Sẽ có bảo hiểm cho cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp

(PLVN) - Nhiều ủy viên Thường vụ đánh giá ưu điểm của bảo hiểm vi mô bởi đây là loại hình bảo hiểm dành cho các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp. Tuy nhiên, cũng cần xác định nguyên tắc quản lý để không phát triển tràn lan loại hình bảo hiểm này.

Sáng nay (13/9), ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội (QH), Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ QH khóa XV bắt đầu phiên làm việc cho ý kiến vào dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Một trong những nội dung mới của dự thảo Luật sửa đổi lần này là quy định mới về bảo hiểm vi mô, bao gồm nội dung về đặc trưng bảo hiểm vi mô và các tổ chức được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô (doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô).

Quang cảnh Phiên họp thứ 3.

Quang cảnh Phiên họp thứ 3.

Thừa ủy quyền Thủ tướng trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, bảo hiểm vi mô là loại hình bảo hiểm dành cho các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp nhằm bảo vệ trước những rủi ro có thể xảy ra liên quan đến tính mạng, sức khỏe và tài sản. Sản phẩm bảo hiểm vi mô có các đặc điểm cơ bản như thiết kế ngắn gọn, dễ hiểu, có thủ tục thẩm định đơn giản hoặc không cần thẩm định bảo hiểm.

Quyền lợi của sản phẩm bảo hiểm vi mô chỉ bao gồm các quyền lợi nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ cơ bản; Số tiền bảo hiểm trên từng hợp đồng bảo hiểm vi mô không vượt quá 5 lần thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn cận nghèo ở khu vực thành thị theo quy định của Chính phủ. Quy định về bảo hiểm vi mô cũng đã được rà soát đảm bảo đáp ứng các Hiệp định song phương và đa phương có cam kết về kinh doanh bảo hiểm...

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, hiện có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với các quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật và cho rằng loại hình bảo hiểm này hướng tới các đối tượng có thu nhập thấp, đặc biệt hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao nhằm bảo vệ họ trước những rủi ro có thể xảy ra liên quan đến tính mạng, sức khỏe và tài sản.

Loại ý kiến thứ hai thì đề nghị cần cân nhắc, làm rõ cơ sở và sự cần thiết quy định về loại hình bảo hiểm vi mô tại dự thảo Luật.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, để bảo đảm tính khả thi của Luật, đề nghị cơ quan soạn thảo tổng kết, đánh giá đầy đủ về tính hiệu quả của việc thí điểm thực hiện hoạt động bảo hiểm vi mô trong thời gian qua; phân tích, đánh giá kỹ tác động kinh tế - xã hội, chi phí, lợi ích của loại bảo hiểm này; bổ sung đầy đủ các quy định về bảo hiểm vi mô; phân tích rõ sự khác biệt giữa loại hình bảo hiểm này so với bảo hiểm thông thường. Đồng thời, đánh giá việc trong 16 năm qua chưa có tổ chức bảo hiểm tương hỗ nào được thành lập theo quy định tại Nghị định số 18/2005/NĐ-CP của Chính phủ.

Góp ý vào quy định trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng bảo hiểm vi mô là vấn đề mới, chưa chín, chưa ổn định nhưng để đáp ứng yêu cầu quản lý thì ông tán thành là cần có quy định về loại hình bảo hiểm này nhằm hỗ trợ cho người yếu thế, người nghèo. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật cần nêu một số nguyên tắc như tổ chức nào được cung cấp bảo hiểm vi mô để không dẫn đến tình trạng phát triển tràn lan, không quản lý được; có cần thiết hỗ trợ về ngân sách Nhà nước hay không…

Phó Chủ tịch Thường trực QH Trần Thanh Mẫn đề nghị đánh giá đầy đủ về hiệu quả của việc thí điểm bảo hiểm vi mô, giải trình hiện nay chưa thuyết phục trong việc hướng tới đối tượng thu nhập thấp. Trong khi đó, tỷ lệ hộ nghèo nước ta dưới 3%, nghèo và cận nghèo trên 8% nhưng tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất cao, đòi hỏi phải quan tâm hỗ trợ các đối tượng khó khăn như vậy.

Phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 3, điểm lại dự kiến chương trình Phiên họp với nhiều nội dung quan trọng, cấp bách, Chủ tịch QH cho biết, tổng khối lượng công việc phải làm trong Phiên họp này khá lớn, tập trung vào nhiều nội dung cần trình QH tại Kỳ họp thứ 2. Vì vậy, các thành viên UBTVQH cần làm việc hết sức tập trung, chủ động sắp xếp lịch làm việc của mình và dự họp đầy đủ, đúng thành phần, cố gắng cao nhất hoàn thành chương trình đúng dự kiến, đảm bảo các nội dung trình QH đạt chất lượng cao.

Chủ tịch QH cũng đề nghị Chính phủ, cơ quan trình chủ động, cử cán bộ có trách nhiệm tham dự các phiên làm việc, đảm bảo chất lượng Phiên họp.

Đọc thêm