Sau khi PLVN có các bài viết, chiều qua (28/10), trong văn bản gửi báo chí, Bộ VHTT&DL cho biết đã quyết định áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách, thôi giao nhiệm vụ Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh với bà Nguyễn Thị Thu Hà từ ngày 28/10/2019.
Kỷ luật khiển trách, thôi giao nhiệm vụ Quyền Cục trưởng
Theo Bộ VHTT&DL, bộ phim truyện hoạt hình “Everest - Người tuyết bé nhỏ” (tên gốc: Abominale), hợp tác sản xuất năm 2019 bởi hãng phim Dream Works Animation Studio (Mỹ) và Pearl Studio (Trung Quốc). Phim được Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam trình đề nghị cấp Giấy phép Phổ biến phim ngày 9/8/2019; công chiếu từ ngày 4/10/2019.
Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh về hình ảnh liên quan đến “đường lưỡi bò” xuất hiện trong bộ phim, Bộ Bộ VHTT&DL đã chỉ đạo Cục Điện ảnh kiểm tra và yêu cầu đơn vị phát hành rút toàn bộ thông tin trên các phương tiện truyền thông, ngừng chiếu phim trên toàn bộ hệ thống rạp từ tối ngày 13/10/2019.
Ngày 14/10/2019, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã giao Thứ trưởng Tạ Quang Đông trực tiếp chỉ đạo Cục Điện ảnh khẩn trương tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm những sai sót của cá nhân và tập thể liên quan trong quá trình thẩm định, duyệt và cấp phép phổ biến bộ phim trên.
Bộ VHTT&DL sau đó đã quyết định áp dụng hình thức kỷ luật: khiển trách đối với bà Nguyễn Thị Thu Hà, Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh.
Về công tác nhân sự của Cục Điện ảnh, trên cơ sở tình hình thực tế, yêu cầu công việc của Cục Điện ảnh, Ban Cán sự đảng Bộ VHTT&DL thống nhất thôi giao nhiệm vụ quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh đối với bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, từ ngày 28/10/2019. Phân công ông Tạ Quang Đông, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL điều hành Cục Điện ảnh, từ ngày 28/10/2019.
“Bộ VHTT&DL đánh giá đây là bài học sâu sắc trong công tác quản lý điện ảnh nói riêng và lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung. Qua đây, Bộ VHTT&DL trân trọng cảm ơn các cơ quan báo chí, truyền thông đã kịp thời phản ánh những thông tin, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong thực thi nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước ngành văn hóa, thể thao và du lịch”, văn bản của Bộ VHTT&DL nêu rõ.
Đại biểu Quốc hội nói gì về sự việc?
Đánh giá về những sai phạm xảy ra tại Cục Điện ảnh, trao đổi với PLVN, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng đó là những sai sót rất nghiêm trọng, cần xử lý nghiêm.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội) cho biết: “Việc để lọt vi phạm như thế phải xem xét đến trách nhiệm của Cục Điện ảnh. Nước ngoài lén lút đưa bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp vào, dù chỉ một vài giây thôi cũng đủ tác động tâm lý của con người rồi. Cho nên không kiểm soát tốt là không hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân trao cho. Đừng nghĩ đây là việc nhỏ. Chính vì thế cần xử lý nghiêm”.
Cùng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu QH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH), nói: “Tôi cho rằng ở đây có sự sai phạm của Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện cũng như Cục Điện ảnh. Với những vụ việc như vụ phát hiện “đường lưỡi bò” vừa qua thì Hội đồng thẩm định ở đâu, Cục Điện ảnh ở đâu, làm gì, chức năng ra sao mà lại để sau khi thẩm định vẫn để lọt hình ảnh “đường lưỡi bò” gây bức xúc.
Tôi cho rằng ở đây có trách nhiệm rất lớn của cơ quan quản lý nhà nước, Bộ VHTT&DL mà trực tiếp và chủ yếu là Cục Điện ảnh Việt Nam. Chuyện này xảy ra không chỉ 1 lần mà đã 2, 3 lần rồi cho nên việc này cần phải có kiểm điểm trách nhiệm và phải làm sao kiện toàn bộ máy, kiện toàn lại bộ máy”.
“Cơ quan quản lý nhà nước làm việc chưa đến nơi đến chốn nên phải có giải pháp, phải có hình thức xử lý những thành viên và người đứng đầu cơ quan, đơn vị này. Có như vậy họ mới thể hiện hết trách nhiệm của họ trong lúc kiểm duyệt phim ảnh được, chứ nếu để lơ là như vậy, thì tôi cho rằng sẽ tái diễn lần 2, lần 3 hay lần 4 các vụ việc”, Đại biểu Hòa nói.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH) thì thẳng thắn: “Cục Điện ảnh là cơ quan tham mưu của Bộ VHTT&DL đã không làm tròn trách nhiệm của mình. Quan điểm của tôi là sai đến đâu phải xử lý đến đó để chúng ta có kỷ luật nghiêm minh về vấn đề này vì chúng ta đừng nghĩ rằng nó chỉ xuất hiện 1 lần hay vài giây, mà điều quan trọng ở đây là hình ảnh đó chỉ xuất hiện 1 lần hay nửa lần hay vài giây vẫn là vấn đề mang tính quốc gia, quốc thể, liên quan đến vấn đề chủ quyền, đặc biệt là vấn đề được nhân dân cả nước và cả thế giới đặc biệt quan tâm là vấn đề Biển Đông. Do vậy, đây là vấn đề cần phải được xem xét một cách hết sức kỹ lưỡng về tính chất, mức độ của hành vi đó để xử lý đến nơi đến chốn chứ không thể xuê xoa.
