Sẽ có chế tài xử lý cán bộ kê khai sai tài sản

"Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc kê khai tài sản, thu nhập đối với những cán bộ lãnh đạo giữ vị trí quan trọng là cần thiết và những việc đó sẽ được đưa vào Luật và các nghị định, văn bản hướng dẫn cụ thể. Và từ đó, chúng ta sẽ đưa ra chế tài để xử lý những trường hợp kê khai không đúng quy định", Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh nói.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tham nhũng dự kiến được cho ý kiến và biểu quyết thông qua ngay ở kỳ họp Quốc hội cuối năm nay đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh thông tin về hướng sửa Luật Phòng chống tham nhũng.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh
Nâng cao chất lượng kê khai tài sản
- Có thể nói, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung có nhiều điểm đột phá mạnh mẽ hơn về biện pháp phòng ngừa như quy định việc kê khai tài sản, thu nhập và trách nhiệm giải trình với những tài sản tăng thêm. Là cơ quan được giao chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi lần này, Thanh tra Chính phủ sẽ cụ thể hóa những quy định nào về vấn đề trên?.
- Thanh tra Chính phủ đang tổng kết việc thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, làm cơ sở xem xét những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung. Những vấn đề mà báo chí quan tâm, đề cập, Thanh tra Chính phủ cũng rất lưu ý, đặc biệt là công tác phòng ngừa tham nhũng. Trong đó, yêu cầu công khai minh bạch cũng là một nội dung được cộng đồng xã hội, nhân dân, các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm rất nhiều.
Đối với công khai, minh bạch lại quan tâm nhất đến những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Ví dụ, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công khai quy hoạch đầu tư, xây dựng, phát triển không gian, đặc biệt là đất ở các khu đô thị lớn; công khai trong quy trình đầu tư, mua sắm tài sản công; công khai trong việc cấp phép khai thác, quản lý khai thác khoáng sản; công khai trong quy hoạch phát triển rừng ở những địa phương có rừng…
Thanh tra Chính phủ cũng rất quan tâm đến lĩnh vực kê khai tài sản, thu nhập. Về kê khai tài sản, thu nhập, có rất nhiều nội dung cần đề cập như đối tượng kê khai là ai, kê khai lần đầu như thế nào, nội dung kê khai những vấn đề gì, kê khai lần thứ 2 thì vấn đề giám sát, kiểm tra, đánh giá tài sản, thu nhập tăng thêm ra sao…
- Trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, Thanh tra Chính phủ đề xuất mở rộng diện kê khai tài sản, thu nhập tới tất cả các Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đang công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, trừ những Đảng viên đã nghỉ hưu hoặc là nông dân. Thanh tra Chính phủ căn cứ vào đâu để đề xuất như vậy, thưa ông?.
- Tôi cho rằng, việc kê khai tài sản, thu nhập là một hoạt động rất bình thường, nếu đã có tài sản, thu nhập thì đối tượng nào cũng có thể kê khai được và cứ kê khai đàng hoàng. Khi chúng ta hoàn toàn minh bạch, việc kê khai, công khai tài sản hoàn toàn có thể tiến hành được. Tuy nhiên, để quản lý đối tượng cán bộ thuộc diện kê khai, cần phải bàn thêm về lộ trình, thời gian, thời điểm và nội dung thích hợp. 
- Có ý kiến cho rằng việc mở rộng diện đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập không quan trọng bằng việc làm sao để việc kê khai, công khai tài sản của các cán bộ lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo chủ chốt hiện nay đi vào thực chất, chứ không mang tính hình thức như thời gian qua?.
- Tôi cho rằng việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc kê khai tài sản, thu nhập đối với những cán bộ lãnh đạo giữ vị trí quan trọng là cần thiết và những việc đó sẽ được đưa vào Luật và các nghị định, văn bản hướng dẫn cụ thể. Và từ đó, chúng ta sẽ đưa ra chế tài để xử lý những trường hợp kê khai không đúng quy định.
Công khai bản kê tài sản ở khu dân cư là bình thường
- Việc công khai cũng sẽ trở nên hình thức nếu chúng ta không kiểm soát được thu nhập của cán bộ công chức. Vì sao Đề án kiểm soát thu nhập của cán bộ công chức nhà nước được manh nha từ khi xây dựng Luật Phòng chống tham nhũng mà đến nay vẫn chưa thể ban hành?
- Đó đúng là ý kiến rất quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, để tổ chức được thì chúng ta cần phải có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều khâu, nhiều ngành và của cả hệ thống pháp luật. Không thể tự nhiên một vấn đề mà chúng ta có thể công khai, kiểm soát được ngay. Thanh tra Chính phủ chỉ là một trong những cơ quan được tham gia vào việc xây dựng Đề án nên không thể nói cụ thể được.
