Dẫn thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), TS Nguyễn Hoàng Nam (Viện Chiến lược chính sách tài nguyên môi trường) cho hay, Việt Nam là một trong 4 nước phát sinh rác thải nhựa nhiều nhất trên thế giới, với số lượng 280.000 tấn mỗi năm; hơn 70% số này xử lý bằng phương pháp chôn lấp dẫn đến tốn diện tích đất và gây ô nhiễm môi trường.
Ông Jorg Ruger, người phụ trách Môi trường của Đại sứ quán Đức nhận xét, Việt Nam hiện ở tình trạng giống Đức năm 1972 khi nước này có 50.000 bãi chôn lấp rác. “Chính phủ Đức sau đó nhận ra việc chôn lấp rác gây ô nhiễm và không tận dụng được nguồn tài nguyên này nên đã đề ra nhiều phương pháp thay thế. Đến năm 2016, Đức giảm còn 300 bãi chôn lấp rác và dự kiến sẽ xóa bỏ hoàn toàn vào năm 2020”, ông Jorg Ruger nói.
Ông Kim In Hwan, nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc cũng cho biết, trong vòng 30 năm từ 1982 đến 2013, nước này đã giảm được tỉ lệ chôn lấp rác thải từ 96% xuống còn 16% và mục tiêu đến năm 2025 đưa tỉ lệ này về ngưỡng 3%.
Tiếp thu các ý kiến nêu trên, ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các đơn vị của Bộ này sớm tham mưu chính sách, lộ trình để chấm dứt tình trạng chôn lấp rác thải. Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan chức năng nên nghiên cứu chính sách thu phí dựa trên khối lượng xả rác của các tổ chức, cá nhân, “đơn vị nào xả rác nhiều thì phải nộp nhiều tiền”.