Trả lời phỏng vấn của Báo Pháp luật Việt Nam liên quan đến chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính (ĐVHC), lãnh đạo nhiều địa phương bày tỏ thống nhất rất cao và cho biết, địa phương đang chủ động triển khai các công việc với tinh thần rất khẩn trương.
Chính sách ưu việt hơn, có lợi cho người dân, doanh nghiệp thì tiếp tục duy trì
Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, TP Hải Phòng dự kiến sáp nhập với tỉnh Hải Dương, lấy tên là TP Hải Phòng, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại Thủy Nguyên. Ông Lê Tiến Châu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết, TP sẽ tiến hành lấy ý kiến rộng rãi trong Nhân dân về Đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng cũng như Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp xã.
Hiện Hải Phòng đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chỉ đạo của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị TP gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ theo đúng quy định, bảo đảm tiến độ, chất lượng (trình Trung ương Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã (giảm từ 60 đến 70% ĐVHC cấp xã); Đề án sáp nhập tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng trước 30/4/2025.
TP cũng đang tích cực phối hợp với tỉnh Hải Dương để xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ; xây dựng phương án bảo đảm cơ sở vật chất, điều kiện làm việc (trụ sở, nhà ở, chế độ chính sách) cho các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức sau khi sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã; tổng hợp, thống kê các cơ chế đặc thù áp dụng cho các ngành, lĩnh vực đã được HĐND mỗi tỉnh, TP thông qua để chủ động đề xuất phương án xử lý sau khi sáp nhập, phù hợp với hướng dẫn của Trung ương, với tinh thần là chính sách nào ưu việt hơn, có lợi cho người dân và doanh nghiệp hơn thì tiếp tục duy trì để người dân 2 địa phương được thụ hưởng kết quả từ việc sáp nhập.
|
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu. |
Ngoài ra, Hải Phòng và Hải Dương cũng đã chủ động phối hợp với cơ quan Trung ương đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng chiến lược cũng như nghiên cứu các quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương để đề xuất các dự án hạ tầng chiến lược về giao thông, công nghiệp, đô thị để biến lợi thế thành dư địa và động lực phát triển mới của TP trong tương lai.
Trong thời gian qua, Hải Phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, kết luận của Trung ương về việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của TP; cắt giảm đầu mối bên trong của các cấp ủy, các đơn vị, vượt chỉ tiêu kế hoạch so với Trung ương và Thành ủy giao; thực hiện các cơ chế, chính sách và ban hành một số cơ chế, chính sách ưu đãi để thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy; chủ động chỉ đạo các cấp ủy Đảng tổ chức triển khai thực hiện phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực, hoạt động của TP...
Hải Phòng cũng đang điều chỉnh, xây dựng lại kịch bản tăng trưởng để có giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả, khắc phục những tồn tại, hạn chế; tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, chuẩn bị các phương án khi không tổ chức cấp quận, cấp huyện và tiếp tục sáp nhập ĐVHC cấp xã theo yêu cầu của Trung ương đề ra.
Công khai thông tin để tạo đồng thuận
Tại Bình Định, chia sẻ với PV PLVN về việc ổn định tâm lý xã hội, ngăn chặn các hiện tượng đầu cơ đất đai có thể xảy ra khi tiến hành sắp xếp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết: Tỉnh đã chủ động ban hành các văn bản tạm dừng phân lô, tách thửa và chuyển nhượng đất tại các địa bàn đang được đề xuất là trung tâm hành chính mới. Đồng thời, giao các sở, UBND các huyện phối hợp với Công an và ngành Thuế giám sát chặt chẽ các hoạt động giao dịch bất động sản bất thường.
“Chúng tôi xác định phải ngăn chặn từ sớm, từ xa hiện tượng đầu cơ, thao túng thị trường để bảo đảm tính ổn định, minh bạch và công bằng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng công khai các thông tin quy hoạch, tổ chức đối thoại với người dân tại vùng ảnh hưởng để tạo đồng thuận. Các chính sách hỗ trợ an sinh, tái định cư, chuyển đổi nghề cho người dân tại khu vực sáp nhập được xây dựng đầy đủ”, lãnh đạo tỉnh Bình Định cho hay.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn. |
Về giải pháp khi sắp xếp lại một lượng lớn cán bộ, công chức, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Tỉnh luôn quán triệt tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong cải cách bộ máy. Việc sắp xếp cán bộ sẽ không làm theo cách cơ học, mà dựa trên nguyên tắc công khai, công tâm, lấy năng lực và vị trí việc làm làm cơ sở. Những cán bộ bị điều động xa nơi cư trú sẽ được tỉnh hỗ trợ về nơi ở, chi phí sinh hoạt và học hành cho con cái.
