Sau dịch COVID-19, trẻ nhiễm RSV có xu hướng nặng hơn?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - "Sau dịch COVID-19 có vẻ trẻ nhiễm RSV có xu hướng nặng hơn, có thể do biến đổi cấu trúc gene của virus, hoặc trẻ nhiễm các tuýp gây bệnh nặng nề hơn", BSCKII Nguyễn Thị Huyền Nga, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai cho hay.
Gia tăng số trẻ mắc các bệnh lý về đường hô hấp nhập viện, đặc biệt do virus RSV. Ảnh: Ngọc Nga
Gia tăng số trẻ mắc các bệnh lý về đường hô hấp nhập viện, đặc biệt do virus RSV. Ảnh: Ngọc Nga

Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai (Hà Nội) thời gian gần đây tiếp nhận nhiều bệnh nhi đến khám. Trong đó, không ít trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV), có những bệnh nhi nặng phải nhập viện điều trị.

“Đa phần là trẻ đến khám bị viêm phổi, trong đó nguyên nhân do virus RSV chiếm tới 50%, nhiều trẻ dưới 3 tuổi. Hiện 50-60% bệnh nhi điều trị nội trú tại viện là nhiễm virus RSV”, BSCKII Nguyễn Thị Huyền Nga, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai cho biết.

Cũng theo BSCKII Nguyễn Thị Huyền Nga, điển hình trong tháng qua, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai đón 5-6 trường hợp trẻ bị biến chứng viêm phổi do RSV đã có biến chứng suy hô hấp. Trẻ vào viện trong tình trạng khó thở, thở rất nhanh, thở rít, các bác sĩ phải tiến hành hỗ trợ bệnh nhân thở oxi.

“Virus RSV khi xâm nhập vào hệ hô hấp, nếu vào đường hô hấp trên sẽ gây biến chứng bội nhiễm, viêm tai giữa, nếu virus xuống đường hô hấp dưới, gây viêm tiểu phế quản, thậm chí gây tổn thương ở phế nang gây viêm phổi, tràn dịch, tràn khí màng phổi”, bác sĩ Huyền Nga thông tin thêm. "Bệnh biến chứng nặng thường ở trẻ dưới 6 tháng tuổi, hoặc trẻ có bệnh lý nền: hen phế quản, đẻ non, bệnh tim bẩm sinh…".

Khi bé dưới 6 tháng tuổi ho khò khè, sốt thì nên đưa bé đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Ảnh: Ngọc Nga

Khi bé dưới 6 tháng tuổi ho khò khè, sốt thì nên đưa bé đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Ảnh: Ngọc Nga

“Sau dịch COVID-19, có vẻ trẻ nhiễm RSV có xu hướng nặng hơn, có thể do biến đổi cấu trúc gene của virus, hoặc trẻ nhiễm các tuýp gây bệnh nặng nề hơn. Bên cạnh đó, sức đề kháng của trẻ cũng bị ảnh hưởng sau nhiễm COVID-19”, bác sĩ Huyền nhận định.

Bệnh viện Thanh Nhàn gần đây cũng gia tăng số trẻ mắc các bệnh hô hấp, đặc biệt là bệnh nhi nhiễm virus RSV đến khám, điều trị.

Theo bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, Phó Khoa Nhi và Đơn nguyên Sơ sinh, bệnh nhi phải nhập viện chủ yếu là trẻ nhỏ tuổi dưới 6 tháng. Đa số trẻ nhập viện trong tình trạng khò khè, một số trẻ suy hô hấp. Nguyên nhân do virus RSV gây biến chứng viêm phổi sớm, đặc biệt với các bệnh nhi nhỏ tuổi, hệ hô hấp còn kém.

“RSV là một loại virus gây suy hô hấp rất nhanh, gây biến chứng viêm phổi, đặc biệt đối với trẻ nhỏ khi hệ miễn dịch vẫn còn kém. Việc điều trị bệnh do virus này gây ra với trẻ khá khó khăn. Dù không phải là một loại virus mới nhưng đã có nhiều nghiên cứu và thống kê cho thấy, virus này gây bệnh nặng đối với trẻ nhỏ, nhất là với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi”, bác sĩ Sang nhấn mạnh.

Cũng theo bác sĩ Sang, virus RSV xuất hiện chủ yếu vào mùa đông – xuân, lây rất nhanh vì dễ dàng lây lan trong không khí thông qua các giọt bắn mang mầm bệnh do người bệnh phát tán ra, qua các dịch tiết của đường hô hấp… Bệnh viện Thanh Nhàn đã sắp xếp bệnh nhi cùng bệnh lý do virus RSV ở chung một phòng để tránh tình trạng lây chéo cho trẻ.

Đề cập đến việc điều trị cho những bệnh nhi nhiễm virus RSV, bác sĩ Sang cho hay: “Đây là loại virus gây suy giảm miễn dịch, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Hiện việc điều trị tập trung nâng cao thể trạng cho các bé. Đặc biệt, virus này rất hay gây đồng nhiễm các loại virus khác, vi khuẩn, nên bệnh nhi có thể phải sử dụng thêm kháng sinh”.

Bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang cho biết thêm, virus RSV gây ra các triệu chứng giống các bệnh lý đường hô hấp khác như viêm long đường hô hấp hay cúm, cảm lạnh thông thường, vì vậy, phụ huynh khó tự phân biệt được trẻ có bị nhiễm virus RSV hay không.

Bác sĩ khuyến cáo, với các bé dưới 6 tháng tuổi, khi có biểu hiện ho khò khè, sốt thì nên đưa bé đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Đọc thêm