Ngày 15/12/2015, Chính phủ Saudi Arabia thông báo thành lập một liên minh quân sự Hồi giáo gồm 34 quốc gia chống chủ nghĩa khủng bố. Liên minh này do Saudi Arabia dẫn đầu, với trung tâm tác chiến chung đặt tại thủ đô Riyadh để điều phối và hỗ trợ các chiến dịch quân sự.
Thái tử kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia Mohammed bin Salman |
Trong số 34 quốc gia tham gia liên minh có các nước Arab như Ai Cập, Qatar, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE); các nước Hồi giáo như Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Pakistan cùng các nước Arab vùng Vịnh và châu Phi. Iran - quốc gia Hồi giáo theo dòng Shiite đối địch với Saudi Arabia theo dòng Sunni - không tham gia liên minh này.
Thông cáo chung cho biết: “Một nhiệm vụ của liên minh là bảo vệ quốc gia Hồi giáo khỏi các tổ chức và các nhóm khủng bố thuộc bất cứ tôn giáo nào và dưới bất cứ tên gọi nào gây chết chóc và lũng đoạn với mục đích khủng bố người vô tội”.
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và cũng là Bộ trưởng Quốc phòng nước này cho biết liên minh trên sẽ phối hợp các nỗ lực chống khủng bố tại Iraq, Syria, Libya, Ai Cập và Afghanistan, đồng thời nhấn mạnh liên minh mới không chỉ chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), mà nhằm vào “bất cứ tổ chức khủng bố nào xuất hiện”.
Lực lượng IS đang không che giấu tham vọng bành trướng lãnh địa |
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng liên bang Đức Ursula von der Leyen ngày 15/12 đã lên tiếng hoan nghênh thông báo của Saudi Arabia về việc thành lập một liên minh quân sự Hồi giáo gồm 34 nước chống chủ nghĩa khủng bố.
Phát biểu trên chương trình “Tạp chí buổi sáng” của kênh truyền hình Đức ARD, Bộ trưởng Leyen cho biết đã kêu gọi liên minh chống khủng bố mới thành lập tham gia vào Tiến trình Vienna, nơi tất cả các nước cùng hợp sức chống IS. Theo bà, việc tham gia vào tiến trình Vienna chính là hỗ trợ liên quân quốc tế trong cuộc chiến chống IS.
Bộ trưởng Leyen cho rằng thời gian qua, IS đã lớn mạnh chính vì các nước không thể thống nhất được chủ trương chống lại tổ chức này. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Saudi Arabia thông báo khởi động thành lập một liên minh 34 quốc gia Hồi giáo chống IS, trong đó gồm các nước như Ai Cập, Libya, Sudan, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia và Pakistan. Saudi Arab theo dòng Hồi giáo Sunni sẽ đứng đầu liên minh này.
Trong khi đó, thông báo của quân đội Đức cho biết, trong đêm 15 rạng sáng 16/12, một máy bay chở nhiên liệu của Không quân Đức đã hai lần thực hiện tiếp năng lượng cho các máy bay chiến đấu của liên quân quốc tế chống IS.
Trước đó, Quốc hội Đức đã thông qua sứ mệnh đưa tối đa 6 máy bay trinh sát Tornado, một máy bay tiếp liệu và tối đa 1.200 binh sĩ tham gia lực lượng liên quân chống IS tại Syria.
Theo kế hoạch, vào tháng 1/2016, những chiếc Tornado của Đức cũng sẽ xuất kích để thực hiện nhiệm vụ theo dõi, trinh sát trên bầu trời Syria. Các máy bay Tornado được trang bị công nghệ do thám có thể chụp ảnh thông thường và ảnh hồng ngoại trong mọi thời gian và điều kiện thời tiết, đồng thời chuyển trực tiếp các dữ liệu này theo thời gian thực xuống trạm mặt đất.
Ngoài ra, Berlin cũng sẽ sớm triển khai một khinh hạm hộ tống tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp ở Địa Trung Hải.
Bất chấp cam kết sát cánh cùng liên quân do Mỹ đứng đầu, trong cuộc chiến chống IS, Đức sẽ vẫn không tham gia thực hiện không kích các mục tiêu của IS ở Syria và Iraq. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen đã bác bỏ đề nghị từ người đồng cấp Mỹ về việc tăng cường can dự trong cuộc chiến chống IS. Theo bà, Đức hiện đã “làm rất nhiều việc” cho cuộc chiến này.
Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã bác bỏ đề nghị tăng cường can dự của Đức trong cuộc chiến chống IS.
Hy vọng tạo ra một mặt trận thống nhất đối phó với lực lượng khủng bố, trong đó có IS |
Là một thành viên của liên minh quân sự trên, Malaysia cho biết sẽ lập tòa án đặc biệt nhằm xét xử các phần tử tình nghi khủng bố liên quan đến các phiến quân. Hãng thông tấn Bernama ngày 15/12 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Tun Hussein cho biết, việc lập tòa án đặc biệt này sẽ làm cho quá trình pháp lý này trở nên minh bạch hơn.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Hishammuddin nhận định việc thành tập tòa án như vậy là cần thiết bởi những mối đe dọa từ những nhóm phiến quân này đang hiện hữu trên khắp đất nước Malaysia. Ông nói: “Nếu chúng ta không tiến hành các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn thì những đối tượng này sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát của chúng ta, điều này sẽ là mối đe dọa đối với an ninh.
