Theo quy định tại điều 23 Luật Nuôi con nuôi, 6 tháng một lần trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ nuôi có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ thường trú về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của con nuôi với cha mẹ nuôi, gia đình, cộng đồng ; Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cha mẹ nuôi thường trú có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện việc nuôi con nuôi.
Tuy nhiên, trên thực tế theo phản ánh của một số địa phương, nhiều Uỷ ban nhân dân cấp xã không nhận được thông báo của cha, mẹ nuôi về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của con nuôi với cha, mẹ nuôi, gia đình, cộng đồng theo quy định nói trên. Trong khi pháp luật chưa có chế tài xử lý dẫn đến lúng túng trong triển khai thực hiện.
Vấn đề này, Bộ Tư pháp cũng nhìn nhận, việc cha, mẹ nuôi không thực hiện nghĩa vụ báo cáo về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần và sự hòa nhập của con nuôi là thực trạng tương đối phổ biến ở nhiều địa phương hiện nay do không có chế tài để đảm bảo thực hiện. Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã chưa quy định mức xử phạt đối với hành vi không thực hiện nghĩa vụ này của cha, mẹ nuôi.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Nuôi con nuôi, bên cạnh trách nhiệm thông báo tình hình phát triển của con nuôi mà cha, mẹ nuôi có nghĩa vụ thực hiện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký thường trú của cha, mẹ nuôi cũng cần đảm bảo thực hiện tốt trách nhiệm kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện việc nuôi con nuôi, trong đó có việc tuyên truyền, phổ biến, đôn đốc cha, mẹ nuôi thực hiện nghĩa vụ báo cáo tình hình phát triển của con nuôi trong trường hợp không nhận được báo cáo định kỳ theo quy định.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, về phía địa phương, được biết trên phạm vi cả nước, nhiều UBND cấp tỉnh, Sở Tư pháp đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện chỉ đạo cấp xã thực hiện nghiêm các quy định của Luật Nuôi con nuôi và Nghị định Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 05/3/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật nuôi con nuôi; Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 19/01/2018 về tăng cường công tác giải quyết việc nuôi con nuôi trong tình hình mới của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề nghị tăng cường các biện pháp về việc việc thông báo tình hình phát triển của con nuôi và theo dõi việc nuôi con nuôi.
Về phía cơ quan quản lý, Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp cũng đã đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký việc nuôi con nuôi và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi khi đăng ký việc nuôi con nuôi, đảm bảo thực hiện việc tư vấn đầy đủ về mục đích nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi, trong đó cha, mẹ nuôi có nghĩa vụ thông báo tình hình phát triển của con nuôi.
UBND có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện việc nuôi con nuôi tại nơi cha, mẹ nuôi thường trú. Trường hợp người nhận con nuôi không thường trú tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký việc nuôi con nuôi thì Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký việc nuôi con nuôi thông báo cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú để kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện việc nuôi con nuôi.
Trong thời gian tới, Cục Con nuôi cho biết sẽ tổng hợp, rà soát và tiến hành nghiên cứu sửa đổi quy định của pháp luật để đảm bảo việc theo dõi tình hình phát triển của con nuôi trong nước được thực hiện đầy đủ, nghiên cứu về việc áp dụng chế tài trong trường hợp cha, mẹ nuôi không thực hiện nghĩa vụ báo cáo về tình hình phát triển của con nuôi.