Sau vụ bé gái Bình Thuận tử vong do hóc hạt nhãn, chuyên gia khuyến cáo cách sơ cứu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bé gái 4 tuổi (xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) bị hạt nhãn rơi xuống cổ họng dẫn đến ngạt thở. Người bố sơ cứu nhưng bất thành. Gia đình đưa bé đến bệnh viện cách nhà 15km cấp cứu nhưng bé đã tử vong.
Sau vụ bé gái Bình Thuận tử vong do hóc hạt nhãn, chuyên gia khuyến cáo cách sơ cứu

Dị vật đường thở và dấu hiệu nhận biết

Tai nạn trên xảy ra ngày 27/9. Theo Thạc sĩ, Bác sỹ Huỳnh Tiểu Niệm (Giảng viên Bộ môn Nhi, trường Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch, hiện công tác tại Khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1), đây là trường hợp dị vật đường thở, một tại nạn nguy hiểm thường gặp ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân là do dị vật rơi vào đường thở, gây tắc nghẽn 1 phần hoặc hoàn toàn đường thở, nếu không sơ cứu đúng cách, kịp thời có thể dẫn đến suy hô hấp, ngưng thở, ngưng tim thiếu oxy não hoặc dẫn đến tử vong.

“Dấu hiệu để nhận biết trẻ bị dị vật đường thở là trẻ khỏe mạnh, đang ăn hoặc chơi với hạt nhỏ, vật nhỏ, đang khóc hoặc cười quá mức, đột ngột xảy ra một trong các dấu hiệu: ho sặc sụa, tím tái, khó thở thậm chí ngưng thở. Nếu dị vật tắc nghẽn 1 phần, trẻ có thể còn nói chuyện được hoặc khóc được, nếu dị vật tắc nghẽn hoàn toàn, trẻ nhỏ khóc không thành tiếng, trẻ lớn có thể lấy 2 tay ôm cổ”, Bác sỹ Niệm thông tin thêm.

Dị vật đường thở là một tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ (hình minh họa).

Dị vật đường thở là một tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ (hình minh họa).

Xử trí khi trẻ bị dị vật đường thở

Bác sỹ Huỳnh Tiểu Niệm cho biết, trong trường hợp nếu trẻ vẫn tỉnh hồng hào, không khó thở, nên giữ yên, bế trẻ, trấn an và để trẻ ho để tống dị vật. Đối với trường hợp trẻ tím tái, khóc yếu, khó thở, sơ cứu tại chỗ như sau:

Với trẻ dưới 2 tuổi, cần đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ bằng bàn tay trái. Vỗ mạnh dứt khoát 5 cái bằng gót bàn tay giữa 2 xương bả vai. Sau đó lật ngửa trẻ sang tay phải, kiểm tra nếu trẻ hồng hào, dị vật rơi ra thì bế trẻ. Nếu vẫn còn khó thở, tím tái, dùng 2 ngón tay ấn mạnh ở vùng ½ dưới xương ức 5 cái. Lặp lại vỗ lưng ấn ngực 6 -10 lần cho đến khi dị vật rơi ra hoặc trẻ khóc được.

Căn cứ vào tình trạng để có cách sơ cứu hợp lý cho trẻ.

Căn cứ vào tình trạng để có cách sơ cứu hợp lý cho trẻ.

Với trẻ trên 2 tuổi sẽ căn cứ vào tình trạng của trẻ để xử lý. Nếu trẻ tỉnh, cần đứng hoặc quỳ gối sau lưng trẻ, vòng 2 tay qua người trẻ. Đặt 1 bàn tay (thành nắm đấm) dưới mũi ức. Đặt bàn tay kia lên nắm đấm. Ấn bụng mạnh hướng dưới lên 5 lần. Kiểm tra miệng lấy dị vật nếu có. Còn tắc nghẽn, lặp lại ấn bụng 6 lần. Còn nếu trẻ bất tỉnh, mê, cần đặt trẻ nằm ngửa, người sơ cứu quỳ gối tựa 2 chân bên đùi trẻ, nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn vào đưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp. Sau đó kiểm tra đường thở, nếu dị vật chưa ra, tiếp tục lập lại ấn bụng.

Trong quá trình làm thủ thuật lấy dị vật, nếu trẻ ngưng thở ngưng tim, hôn mê, thì dừng thủ thuật, thực hiện thao tác cấp cứu ngưng thở ngưng tim bằng cách hà hơi thổi ngạt và ấn tim cho trẻ (tỷ lệ ấn tim 30 cái, thổi ngạt 2 cái).

Chuyên gia khuyến cáo

Hiện nay, nhiều phụ huynh sẽ sơ cứu cho con nhỏ bị hóc dị vật bằng cách dùng tay móc miệng, dốc ngược trẻ xuống rồi vỗ lưng hoặc sử dụng một số mẹo dân gian. Những biện pháp đó không những không hiệu quả, thậm chí còn có tác dụng ngược lại.

    Sơ cứu sai cách có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

    Sơ cứu sai cách có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Theo Bác sỹ Niệm, việc móc mù trong miệng trẻ có thể khiến di vật bị đẩy vào sâu hơn, còn việc vỗ lưng, dốc ngược trẻ có thể khiến trẻ bị rơi, gây chấn thương cho trẻ.

Thạc sĩ, Bác sỹ Huỳnh Tiểu Niệm.

Thạc sĩ, Bác sỹ Huỳnh Tiểu Niệm.

“Để tránh trẻ bị dị vật đường thở, các bậc phụ huynh cần cho trẻ bú sữa đúng cách, không ăn, uống thuốc khi trẻ đang khóc, cười. Nên cho trẻ dùng thuốc dạng sirô hoặc tán nhuyễn. Không để trẻ tự ăn các loại trái cây có hạt mà nên bỏ hạt trước khi cho trẻ sử dụng. Không để trẻ tự mình chơi với các vật dụng có kích thước nhỏ”, Bác sỹ Huỳnh Tiểu Niệm chia sẻ.

Đọc thêm