Sáng kiến này đã được thảo luận tại Hội đồng An ninh Quốc gia, một tòa án như vậy sẽ hỗ trợ chúng tôi trong cuộc chiến với những nhóm phiến quân, và cũng đẩy nhanh quá trình xét xử”.
Trước đó hôm 12/12, Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Najib Tun Razak đã chỉ đạo Chánh án Tòa án Tối cao nước này thành lập một tòa án đặc biệt để xét xử những phần tử bị tình nghi có liên quan đến những phiến quân hoặc những nhóm khủng bố nhằm giải quyết vấn đề này.
Được biết, tuy Malaysia đã tham gia liên minh quân sự chống khủng bố gồm 34 quốc gia Hồi giáo do Saudi Arabia đứng đầu nhưng sẽ không đóng góp lực lượng vào liên minh này.
Bước đệm quan trọng
Các nhà phân tích cho rằng, việc Saudi Arabia bất ngờ tuyên bố thành lập một liên minh quân sự Hồi giáo chống khủng bố trong bối cảnh Vương quốc này đang theo đuổi mục tiêu gia tăng ảnh hưởng ở khu vực và kiềm chế sức mạnh của quốc gia đối thủ Cộng hòa Hồi giáo Iran ở khu vực là nhằm tiến tới giành lấy vai trò lãnh đạo ở Trung Đông.
Các động thái ngoại giao tích cực Saudi Arabia tiến hành thời gian qua ở khu vực đã cho thấy nước này đang đặt mục tiêu liên kết các quốc gia Arab, tìm kiếm các đồng minh mới với hy vọng tạo ra một mặt trận thống nhất nhằm đối phó với các thách thức chung, trong đó có lực lượng khủng bố IS.
Có thể thấy việc Saudi Arabia thành công trong việc tập hợp một liên minh khu vực gồm 10 nước chống phiến quân Hồi giáo dòng Shiite tại Yemen được cho là do Iran hậu thuẫn đã tạo bước đệm quan trọng để nước này thúc đẩy tham vọng tái cấu trúc quyền lực tại Trung Đông.
Và việc nước này tuyên bố thành lập một liên minh chống khủng bố mới gồm 34 quốc gia là một bằng chứng.
Ở một khía cạnh khác, Saudi Arabia tuyên bố thành lập một liên minh chống khủng bố mới trong bối cảnh liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu tại Syria hoạt động không mấy hiệu quả và đang ngày càng thiếu sự gắn kết.
Mặc dù cũng tham gia liên minh do Mỹ đứng đầu tiến hành không kích chống IS tại Iraq và Syria nhưng Saudi Arabia không mấy tích cực, giống như nhiều nước Arab vùng Vịnh khác.
Trước đây, Mỹ đã tích cực kêu gọi các nước Arab vùng Vịnh tăng cường viện trợ cho chiến dịch quân sự chống IS ở Iraq và Syria nhưng chỉ nhận được rất ít sự hưởng ứng thực chất. Theo tuyên bố ban đầu, liên minh này thu hút sự ủng hộ của 65 quốc gia nhưng chỉ có chưa đầy 12 quốc gia đang thực sự góp sức cho liên minh này. Nên hầu như mọi cuộc không kích nhằm vào các tay súng IS đều do quân đội Mỹ tiến hành.
Chính vì vậy, động thái trên của Saudi Arabia được coi là hành động “qua mặt” đồng minh Washington để chứng tỏ mình có đủ năng lực, uy tín để tập hợp lực lượng. Từ lâu, Saudi Arabia đã cho thấy quyết tâm muốn thoát khỏi chiếc bóng của đồng minh Washington và “cái ô bảo trợ an ninh” của Mỹ đang ngày càng trở nên không thoải mái với Riyadh bởi những ràng buộc lợi ích chính trị, quân sự và kinh tế.
Trong khi đó, việc Saudi Arabia nhận được sự ủng hộ của các nước Arab trong việc thành lập liên minh chống khủng bố cũng cho thấy khát vọng được tự giải quyết các vấn đề khu vực mà không phải phụ thuộc vào Mỹ của khối các nước Arab đang ngày càng mạnh mẽ.
Hơn nữa, tiêu diệt IS cũng nằm trong lợi ích an ninh quốc gia của Saudi Arabia vì tổ chức khủng bố này từng tuyên bố sẽ lật đổ những nền quân chủ ở khu vực. Nhất là trong bối cảnh hiện nay có nguy cơ IS “tuyên bố thành lập chính quyền” ở Libya, tạo mối nguy cho các quốc gia Hồi giáo khác.
Trên thực tế, lợi dụng sự hỗn loạn quyền lực tại Libya, IS đang xây dựng một căn cứ địa mới ở phía Bắc quốc gia Bắc Phi và mở rộng mạng lưới khủng bố tại khu vực này.
Vì vậy, không chỉ Mỹ, các nước phương Tây mà cả các nước Arab Hồi giáo cũng không thể khoanh tay ngồi nhìn để nguy cơ khủng bố đang ngày càng tiến gần biên giới quốc gia.