Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thể hiện tầm nhìn dài hạn
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ luật Lao động 2019 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung lớn, quan trọng; sẽ có khoảng 14 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 7 thông tư của Bộ LĐTB&XH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật này.
Giải thích thêm về vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, ông Dung cho rằng “chưa bao giờ là dễ với bất cứ quốc gia nào”. Đây là quyết tâm chính trị rất lớn của chúng ta, thể hiện tầm nhìn dài hạn, có tính chất chiến lược để đón xu hướng già hóa dân số.
“Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của chúng ta là thực hiện đa mục tiêu chứ không phải vì một mục tiêu nhỏ nào đó. Trước hết là tăng trưởng kinh tế, thứ hai là giải quyết công ăn việc làm cho giới trẻ, thứ ba là thích ứng với già hóa dân số. Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất và đang ở giai đoạn đang già, chúng ta sẽ rơi vào giai đoạn cực điểm của già vào năm 2040”- Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH nói.
Vẫn theo ông Đào Ngọc Dung, mục tiêu thứ tư của việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là để bảo toàn sự phát triển bền vững của Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH). Thứ năm là đảm bảo rút dần khoảng cách chênh lệch về giới và tiến tới tuổi nghỉ hưu của nam và nữ có thể cân bằng.
Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu vì hướng tới đa mục tiêu nên kèm theo sửa đổi Bộ luật Lao động phải sửa đổi rất nhiều luật liên quan đến quyền của người nghỉ hưu và người được hưởng chế độ hưu. Nghị quyết 28 đưa ra 11 nội dung cải cách BHXH thì bản thân Bộ luật này mới giải quyết được 1 khâu, đó là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.
Còn 10 nội dung nữa cũng liên quan đến tuổi nghỉ hưu cũng phải điều chỉnh. Ví dụ, việc giảm thời gian đóng - hưởng BHXH. Hiện nay chúng ta quy định là 20 năm; bình quân trên cả nước hiện nay, mỗi người đóng 19,8 năm, như vậy một người khi nghỉ hưu chỉ hưởng đủ 10 năm, còn 9 năm 8 tháng phải “ăn nhờ” thế hệ sau. Chúng ta thấy điều đó để tính toán và phải điều chỉnh 10 nội dung nữa trong Luật BHXH.
“Trong quy định về tuổi nghỉ hưu, nếu trước đây chúng ta nói “có thể được nghỉ hưu” ở độ tuổi này, nhưng hiện nay chúng ta cùng từ “có quyền”, tức là có quyền nghỉ hưu sớm hơn hoặc muộn hơn so với trần đó. Và quyền này có thể quy định bằng Luật BHXH: anh có thể nghỉ hưu trước 5 năm, thậm chí 10 năm, nhưng nếu chưa đủ tuổi nghỉ hưu thì phải chờ. Cũng có thể anh chưa đủ tuổi nghỉ hưu thì có thể đóng bổ sung 1 lần để đủ tuổi nghỉ hưu. “Quyền” này rất linh hoạt là như vậy” - Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH giải thích thêm.
Quy định cụ thể chế độ cán bộ bị xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm
Đối với quy định về tiền lương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, từ 1/1/2021, tinh thần chung là sẽ tách lương công chức, viên chức khác với lương hưu. Lương hưu lấy từ BHXH; lương công chức, viên chức sẽ do Nhà nước chi trả, còn lương doanh nghiệp sẽ do chủ sử dụng lao động trả.
Theo cách tính này thì lương hưu sẽ lấy từ Quỹ BHXH, như vậy chúng ta hoàn toàn có thể phân loại được những đối tượng người nghỉ hưu được quan tâm cao hơn, như đối với người nghỉ hưu trước năm 1993 sẽ được điều chỉnh theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt hơn.
Chia sẻ về việc “lương của chồng có thể chuyển vào tài khoản của vợ”, ông Dung cho rằng điều này là hoàn toàn hợp pháp nếu có sự thỏa thuận.
“Kể cả lương của vợ có thể chuyển vào tài khoản của tôi thì việc đó là hoàn toàn do hai vợ chồng thỏa thuận, nhằm tạo sự thuận lợi, tránh tình trạng là lương của tôi cứ phải chuyển vào tài khoản của tôi rồi tôi lại phải đưa cho vợ thì bây giờ chuyển cho vợ sẽ tạo thuận lợi hơn”- Bộ trưởng Dung nói.
Một trong những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là bổ sung và giao Chính phủ quy định cụ thể đối với cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác (áp dụng đối với cả người có hành vi vi phạm trước ngày 1/7/2020) thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm, gắn hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.
Theo quy định này, ngoài việc bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm thì cán bộ, công chức đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu còn bị xử lý cả quyền lợi vật chất kèm theo. Vậy “quyền lợi vật chất kèm theo” này là những gì?
Giải thích vấn đề này tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, mọi hành vi vi phạm của cán bộ, công chức trong thời gian công tác đều bị xử lý nghiêm theo pháp luật. Theo đó, việc xử lý kỷ luật này cũng phải gắn hệ quả pháp lý tương ứng. Bộ Nội vụ sẽ phối hợp, thống nhất với Ban Tổ chức Trung ương xem chế độ như thế nào, cả vấn đề xe, khám chữa bệnh..v..v… để xử lý sao cho hợp lý. Và Chính phủ sẽ quy định chi tiết vấn đề này.