- Kê khai tài sản, thu nhập không phải bây giờ mới đặt ra mà thực tế đã tiến hành nhưng không hiệu quả vì không công khai. Để khắc phục hiện tượng trên, trong Luật sửa đổi, bổ sung lần này, cơ quan soạn thảo tính đến việc công khai thế nào để người dân có thể giám sát hoạt động kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức?
- Việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập là cần thiết, đối tượng kê khai hẳn rằng là những cán bộ có chức có quyền, giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước nên càng cần phải công khai. Đó là ý kiến mà chúng tôi đề xuất. Còn cụ thể chắc chắn sẽ còn nhiều tranh luận, bàn cãi và mong trong thời gian tới sẽ có những đề xuất đầy đủ, sáng tạo hơn nữa.
Ngoài việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập ở cơ quan, nhiều ý kiến đề xuất quy định niêm yết công khai cả ở khu dân cư, nơi cư trú để tăng hiệu lực giám sát đối với một số nhóm đối tượng, chẳng hạn người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND. Ông đánh giá thế nào về đề xuất này?
- Tôi nghĩ đây cũng là chuyện hết sức bình thường. Nếu chúng ta càng minh bạch, càng rõ ràng thì công khai đến tận người dân là việc rất tốt, người dân càng dễ thực hiện giám sát. Tuy nhiên, cũng còn phải tùy thuộc vào từng giai đoạn, thời điểm và đánh giá tác động từng bước thận trọng để tránh tình trạng có những bất cập trong việc công khai không được rõ ràng mà các điều luật chưa tính đến hết. 
Xử lý mạnh người không giải trình được tài sản tăng thêm
- Còn trách nhiệm giải trình với tài sản tăng thêm - một điểm cũng được đánh giá là mới trong Luật sửa đổi, bổ sung. Tới đây Thanh tra Chính phủ dự tính thế nào, có xử lý người kê khai hoặc tịch thu tài sản không rõ nguồn gốc?
- Việc xử lý đối với tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình hợp lý là vấn đề phức tạp cả về pháp luật và thực tiễn, cần có thời gian nghiên cứu thêm cùng quá trình sửa đổi một số đạo luật khác có liên quan như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự. Song người kê khai tài sản, thu nhập mà có tài sản tăng thêm thì phải có trách nhiệm giải trình rõ. Đối tượng này sẽ được quy định trong Luật. Đương nhiên, Luật đề cập đến trách nhiệm giải trình thì sẽ có chế tài cần thiết và liên quan để xử lý nếu không giải trình được. 
Cụ thể, Dự thảo Luật đã đề xuất xử lý kỷ luật người không giải trình được một cách hợp lý phần tài sản, thu nhập tăng thêm đã kê khai. Cơ quan quản lý cán bộ, người có thẩm quyền xác minh tài sản, thu nhập tăng thêm sẽ xem xét xử lý kỷ luật đối với người kê khai tài sản không trung thực.
- Theo kinh nghiệm của thế giới, nhiều nước xử lý rất mạnh việc không giải trình được tài sản tăng thêm, như trưng thu, thậm chí người không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm còn bị khởi tố hình sự về hành vi tham nhũng. Quan điểm của chúng ta có làm mạnh như thế?
- Đây là vấn đề hết sức quan trọng và nhạy cảm. Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang thực hiện việc xây dựng lộ trình để giải quyết vấn đề đó. Và chắc chắn, những điều này cũng sẽ có trong những nội dung thiết kế Luật mà Thanh tra Chính phủ đề xuất, xin ý kiến của các cấp lãnh đạo, Chính phủ và đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng.
- Xin cảm ơn ông!

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền: 

Sửa ngay các biện pháp phòng ngừa

- Tôi cho rằng Luật hiện hành có những điểm chưa đi vào cuộc sống như kê khai và kiểm soát tài sản, trách nhiệm giải trình về tài sản của cán bộ, công chức… Bởi thế, có thể sửa ngay các điểm như các biện pháp phòng ngừa, trách nhiệm cụ thể của các cấp, cơ chế cung cấp thông tin.

Một số điểm còn chung chung cần làm rõ, cụ thể như cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng, kê khai, minh bạch tài sản… Trọng tâm của lần sửa này là làm cho Luật đi vào cuộc sống, nếu các cơ quan chịu “vất vả”, có thể sửa được Luật trong một kỳ họp, đáp ứng yêu cầu của nhân dân về một thay đổi nào đó để đưa đến hiệu quả trong công tác phòng chống tham nhũng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến: Thay đổi mô hình Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng là cấp bách

- Điều 73 Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành quy định Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, trong khi đó Hội nghị trung ương 5 (khóa XI) có chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Chính vì vậy, vấn đề cấp bách hàng đầu trong sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng lần này là việc thay đổi mô hình Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng.

Hoàng Thư (thực hiện)

Đọc thêm