Đối với những trường hợp đủ tuổi nghỉ hưu hoặc có nguyện vọng nghỉ sớm, tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ một lần, khuyến khích tinh giản trên tinh thần tự nguyện. Song song với việc đẩy mạnh đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ trẻ, chuẩn bị lực lượng kế cận đủ năng lực trong mô hình hành chính mới. Mọi quy trình đều có sự giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, UBMTTQVN tỉnh để bảo đảm công bằng, không để xảy ra mất đoàn kết hay tâm tư trong đội ngũ.
Về vai trò của trung tâm hành chính mới, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, trung tâm hành chính mới không chỉ là nơi đặt trụ sở, mà phải trở thành cực tăng trưởng mới, có sức lan tỏa và kết nối vùng. Đây là cơ hội để tỉnh tái định hình không gian phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tốt hơn hạ tầng giao thông, logistics và dịch vụ hiện đại.
Trên cơ sở tích hợp quy hoạch chung, tỉnh sẽ phát triển đồng bộ các khu công nghiệp, đô thị vệ tinh, dịch vụ chất lượng cao xung quanh trung tâm hành chính. Hiện nay, tỉnh đang làm việc với nhiều nhà đầu tư tiềm năng để kêu gọi nguồn lực theo hình thức PPP, tập trung vào giao thông trục dọc, kết nối từ Quy Nhơn đến Tây Sơn - Phù Cát. “Tầm nhìn đến năm 2030, chúng tôi hướng đến hình thành một trục hành chính - công nghiệp - đô thị hiện đại, là đầu tàu thu hút đầu tư và dịch chuyển dân cư, tạo bước đột phá cho Bình Định trong chiến lược phát triển bền vững”, ông Phạm Anh Tuấn cho biết.
Tin tưởng sau sáp nhập, các địa phương sẽ tận dụng hiệu quả nguồn lực chung TS Lê Trung Kiên - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh bày tỏ:
|
TS Lê Trung Kiên. |
Tôi tin tưởng rằng, sau khi hoàn tất quá trình sáp nhập, các địa phương sẽ phát huy tối đa thế mạnh vốn có, tận dụng hiệu quả nguồn lực chung, từ đó tạo ra động lực mới cho tăng trưởng và hội nhập, góp phần đưa đất nước vững bước tiến vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ, xứng tầm với khát vọng vươn lên của dân tộc trong kỷ nguyên mới.
Để triển khai việc sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC cấp tỉnh trong thời gian gấp rút, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt và phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, cùng với sự đồng thuận, ủng hộ từ người dân. Đây là nhiệm vụ lớn, có tác động sâu rộng, nên càng cần tính chủ động, khoa học và sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt.
Hiện nay, nhiều địa phương đã có sự chuẩn bị về tiềm lực, cơ sở vật chất và nhân sự, tạo nền tảng quan trọng để việc sáp nhập được thực hiện thuận lợi, đúng lộ trình và mục tiêu. Tuy nhiên, khi địa giới hành chính được mở rộng, sẽ nảy sinh những vấn đề mới về kinh tế - xã hội, văn hóa, cơ cấu tổ chức… đòi hỏi phải có phương án tổ chức lại bộ máy một cách hợp lý, hiệu quả.
Việc xác định lại chức năng, nhiệm vụ và cơ chế vận hành của bộ máy trong ĐVHC mới cần đi đôi với việc xây dựng hệ thống chính sách thống nhất, phù hợp với thực tiễn và bảo đảm tính liên tục của nền công vụ. Trong đó, phân cấp, phân quyền là nguyên tắc trọng tâm, phải được thể hiện rõ ràng, minh bạch, vừa tạo điều kiện cho cơ sở chủ động thực hiện nhiệm vụ, vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, phục vụ người dân. Phân cấp cũng cần gắn liền với trách nhiệm giải trình - cấp nào gần dân nhất thì nên trao thẩm quyền cho cấp đó, đi kèm là cơ chế kiểm tra, giám sát phù hợp.
Bên cạnh tổ chức bộ máy, cần sớm xây dựng đề án cụ thể về bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã phù hợp với năng lực, chuyên môn, sở trường, tránh tình trạng xáo trộn, gây tâm lý hoang mang hoặc tiêu cực trong nội bộ. Việc điều động ai về cơ sở, ai về sở, ban ngành cấp tỉnh cần được thực hiện minh bạch, đúng người, đúng việc, đúng thời điểm.
Song song đó là việc rà soát, bổ sung vị trí việc làm và các chính sách liên quan đến tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo và chế độ đãi ngộ. Đặc biệt, chú trọng bồi dưỡng năng lực cho cán bộ đảm nhiệm vị trí mới, nhất là ở cấp xã - nơi gần dân nhất, giữ vai trò trực tiếp trong cung ứng dịch vụ công và thực thi chính sách ở cơ sở.
H.Giang (ghi)