Sáng 10/12, đoàn công tác của Bộ Tư pháp nước CHDCND Lào do Bộ trưởng Xay xỉ Xẳn tỵ vông dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp Việt Nam). Tiếp đoàn có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế cùng tập thể Ban Giám đốc Học viện Tư pháp và một số đơn vị thuộc Học viện.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Học viện Tư pháp Việt Nam Đoàn Trung Kiên đã báo cáo về tình hình chung của Học viện, về kết quả triển khai hoạt động năm 2018 và dự kiến kế hoạch hoạt động năm 2019 của Dự án Hỗ trợ Học viện Tư pháp Lào.
Theo đó, trong năm 2018, Ban Quản lý Dự án hai nước đã nỗ lực triển khai các hoạt động của Dự án với 05 kết quả đã được gồm: đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý Dự án và tổ chức thành công Lễ khởi động dự án vào tháng 3/2018 tại Thủ đô Viên Chăn; đã thành lập các nhóm nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện chương trình, giáo trình, tài liệu phục vụ cho công tác đào tạo và bồi dưỡng theo dự án Hỗ trợ Học viện Tư pháp Lào; tổ chức các Đoàn khảo sát, thu thập các thông tin liên quan; tổ chức thành công Lớp đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự và hiện đang tổ chức Lớp đào tạo nghề công chứng cho giảng viên, cán bộ của nước CHDCND Lào.
Từ nay đến hết năm 2018, theo ông Kiên, còn 2 hoạt động đã lên kế hoạch thực hiện là tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với 06 Dự thảo Báo cáo định hướng và hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với 06 dự thảo Chương trình khung đào tạo và bồi dưỡng các chức danh, lĩnh vực tư pháp; đón đoàn cán bộ Bộ Tư pháp Lào sang trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác xây dựng và sửa đổi, bổ sung Luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Luật Phá sản tại Việt Nam.
Báo cáo một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án, Giám đốc Đoàn Trung Kiên đề xuất Bộ trưởng Xay xỉ Xẳn tỵ vông xem xét và ký quyết định ban hành 6 chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng cho các chức danh tư pháp, cán bộ pháp luật và tư pháp của Lào. Đồng thời, đề nghị Bộ trưởng Xay Xỉ Xẳn tỵ vông quan tâm, chỉ đạo Ban Quản lý dự án của Lào tăng cường cán bộ thông thạo tiếng Việt và am hiểu pháp luật của Lào về các lĩnh vực được quy định trong văn kiện Dự án phối hợp với các nhóm nghiên cứu của Học viện Tư pháp Việt Nam…
Chào mừng Bộ trưởng Xay xỉ Xẳn tỵ vông đến thăm và làm việc tại Học viện Tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, chuyến công tác lần này của Bộ trưởng thể hiện sự quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp – cũng là một lĩnh vực quan trọng mà Bộ Tư pháp Việt Nam vô cùng quan tâm.
Theo Thứ trưởng, sự ra đời và quá trình 20 năm phát triển của Học viện Tư pháp có thể coi là kinh nghiệm quý báu với Lào và bày tỏ mong muốn Lào sẽ chỉ có một cơ sở đào tạo nguồn các chức danh tư pháp để đảm bảo mặt bằng chung về chất lượng.
Đối với kế hoạch năm 2019, Thứ trưởng đề nghị, ngoài phần giảng viên Việt Nam cần có cả sự tham gia của giảng viên Lào để học viên nắm được kiến thức pháp luật của cả hai nước, có lượng kiến thức toàn diện hơn, cũng như tốt cho cả phía Việt Nam khi hiểu thêm về khung khổ pháp luật của Lào và những vướng mắc, khó khăn mà Lào gặp phải trong thực tiễn.
Cảm ơn các thông tin của Giám đốc Học viện Tư pháp Việt Nam, Bộ trưởng Xay xỉ Xẳn tỵ vông cho biết, đây là lần thứ 2 ông đến thăm Học viện và nhận thấy Học viện ngày càng phát triển. Bộ trưởng Xay xỉ Xẳn tỵ vông đồng thời gửi lời cảm ơn lãnh đạo Bộ Tư pháp, Học viện Tư pháp Việt Nam đã giúp đỡ đào tạo nguồn nhân lực pháp luật và tư pháp cho Lào, đặc biệt gần đây đã tiếp nhận và đào tạo cán bộ thi hành án, công chứng viên.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Xay xỉ Xẳn tỵ vông cho biết, Học viện Tư pháp Lào đã được phê duyệt nâng cao chương trình đào tạo từ cao đẳng lên cử nhân với 4 khoa và đang tổ chức học liên thông cho học viên cao đẳng. Không những thế, Quốc hội Lào vừa thông qua Bộ luật Dân sự do Bộ Tư pháp Lào chủ trì với tỷ lệ tán thành 92%. “Sự thành công của Bộ luật Dân sự lần này có đóng góp của Bộ Tư pháp Việt Nam” - Bộ trưởng Xay xỉ Xẳn tỵ vông nhấn mạnh.
Về triển khai Dự án, Bộ trưởng Xay xỉ Xẳn tỵ vông cho hay đây là dự án ODA đầu tiên của Chính phủ Việt Nam dành cho ngành Tư pháp nên khó tránh được những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, Bộ trưởng ghi nhận sự nỗ lực cố gắng, thường xuyên phối hợp của hai bên và đánh giá rằng so với các ngành khác thì Dự án này tiến triển tốt hơn.
Tán thành với đề xuất của Giám đốc Kiên, Bộ trưởng cũng nêu quan điểm, xây dựng chương trình khung là rất quan trọng bởi Lào đặt ra dự kiến sẽ đưa vào áp dụng thực tế khoảng giữa năm 2020. Đồng tình với Thứ trưởng Ngọc, Bộ trưởng còn cho rằng, nên nghiên cứu thêm phương án để giảng viên Việt Nam sang Lào tham khảo thực tiễn.