Tan vỡ gia đình vì nỗi lo kinh tế
Cách đây không lâu, M.T - một “hot girl” tương đối nổi tiếng ở Việt Nam chia sẻ câu chuyện sau khi cô sinh con và lấy chồng. Được biết, chồng của M.T và cô đều làm công việc tự do, thu nhập tương đối tốt. Trước khi kết hôn, cả hai đều có xu hướng chi tiêu cho bản thân.
Sau khi lập gia đình, đặc biệt là lúc đã có con, chi phí trong gia đình tăng, hai vợ chồng M.T liên tục phải cắt giảm nhiều khoản chi tiêu phục vụ sở thích cá nhân. Vào giai đoạn căng thẳng, hai vợ chồng thường xuyên tranh luận, cãi nhau về trọng trách kinh tế trong gia đình.
Thực tế cho thấy, hiện nay, cuộc sống đã có thay đổi so với trước kia. Khi cả người phụ nữ và đàn ông trong gia đình đều có công việc riêng, kiếm ra nguồn thu nhập. Kinh tế - xã hội phát triển, đặt ra hàng loạt các nhu cầu không chỉ đảm bảo cuộc sống no đủ. Đặc biệt, các gia đình trẻ còn chi tiêu rất nhiều thú vui mua sắm, hưởng thụ, giải trí để giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống.
Từ nỗi lo về kinh tế, các cặp vợ chồng trẻ nảy sinh ra rất nhiều mâu thuẫn khác. Lấy ví dụ, áp lực của người đàn ông khi phải trở thành trụ cột trong gia đình. Theo Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), nam giới Việt Nam thường có xu hướng cho rằng bổn phận trước nhất của họ là nuôi sống gia đình. Chính vì vậy, tài chính và sự nghiệp là hai vấn đề gây áp lực lớn nhất cho nam giới cả ở nông thôn và đô thị.
Gần một phần tư số người tham gia khảo sát cho biết họ cảm thấy áp lực trong cuộc sống, trong đó có hơn 80% cảm thấy bị áp lực về tình trạng tài chính và gần 70% bị áp lực về sự nghiệp. Ngược lại, một số người vợ trẻ vẫn chịu ảnh hưởng ít nhiều từ các tư tưởng truyền thống, khi vẫn mong muốn chồng làm trụ cột kinh tế.
Từ mâu thuẫn về cán cân kinh tế, dễ dẫn đến những vụ đổ vỡ hôn nhân sau một thời gian ngắn. Trong vài năm trở lại đây, tỷ lệ người trẻ ly hôn đang có xu hướng tăng cao và lý do về kinh tế chiếm một phần không hề nhỏ. Ngoài ra, gánh nặng kinh tế đang làm người trẻ “chùn bước” sợ hãi việc kết hôn.
Chia sẻ với truyền thông, chuyên gia tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy - Giám đốc Trung tâm tâm lý chuyên nghiệp Welink nhận định, cuộc sống hiện đại có quá nhiều thú vui hấp dẫn. Áp lực từ hôn nhân gia đình, cùng nhau sẻ chia gánh nặng, chăm sóc, nuôi dạy con cái khiến nhiều người trẻ lựa chọn cuộc sống độc thân.
Cần sự chia sẻ để cùng giữ gìn hạnh phúc
Sau khi kết hôn, việc phải cân nhắc về chi tiêu và tiết kiệm khoản tiền chuẩn bị cho kế hoạch tương lai sau này khiến không ít các cặp vợ chồng trẻ phải “đau đầu”. Do đó, một trong những điều cần làm sau khi kết hôn đó chính là phải có những cuộc thảo luận giữa cặp đôi về kinh tế trong gia đình, cùng bàn bạc và tính toán cụ thể cho mức chi tiêu tối thiểu hàng tháng của hai vợ chồng. Theo đó, cuối tháng hãy cùng ngồi lại với nhau để xem xét về mức chi phí. Nếu số tiền chi tiêu vượt trội so với dự kiến, hãy cùng nhau tìm phương án khắc phục hiệu quả hơn.
Chia sẻ với phóng viên, Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh Tăng Thị Sinh, đã có nhiều năm làm tư vấn chiến lược kinh doanh, nhận định kinh tế là một trong những lý do khá nhạy cảm khiến các cặp vợ chồng trẻ thường xuyên cãi vã, thậm chí là đi đến quyết định ly dị nếu không tìm được tiếng nói chung. Đặc biệt, khi hai vợ chồng đều có thu nhập không đồng đều sẽ dễ dẫn đến mâu thuẫn gia đình ảnh hưởng đến tình cảm và tâm lý.
Để tránh tình huống xấu xảy ra, vợ chồng cần thống nhất quan điểm rõ ràng về tài chính trong gia đình. Đồng thời, vợ chồng cùng cố gắng hỗ trợ nhau làm việc để có thể tăng thêm thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, điều này sẽ giúp gia đình trẻ luôn được thuận hòa và yên ấm.