Tôi nghĩ rằng, sau vụ việc phim “Điệp vụ Biển Đỏ” rồi đến vụ việc vừa qua không chỉ là vấn đề sơ suất nữa mà đây thực sự là vấn đề thiếu tinh thần trách nhiệm, thi hành công vụ một cách hời hợt. Cơ quan thẩm định mà để lọt như vậy, anh là “lính gác cửa” mà anh như thế thì chả có “thành” nào mà không bị công phá”.
Nói về những dấu hiệu sai phạm khác trong Cục Điện ảnh thời kỳ bà Nguyễn Thị Thu Hà giữ nhiệm vụ quyền Cục trưởng, Đại biểu Vân nhận định: “Dư luận đã nêu vấn đề thì cơ quan nhà nước phải trả lời cho dư luận biết. Có những lùm xùm của Cục Điện ảnh như vậy thì trách nhiệm đầu tiên phải thuộc Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, phải xác minh, kiểm tra xem dư luận phản ánh có đúng hay không. Nếu đúng thì phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Thứ hai, Thanh tra Công vụ của Bộ Nội vụ cần thiết phải vào cuộc để xác minh xử lý theo thẩm quyền. Đây rõ ràng công việc thuộc bộ máy hành chính nhà nước khi đã có những dấu hiệu vi phạm mà dư luận nêu ra phải xác minh làm rõ để trả lời cho dư luận như thế nào. Nếu đúng phải thanh minh bảo vệ cho cá nhân, tổ chức đó. Nếu sai phải xử lý theo quy định của pháp luật chứ để như vậy sẽ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Bộ VHTT&DL”.
(Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân)
Về những thông tin lùm xùm trong hội đồng thẩm định phim đặt hàng của Chính phủ có người nhà của bà Hà, ĐB Nhưỡng cho rằng cần xem xét việc đưa những người như vậy vào hội đồng đã khách quan chưa, hai là những người tham gia hội đồng đó có đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn quy định của pháp luật hay không, thứ 3 là việc có hay không có khuất tất trong quá trình thực thi nhiệm vụ của hội đồng thẩm định và thứ 4 là công tác quản lý của cục và của cục trưởng, trưởng ngành.
“Anh là tư lệnh, anh phải quán xuyến, không quán xuyến trực tiếp được thì phải chỉ đạo, ngay từ ban đầu, anh đã phải có chỉ đạo, hướng dẫn, hay điều hành làm sao để đã có những vụ việc như vậy rồi thì không bao giờ được để những sai sót kiểu như vậy. Hay những việc như vậy có cần hậu thẩm định hay không”, ĐB Nhưỡng nói.
(Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng)
“Về những thông tin cho rằng bà Hà có sai phạm, nếu đã có những thông tin phản ánh về việc hội đồng thẩm định phim có “sân sau”, người nhà… thì Bộ VH,TT&DL phải vào cuộc, phải thanh tra để xác minh xem có đúng vậy không. Bên cạnh đó, cơ quan của Bộ Công an, đặc biệt là Cục An ninh Chính trị nội bộ cũng phải kiểm tra lại, giám sát những hành vi này để làm sao cho việc thực hiện các quy định được tốt.
Còn việc sử dụng xe công để đưa rước, tôi cho rằng đây là hành vi lợi dụng sử dụng xe công. Theo quy định, các viện trưởng, cục trưởng cấp bộ không được cấp xe công riêng để đưa rước giữa nơi làm việc và nhà riêng mà chỉ từ cấp Thứ trưởng trở lên.
Việc đưa đón từ nhà đến cơ quan và từ cơ quan về nhà chỉ áp dụng với các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên; còn Vụ trưởng, Cục trưởng, thậm chí là Tổng Cục phó trực thuộc Bộ cũng không được hưởng chế độ này.
Vụ trưởng, phó vụ trưởng phụ trách cũng không đủ chuẩn để sử dụng xe con đưa rước giữa nhà riêng và cơ quan mà chỉ khi đi công tác thì cơ quan chủ quản mới cấp xe công. Việc sử dụng đưa rước như vậy nếu có là không đủ thẩm quyền và Bộ VHTT&DL phải thanh tra, xử lý nghiêm việc sử dụng xe công không đúng quy định chức vụ”.
(Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa)