Dân không cho thi công san lấp mặt bằng
Liên tiếp nhiều ngày qua, người dân thôn Đại An (xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) dựng lều trại tại ngay khu đất được quy hoạch xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt xã Đại Nghĩa, để tập trung phản đối dự án này từ chính quyền Quảng Nam…
Ngày 11/8, thời tiết khá nắng gắt, song hàng trăm người dân vẫn có mặt tại khu đất được quy hoạch xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt xã Đại Nghĩa. Để đảm bảo việc phản ứng lâu dài, người dân còn mang đồ ăn, thức uống và tụ tập từ sáng sớm cho tới chiều tối nhằm ngăn cản đơn vị thi công san lấp mặt bằng. Tại đây, một lều trại cũng được dựng lên, bên ngoài giăng băng rôn căng ngang với dòng chữ “Phản đối xây dựng nhà máy rác”.
Theo người dân, cách đây nửa tháng, một nhóm công nhân bắt đầu đưa phương tiện, máy móc lên khu đất thuộc núi Sơn Gà (xã Đại Nghĩa) và thực hiện việc san ủi. Đặc biệt, khoảng gần một tuần nay, bà con đi làm đồng phát hiện nhóm người này cày xới đất đồi núi để xây dựng lò đốt rác thải. Lập tức, cả trăm hộ trong thôn ùn ùn cuốc bộ 5km đến vị trí của dự án, bắt đầu ngăn cản
Ông Nguyễn Thanh Vân (ngụ thôn Đại An) cho biết, dự án lò đốt rác thải sinh hoạt xã Đại Nghĩa do Công ty Cổ phần môi trường đô thị Quảng Nam làm chủ đầu tư. Dự án chia làm hai giai đoạn và công trình dự kiến đi vào hoạt động trong quý I/2020.
Dự án có diện tích sử dụng 7ha, trong đó 4ha đường giao thông vào khu xử lý, 3ha khu nhà máy xử lý rác thải. Vị trí lò đốt rác nằm rất gần khu dân cư. Vì thế, ông và bà con bày tỏ thái độ không đồng tình vì nhiều khả năng sẽ khiến môi trường địa phương lâm vào tình cảnh ô nhiễm.
Theo tính toán của các hộ dân, với mức đầu tư của dự án chỉ 98 tỷ đồng cho hai modul đốt, số tiền này “để xây đường lên lò đốt và làm nhà xưởng cũng đã cạn tiền, nói chi đến việc đầu tư xử lý khói và nước rỉ rác”. Vừa nói, người dân chỉ vào các hố đào đầy nước ngầm để chứng minh các lo lắng về nguồn nước của mình.
Ngoài ra, khi tham chiếu mức đầu tư Nhà máy đốt rác Cần Thơ 1.050 tỷ đồng, Nhà máy đốt rác Khánh Sơn 1.650 tỷ đồng... nên họ càng lo lắng ở công nghệ lò đốt, trong đó có vấn đề xử lý khói. Hơn nữa, tại địa phương này còn đang bị “bủa vây” bởi khói của hai nhà máy cám, một nhà máy gạch tuynen, nay tiếp tục đến nhà máy rác sẽ “bức tử” không khí, môi trường.
Cũng lời ông Vân, năm ngày trước, khi dựng lều, cán bộ huyện lên vận động với cam kết sẽ tạm thời dừng thi công dự án, người dân tự nguyện ra về. Thế nhưng thực tế, công nhân vẫn tiếp tục đào xới, san lấp mặt bằng ở khu đất dự án khiến bà con không tin tưởng.
Những người phản đối dựng lều túc trực không cho san lấp mặt bằng. |
Trước tình hình trên, ông Trương Nhành, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa đứng ra tổ chức cuộc họp nhưng người dân không chịu đến dự và đành bất lực trước sự việc.
“Bà con thôn Đại An yêu cầu phải tổ chức họp dân ngay ở nhà văn hóa thôn chứ nhất quyết không tới hội trường của UBND xã. Chúng tôi sẽ sắp xếp một buổi đối thoại khác trong thời gian tới nhằm giải quyết bức xúc của người dân. Còn việc dự án thi công, đã có kế hoạch từ năm 2011”, ông Nhành nói.
Tỉnh “hàng xóm” cũng lên tiếng phản đối
Trước khi bị chính người dân địa phương phản đối, cách đây không lâu, phía Đà Nẵng cũng từng bày tỏ sự lo ngại đối với dự án này. Cụ thể, vào ngày 23/5, Công ty CP cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đã ra công văn gửi HĐND và UBND TP Đà Nẵng.
Theo nội dung công văn, Dawaco cho rằng vị trí xây dựng lò đốt rác ở xã Đại Nghĩa, cách đập dâng An Trạch khoảng 4km, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước sông Yên hiện đang cung cấp cho hơn 1 triệu người dân Đà Nẵng.
Dawaco đề nghị HĐND, UBND TP Đà Nẵng quan tâm đến dự án lò đốt rác thải sinh hoạt trên và làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam để có hướng phối hợp xử lý điều chỉnh vị trí dự án; đồng thời chỉ đạo đến các cơ quan quản lý chuyên ngành tham mưu, giải quyết để không gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn cấp nước cho dân Đà Nẵng.
Thế nhưng, đáp lại ý kiến trên, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng lo lắng của Dawaco “quá xa, không phù hợp với thực tế”.
Ông Thanh cho rằng, toàn bộ các hạng mục công trình của dự án Nhà máy xử lý rác Đại Nghĩa được khép kín trong khuôn viên nhà máy, cách ly với môi trường bên ngoài. Phía ngoài tường rào có rãnh thu nước để toàn bộ nước bên ngoài không chảy vào khu vực nhà máy.
Rác thải được vận chuyển về đây sẽ đưa vào tập trung trong bể bằng bê tông thuộc khu nhà chứa khép kín rộng 3.168m2. Ngoài ra, công trình này còn có hệ thống thu gom khí tại bể chứa để dẫn về lò đốt, bổ sung không khí cho quá trình đốt theo chu trình khép kín và “vì vậy ngay trong nhà máy cũng gần như không có mùi”.
Hơi nóng của lò đốt sẽ được tận dụng để sấy khô rác. Nước rỉ rác có rất ít và được dẫn vào hệ thống bốn bể xử lý rồi chuyển qua chứa trong bể sinh học (dung tích tối đa 3.500m3).
Cũng ở nội dung liên quan, trao đổi với PLVN, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng vừa cho biết, về dự án lò đốt rác thải sinh hoạt tại xã Đại Nghĩa, UBND thành phố đã ban hành văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị của tỉnh Quảng Nam đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá sức chịu tải các nguồn thải của sông Vu Gia - Thu Bồn.
Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường tham gia rà soát các hoạt động có các nguồn thải có nguy cơ ảnh hưởng đến lưu vực sông, đề xuất các nội dung triển khai đánh giá sức chịu tải trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn...
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng nói thêm, hiện nay đang chuẩn bị các nội dung để trình ra cuộc họp giữa kỳ năm 2019 của Ban điều phối về quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng (dự kiến diễn ra trong tháng 8/2019), trong đó có các nội dung: Thách thức khai khác nguồn nước sinh hoạt cho TP Đà Nẵng, công tác phối hợp kiểm soát các hoạt động có nguồn thải trên lưu vực sông.