Sẽ có “siêu Sở” sau sáp nhập?

(PLO) - Hôm nay (10/12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình của Chính phủ

Sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, xuất phát từ yêu cầu triển khai các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, 5, 6, 7, 8 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và yêu cầu của thực tiễn, có 3 dự án luật cần thiết phải được bổ sung vào Chương trình. Đó là Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. “Chính phủ đề nghị bổ sung 03 dự án luật trên vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 (trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8)”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Đối với dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, lần sửa này nhằm thể chế hóa nghị quyết Trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Những nội dung được tập trung sửa đổi là hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác giữa các bộ, ngành, các tổ chức trực thuộc các bộ, ngành và các cấp địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh phân quyền, phân cấp mạnh mẽ, hợp lý giữa Chính phủ với các bộ, ngành, giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương.

Bộ trưởng Lê Thành Long cũng cho biết, mục tiêu sửa luật còn nhằm từng bước sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; khuyến khích sáp nhập, tăng quy mô các đơn vị hành chính các cấp ở những nơi có đủ điều kiện để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực của địa phương. Khẩn trương, cương quyết sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước. Sự cần thiết sửa đổi còn để khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương thời gian qua. Ngoài ra còn nhằm khắc phục bất cập trong một số quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã chưa rõ; quy định về số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động chuyên trách, số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã theo phân loại đơn vị hành chính cấp xã đã bộc lộ hạn chế...

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành về việc cần sớm sửa đổi, bổ sung và dùng một luật để sửa hai luật, bảo đảm kịp thời, đồng bộ và thống nhất. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cho rằng, một số chính sách dự kiến sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền của Chính phủ nên không nhất thiết phải sửa đổi, bổ sung luật. Một số chính sách khác cần được cân nhắc thận trọng để phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Như chính sách về giao Thủ tướng Chính phủ quyết định tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương hay chính sách về quyết định việc phân cấp quản lý công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập

Sáp nhập 3 văn phòng sẽ thành “siêu sở”?

Nêu ý kiến, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cần phải có nguyên tắc khi sửa đổi các luật về tổ chức bộ máy, đặc biệt về phạm vi sửa đổi để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống tổ chức cơ quan nhà nước.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ băn khoăn khi thực tế chúng ta đang tiến hành thí điểm sáp nhập ba văn phòng (Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội) thì vẫn có ý kiến cho rằng việc sáp nhập một bên là hành pháp, một bên là lập pháp và giám sát thì hiệu quả sẽ không cao. Một số địa phương có số lượng cán bộ, nhân viên các văn phòng lớn, nếu sáp nhập sẽ thành “siêu sở”. Theo ông Phúc, ba luật này sửa là để thực hiện cho nhiệm kỳ sau, chưa phải áp dụng cho nhiệm kỳ này nên chưa phải là việc cần kíp. Do đó, chúng ta nên chờ tổng kết thấu đáo các vấn đề trước khi xem xét sửa đổi, bổ sung các luật về tổ chức.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, riêng vấn đề sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội, nếu chỉ vì vướng mắc về vấn đề thí điểm sáp nhập 3 văn phòng thì có thể sửa đổi luật theo hướng giao thẩm quyền quyết định sáp nhập hay tách các văn phòng giúp việc cho UBTVQH để không phải chờ Quốc hội quyết định. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, việc sửa Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ cần có định hướng lớn về tổ chức của Quốc hội, Chính phủ như thế nào, tinh gọn đến đâu, sáp nhập cơ quan nào. Sau đó mới thiết kế đề cương tổng thể, chi tiết. Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ về việc một số địa phương sáp nhập các sở trong khi chưa sửa đổi luật, nghị định để nhấn mạnh yêu cầu, việc thí điểm phải được thực hiện theo đúng định hướng của Bộ Chính trị và có cơ sở pháp lý để tránh làm rối vấn đề.

Kết luận nội dung, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, trong nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương và kế hoạch số 07-KH/TW của Bộ Chính trị đã xác định là Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo xem xét sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến việc thực hiện sắp xếp, kiện toàn bộ máy thực hiện từ năm 2018 và hoàn thành trong năm 2019. Như vậy, mốc thời gian là các luật này phải được trình trong năm 2018 và thông qua trong năm 2019./.

Cũng trong ngày 10/12, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế hướng dẫn tổ chức và hoạt động của HĐND. Kết luận nội dung, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, qua thảo luận nhiều ý kiến đã nhất trí không giao thẩm quyền của HĐND cho thường trực HĐND, do đó những vấn đề phát sinh thì phải đưa ra kỳ họp HĐND bất thường để quyết định, trong đó lưu ý chỉ lấy phiếu đối những vấn đề quan trọng. Kết quả biểu quyết, 100% thành viên của UBTVQH nhất trí về mặt nguyên tắc ban hành dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế hướng dẫn tổ chức và hoạt động của HĐND và giao Ban Công tác đại biểu hoàn thiện chỉnh sửa câu chữ trước khi ký ban hành.


Đọc thêm