tỉnh ban hành, được tăng cường phân cấp và có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định việc tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn và quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh và Trung ương.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao cho Đảng, Chính phủ phối hợp với Đảng ủy Quốc hội ngay tại kỳ họp Quốc hội tới đây phải khẩn trương sửa đổi, bổ sung các văn bản để quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền của chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã.
Về cơ cấu tổ chức, cấp tỉnh gồm có HĐND có một số ban chuyên môn giúp việc, UBND có một số cơ quan chuyên môn cấp sở và tương đương. Cấp xã có HĐND có một số ban chuyên môn giúp việc, UBND có một số phòng chuyên môn và tương đương. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương thực hiện theo các quy định mới của pháp luật. Trước mắt, bố trí số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã bao gồm cả cơ quan Đảng, chính quyền và đoàn thể hiện nay. Sau khi bộ máy mới đi vào hoạt động ổn định, Bộ Chính trị sẽ giao Ban Tổ chức Trung ương Đảng ủy, Chính phủ và các cơ quan liên quan phối hợp với các cấp ủy, tổ chức đảng rà soát, hoàn thiện vị trí việc làm, xác định biên chế của các tỉnh, thành phố, xã, phường, đặc khu để báo cáo Bộ Chính trị quyết định biên chế tổng thể của hệ thống chính trị.
Về tổ chức Đảng cấp tỉnh và cấp xã, ông Hưng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương đã đồng ý chủ trương lập tổ chức Đảng ở địa phương tương ứng với đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, kết thúc hoạt động của Đảng bộ cấp huyện. Việc lập tổ chức Đảng ở địa phương được thực hiện theo đúng Điều lệ Đảng và quy định của Ban Chấp hành Trung ương. Mô hình tổ chức Đảng ở cấp tỉnh thì cơ bản như hiện nay. Tổ chức Đảng tại xã, phường, đặc khu gọi tắt là cấp xã thì Đảng bộ cấp xã là hạt nhân chính trị lãnh đạo trực tiếp, toàn diện ở xã, phường, đặc khu do cấp ủy cấp tỉnh thành lập và thí điểm đảng ủy cấp xã là Đảng ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương và Đảng ủy cấp xã thì có các tổ chức Đảng trực thuộc.
Về cơ quan tham mưu, giúp việc và đơn vị sự nghiệp của Đảng ủy cấp xã thực hiện theo quy định thi hành Điều lệ Đảng và Quy định này cũng sẽ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành mới. Đồng thời, Ban Bí thư sẽ ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác, quy chế làm việc mẫu của Đảng ủy cấp xã trong thời gian tới.
Về sắp xếp tinh gọn tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, tổ chức Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Ban Chấp hành Trung ương đồng ý chủ trương sắp xếp tinh gọn, hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, các hội quần chúng cho Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải bảo đảm sâu sát cơ sở, chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và đoàn viên, hội viên của tổ chức. Trung ương cũng thống nhất chủ trương kết thúc hoạt động của Công đoàn viên chức, Công đoàn lực lượng vũ trang, giảm mức đóng góp công đoàn phí của đoàn viên công đoàn.
Đồng thời, Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương về thời điểm tổ chức đại hội Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội ngay sau đại hội đảng ở mỗi cấp, cấp Trung ương sẽ tổ chức đại hội sau Đại hội Đảng toàn quốc và bầu cử đại biểu Quốc hội.
Trung ương cũng đồng ý chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân. Hệ thống tổ chức Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có ba cấp: Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cấp tỉnh và khu vực, kết thúc hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao và cấp huyện.
Về tổ chức thực hiện, Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Quốc hội, các ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo đúng các nội dung và tiến độ, mục tiêu đề ra.
Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ chính như sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước để kịp thời tổ chức thực hiện. Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy vàtổ chức chính quyền địa phương hai cấp quy định thời gian chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm hoạt động của các cơ quan, tổ chức thông suốt, không gián đoạn theo đúng lộ trình dự kiến, trong đó cần hướng dẫn cụ thể về giấy tờ, thủ tục hành chính, sử dụng con dấu để tránh xáo trộn và lãng phí. Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền các cấp, đặc biệt là việc phân cấp từ Chính phủ, các Bộ, ngành cho chính quyền địa phương, bảo đảm đủ điều kiện, nguồn lực thực hiện và nâng cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Cần hướng dẫn cụ thể về tiêu chí sắp xếp các đơn vị hành chính các cấp làm cơ sở để hoàn thiện hồ sơ đề án sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất đơn vị hành chính, HĐND, UBND các cấp để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã phù hợp với việc sắp xếp tổ chức bộ máy và điều kiện ngân sách của Nhà nước. Chủ động phối hợp xây dựng phương án bố trí địa điểm làm việc, nhà công vụ ở cấp tỉnh, cấp xã, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và các điều kiện, bảo đảm phù hợp để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác. Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong quá trình tổ chức thực hiện.
Để triển khai thực hiện ngay Nghị quyết số 60 ngày 12/4/2025 của Hội nghị Trung ương lần thứ 11, ngày 14/4/2025, Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 18 đã ban hành Kế hoạch số 47 quy định chi tiết nhiệm vụ, phân công cụ thể các cơ quan chủ trì, lộ trình thực hiện. Đồng thời, Bộ Chính trị cũng đã có Quyết định số 284 ngày 12/4/2025 phân công các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đảng ủy tỉnh, thành ủy, tỉnh ủy trực thuộc Trung ương thực hiện Nghị quyết gắn với việc xây dựng, hoàn thiện văn kiện và tổ chức thực hiện công tác nhân sự. Đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chủ động báo cáo các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư được phân công về các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện để kịp thời có chỉ đạo.